Nông Dân Bớt Gánh Nặng Khi Giá Xăng Dầu Giảm Mạnh
Thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tục giảm mạnh đã giúp người nông dân bớt đi phần nào gánh nặng về chi phí sản xuất...
Nhiều năm rồi, người trồng cà phê mới lại có một mùa vui khi giá cà phê ngay từ đầu niên vụ 2014 - 2015 vẫn giữ ở mức cao, khoảng 39.000 - 42.000 đồng/kg nhân, cao hơn khoảng 10.000 đồng so với cùng kỳ các năm trước. Năm nay, sau khi thu hoạch, người dân lại bước vào thời kỳ tưới nước để cây cà phê phục hồi sau một mùa “dốc sức” nuôi quả thì giá dầu diesel lại giảm. Thời điểm này, giá dầu diesel còn 15.170 đồng/lít (giảm trên 4.000 đồng/lít so với tháng 11-2014) khiến người nông dân rất phấn khởi.
Gia đình anh Trần Đình Vân ở thôn 2, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Dak Lak) hiện có 3 ha cà phê kinh doanh. Mỗi đợt tưới, với 2 máy bơm tiêu hao khoảng 160 lít dầu, chi phí khoảng 3 triệu đồng. Anh Vân cho biết, thời điểm năm ngoái, gia đình anh phải tốn khoảng 5 triệu đồng để mua dầu chạy máy bơm/đợt tưới. Nhưng đến nay, giá dầu giảm sâu, giúp người dân tiết kiệm khá nhiều.
Giá dầu diesel giảm nhiều hộ dân tại xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) chuyển từ việc tưới cà phê bằng máy bơm điện sang chạy máy dầu để giảm bớt chi phí sản xuất.
Những năm trước, khi giá xăng dầu tăng cao, nhiều hộ dân đã phải đầu tư đường dây điện, trạm biến áp 3 pha… để phục vụ bơm tưới cà phê. Mặc dù việc chạy máy tưới bằng điện giảm chi phí khoảng 30% so với chạy máy dầu, nhưng hằng ngày (từ 5 giờ đến 18 giờ), khi người dân đồng loạt tưới cà phê thì điện áp bị quá tải, các thiết bị điện trong gia đình, máy bơm thường không đủ điện để sử dụng, dẫn đến dễ bị cháy nổ, hỏng hóc, tốn kém chi phí sửa chữa, thay thế. Hiện nay, giá dầu giảm đã đem lại nhiều thay đổi tích cực.
Nhiều người đang sử dụng máy tưới bằng điện lại quay về với việc sử dụng máy nổ chạy dầu để bơm tưới cà phê, việc sử dụng điện giảm tải rất nhiều. Anh Hoàng Văn Thực ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) cho hay: Cách đây 2 năm, do giá dầu tăng cao nên anh đã phải đầu tư 100 triệu đồng để mua máy bơm, đường dây điện, đồng thời, đóng góp thêm 50 triệu đồng cùng với một số bà con trong vùng đầu tư riêng một trạm biến áp để phục vụ tưới cà phê.
Chi phí đầu tư cao là vậy, nhưng việc sử dụng cũng không thoải mái, các bộ dân phải chia nhau thời gian tưới thì mới đủ điện. Hiện nay, giá dầu giảm xuống, việc sử dụng máy nổ tưới cà phê giảm chi phí hơn tưới bằng điện khoảng 200.000 đồng/ha/đợt. Anh và các hộ dân khác trong xã lại chuyển sang chạy máy nổ.
Đối với người trồng lúa, khi giá dầu diesel giảm mạnh cũng tạo cho bà con tâm lý phấn khởi. Tại các cánh đồng lúa của huyện Lak, Krông Ana, người dân cũng đang thu hoạch trà lúa thu đông. Những chiếc máy gặt trên đồng cũng như khẩn trương hơn để kịp nghỉ Tết. Chị Trần Thị Lệ ở xã Buôn Triết (huyện Lak) đang thoăn thoắt gom từng bó lúa chất lên xe máy cày, vừa lau mồ hôi trên trán tươi cười nói: Giá xăng dầu giảm nên chi phí cho việc thuê máy gặt lúa cũng giảm theo.
Chưa kể, sau khi đưa lúa về nhà thuê máy tuốt lúa cũng không còn cao như trước nữa. Nếu như những niên vụ trước gia đình chị phải tốn khoảng 200.000 đồng/sào lúa để thuê máy gặt và tuốt lúa, thì hiện nay chỉ còn chi phí khoảng 150.000 đồng/sào. Gia đình chị có 3 ha lúa, so với niên vụ trước đã giảm bớt được một khoản chi phí sản xuất 1,5 triệu đồng.
Còn tại cánh đồng lúa xã Ea Lê (huyện Ea Súp), anh Lê Viết Hùng làm dịch vụ chạy máy cày bừa ruộng thuê cho các hộ dân cho biết: Mỗi vụ anh cày bừa cho khoảng 100 ha ruộng của bà con, bình quân 80.000 đồng/sào, trừ chi phí dầu chạy máy anh còn lãi khoảng 10 triệu đồng. Vụ đông xuân năm nay, do chi phí dầu diesel giảm, nên anh cũng giảm giá xuống còn 50.000 đồng/sào nên bà con rất phấn khởi.
Việc giá dầu diesel giảm là tín hiệu đáng mừng để bà con giảm bớt gánh nặng về chi phí sản xuất, có thêm nguồn kinh phí để đầu tư, chăm sóc cây trồng cho vụ tiếp theo. Nhiều người dân còn mong muốn giá xăng, dầu luôn giữ ở mức thấp, kéo theo đó là các mặt hàng phục vụ sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phí dịch vụ nông nghiệp cũng giảm theo…
Related news
Huyện Mường Khương (Lào Cai) vừa đưa vào trồng thử nghiệm giống bí ngô Đài Loan tại các xã: Tung Chung Phố, Nấm Lư, Thanh Bình, Nậm Chảy, Lùng Khấu Nhin và thị trấn Mường Khương với quy mô 56,4 ha.
Đối với những thị trường nhập khẩu (NK) thủy sản khó tính như EU và Nhật Bản, liên tục phát hiện mức dư lượng kháng sinh quá quy định sẽ là điểm trừ trong bài toán mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) ở đây.
Khổ sở với đồng lương ba cọc ba đồng không đủ chi tiêu, đặc biệt là khi giá cả ngày càng leo thang, không ít công chức đã quyết định nghỉ việc về trồng rau sạch bán kiếm sống.
Là một nông dân “chính hiệu”, quanh năm gắn chặt với ruộng đồng, khi đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn trăn trở với niềm đam mê cây gốc ghép, mong muốn tạo ra những cây giống có chất lượng, phục vụ bà con nông dân. Ông là Nguyễn Văn Ngãi – thôn Nhật Chiêu 7, xã Liên Châu (Yên Lạc - Vĩnh Phúc).
Huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) có khoảng hơn 1.100 ha nuôi ngao. Do vùng bãi triều của huyện sâu, dốc, lầy bùn... nên người nuôi phải đầu tư nhiều hơn vùng khác để cải tạo bãi; hơn nữa, tỷ lệ phơi bãi thấp, thức ăn không đầy đủ nên thời gian nuôi ngao của địa phương thường từ 16 đến 17 tháng (bình thường 14 - 15 tháng)...