Sức Hút Cây Lúa Nhật

Năm 2014, nông dân Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Thành, Long Xuyên trồng 2.333 héc-ta lúa Nhật, với tổng sản lượng khoảng 14.000 tấn (3 vụ), giá trị tương đương 1.000 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân đảm bảo lợi nhuận trên 30%.
Từ 30 héc-ta đất chuẩn bị sản xuất lúa chất lượng cao, ông Nguyễn Lợi Đức (ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, Tri Tôn) quyết định chuyển đổi và mở rộng thêm diện tích trồng lúa Nhật.
“Sản xuất lúa Nhật thì đầu ra ổn định, không sợ bị rớt giá như các loại lúa khác, mình an tâm hơn. Bởi lẽ, được công ty ký hợp đồng đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” – ông Đức phấn khởi.
Bắt nguồn từ Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật ở Lương An Trà, ông Đức dự kiến vận động các thành viên tăng lên từ 150 héc-ta đến 200 héc-ta.
Còn ông Nguyễn Thành An (nông dân giỏi ấp Tân Bình, xã Tân Tuyến, Tri Tôn) tự tin: “Tui từng ký hợp đồng sản xuất lúa giống với nhiều doanh nghiệp, đối với kỹ thuật trồng lúa Nhật, tui hổng ngán. Hơn nữa biết giá trước, mình cầm chắc lợi nhuận trong tay, còn chuyện trúng hoặc thất do mình canh tác”.
Ông Trần Minh Sơn, Trưởng bộ phận lúa Nhật (Công ty TNHH Angimex – Kitoku) cho hay, đối với các Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật, công ty tổ chức họp nông dân trước khi chuẩn bị mùa vụ mới, trao đổi ý kiến cần bổ sung, khắc phục những vấn đề còn hạn chế. Mọi người đồng thuận, ký hợp đồng, bắt tay vào sản xuất.
Thạc sĩ Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, đánh giá cao việc sản xuất lúa giống của Angimex – Kitoku. Nổi bật là phát huy hiệu quả sản xuất lúa giống, cải tiến mạng lưới cung cấp giống, chú trọng chiều sâu, đảm bảo năng suất và chất lượng hạt gạo lúa Nhật.
Nông dân NguyễnVăn Bình (ấp Tân Huề, xã Vọng Thê, Thoại Sơn) khoe, đất nhà chỉ có 5 héc-ta, mỗi vụ mướn thêm từ 10 – 15 héc-ta sản xuất lúa. “Tui thấy mần lúa Nhật có lợi là biết giá bán trước khi ký hợp đồng, ổn định cả năm nên mình yên tâm đầu tư sản xuất” – anh Bình bày tỏ.
Các khoản hợp đồng rất chặt chẽ thực hiện đúng quy trình hướng dẫn: Sử dụng giống, gieo cấy, chăm sóc, khử lẫn, phơi khô, giê sạch... còn được công ty thưởng thêm tiền trên từng ký lúa và là người nhiều năm tham gia hợp đồng sản xuất cũng được thưởng thêm.
Hơn 20 năm hình thành và phát triển, cây lúa Nhật trở nên gắn bó với nông dân Long Xuyên. Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Hòa thông tin, địa phương thành lập được 16 tổ hợp tác sản xuất, với hơn 60 thành viên sản xuất trên 560 héc-ta, được quỹ “Hỗ trợ nông dân” Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ vốn sản xuất và mua sắm thiết bị phục vụ nên mô hình “Liên kết sản xuất lúa Nhật” là giải pháp giúp nông dân ngoại thành tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao. Đây còn là xu hướng tất yếu, do tiến trình đô thị hóa nông thôn ở Long Xuyên
Ông Akira Omori, Phó Giám đốc Công ty TNHH Angimex – Kitoku cho rằng, “tài sản” của công ty chính là nông dân, có sự ủng hộ của chính quyền các cấp và hỗ trợ của các ban ngành, nhất là Hội Nông dân ở An Giang. “Đáp ứng nhu cầu hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân, năm 2014, công ty tổ chức kho tại Ba Thê (Thoại Sơn) mua lúa tươi và lúa khô trong khu vực” – ông Akira Omori cho hay.
Năm 2015, tiếp tục nâng cao năng lực sấy (230 tấn/ngày), tăng sản lượng chế biến 10.000 tấn gạo trắng, tương đương với 16.000 tấn lúa để phát triển diện tích sản xuất lên 2.900 héc-ta/năm (3 vụ). Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết, năm 2015, mô hình này sẽ được cụ thể hóa đến các xã, phường và huyện, thành phố nằm trong vùng dự án “Sản xuất lúa Nhật”.
“Tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng và báo giá trước là ưu thế nổi trội của mô hình sản xuất lúa Nhật ở An Giang. Bởi lẽ, xây dựng mô hình liên kết theo “Cánh đồng lớn”, duy nhất chỉ có Angimex – Kitoku thực hiện trọn gói từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng, đánh giá.
Nguồn bài viết: http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Tin-trong-tinh/Suc-hut-cay-lua-Nhat.html
Related news

Cà phê được xác định là một trong những loại cây công nghiệp chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh và trình độ canh tác của nông dân. Ở tỉnh Sơn La, cây cà phê được quy hoạch tập trung ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố.

Cách đây vài năm, cũng như nhiều bà con trong vùng, ông Nguyễn Văn Chí, ở ấp Thăm Trơi B, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, quen với việc làm ruộng độc lập. Ông cho biết, lúc đó, người bơm nước người không nên cuối cùng người này làm ảnh hưởng ruộng lúa người khác. Ðến cuối vụ, ai cũng bị thất thoát, năng suất lúa không cao.

Huyện Thống Nhất (Đồng Nai) hiện có hơn 400 hécta đất trồng rau. Không chỉ được thị trường biết đến là vùng trồng rau với diện tích lớn, đa dạng về chủng loại của tỉnh mà Thống Nhất còn là địa phương có nhiều vùng rau đặc sản nổi tiếng xa gần.

Giá mủ cao su xuống thấp nhất trong vòng 4 năm qua khiến người trồng cao su chặt phá loại cây này, chuyển đổi sang cây trồng khác…

Để làm cơ sở khoa học cho việc nhân rộng diện tích ứng dụng mô hình ruộng lúa bờ hoa, Trạm Bảo vệ thực vật huyện An Phú (An Giang) đã đề xuất các ngành chức năng có liên quan thực hiện đề tài nghiên cứu ảnh hưởng của bờ trồng hoa đến mật độ sâu hại và thiên địch trên ruộng lúa vụ đông xuân 2014 - 2015 tại xã Vĩnh Lộc (An Phú).