Sử Dụng Thóc Gạo Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Mở Hướng Thay Thế Nguyên Liệu Nhập Khẩu

Việt Nam là nước nông nghiệp, sản lượng lúa đạt từ 42 - 43 triệu tấn/năm nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu gần 9 triệu tấn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Hiện một số doanh nghiệp (DN) đã sử dụng thóc gạo thay thế ngô và lúa mỳ nhập khẩu trong sản xuất TĂCN, nhưng giá thành lại cao hơn. Nghịch lý này đòi hỏi phải sớm được tháo gỡ.
Giá thóc cao hơn ngô và lúa mỳ nhập khẩu
Theo ông Chu Đình Khu - Trưởng phòng Chăn nuôi (Cục Chăn nuôi), hiện nay tổng nhu cầu sử dụng TĂCN cho gia súc, gia cầm mỗi năm khoảng 20 triệu tấn, trong đó sản lượng TĂCN công nghiệp đạt khoảng 11,5 triệu tấn, chiếm 50% tổng nhu cầu. Khó khăn lớn nhất của ngành sản xuất TĂCN là thiếu hụt nguyên liệu, hiện đang phụ thuộc tới 70% nguyên liệu nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chi 3,1 tỷ USD nhập tới hơn 8 triệu tấn nguyên liệu, trong đó ngô 1,2 triệu tấn, lúa mỳ gần 2 triệu tấn... Điều này không những gây khó khăn cho DN trong chủ động nguồn nguyên liệu mà còn làm cho giá TĂCN cao. Trong 9 tháng đã có 7 - 8 lần giá TĂCN tăng, mỗi đợt tăng từ 200 - 300 đồng/kg, trong khi giá thực phẩm giảm mạnh, khiến cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng này, một số DN sản xuất TĂCN và các nhà khoa học đã nghiên cứu sử dụng lúa gạo để thay thế ngô và lúa mỳ làm TĂCN nhằm hạn chế phụ thuộc nguyên liệu nhập và giảm giá bán ra. Nhưng cái khó trong việc thay thế này chính là giá mua nguyên liệu thóc gạo trong nước cao hơn so với ngô nhập khẩu.
Một kilôgam gạo lật có giá tới 7.600 đồng trong khi đó giá ngô được các nhà máy mua về sản xuất TĂCN chỉ 7.300 đồng/kg. Đại diện Nhà máy sản xuất TĂCN New Hope cho biết, nhà máy đã sử dụng thóc và gạo thay thế một phần ngô trong sản xuất TĂCN nhưng việc giá thóc cao hơn ngô và lúa mỳ từ 200 - 300 đồng/kg nên không thể cạnh tranh được.
TS Trần Quốc Việt (Viện Chăn nuôi) cho rằng, ngoài vấn đề về giá thành mua thóc gạo cao hơn so với ngô, một trong những nhược điểm cơ bản khiến sức cạnh tranh của thóc và các sản phẩm từ thóc (gạo lật, tấm) kém hơn so với ngô trong sản xuất TĂCN là không có sắc tố vàng, dẫn tới chất lượng dinh dưỡng kém hơn. Chẳng hạn như sử dụng thức ăn làm từ thóc cho lợn, giá trị dinh dưỡng chỉ bằng 72 - 77% so với ngô và lúa mỳ, đối với thức ăn cho gà thì dinh dưỡng sản xuất từ thóc chỉ bằng 62% so với lúa mỳ và 67% so với ngô.
Hỗ trợ về vốn và kỹ thuật gieo trồng
Để sử dụng thóc và gạo thay thế dần sản phẩm ngô và lúa mỳ nhập khẩu, các chuyên gia ngành chăn nuôi đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ hợp lý cho người sản xuất lúa về vốn cũng như kỹ thuật gieo trồng các loại giống lúa năng suất cao và được bù giá chênh lệch 700 - 1.000 đồng/kg thóc khi bán trực tiếp cho các nhà máy sản xuất TĂCN. TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, ngoài hỗ trợ cho người sản xuất lúa thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các DN sản xuất TĂCN như vay vốn và được hưởng lãi suất vay ưu đãi cao nhất để mua thóc gạo trong mùa thu hoạch lúa.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, hiện ngành chăn nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu, nếu sử dụng thóc và gạo thay thế cho ngô và lúa mỳ làm TĂCN thì sẽ cứu được cả ngành trồng trọt và chăn nuôi vì hiện hai ngành này đều phát triển không bền vững. Tuy nhiên, để việc này đi vào thực tế, các địa phương cần quy hoạch một số diện tích trồng các giống lúa có năng suất cao, giá thành hạ để chuyển sang làm TĂCN (khoảng 1 - 2 triệu tấn/năm). Nhà nước tăng cường dự trữ quốc gia về thóc và gạo để phục vụ nhu cầu lương thực và TĂCN; ngoài việc sử dụng thóc và gạo làm TĂCN còn cần khuyến khích các nhà máy sử dụng sản phẩm từ sắn để thay thế nguyên liệu nhập khẩu…
Related news

Đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng bệnh phát sinh thành dịch trên đàn gia súc, gia cầm do bà con nông dân đã chủ động tiêm phòng các loại bệnh dễ bị lây nhiễm cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn còn thường xuyên tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm...

Hiện nay, nuôi trăn thương phẩm đang là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi ưu điểm là không cần nhiều diện tích, dễ nuôi, nguồn thức ăn dễ kiếm, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, ít tốn công chăm sóc và đặc biệt là đầu ra ổn định, giá bán luôn ở mức cao.

Vừa qua, UBND huyện Quang Bình tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông - lâm nghiệp năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Đến dự có các đồng chí: Lê Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy; Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, UBND, HĐND; UBND 15 xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị của huyện.

Huyện Phụng Hiệp là vùng trồng mía nguyên liệu trọng điểm của tỉnh, chiếm hơn 2/3 diện tích mía toàn tỉnh. Nhưng do địa hình trũng thấp nên hàng năm, nông dân ở đây phải lo thu hoạch mía chạy lũ mỗi khi mùa nước nổi đổ về. Đây cũng chính là lý do khiến nông dân không thể áp dụng một số giải pháp để hạ giá thành sản xuất, điển hình là mô hình trồng mía lưu gốc.

Theo nhiều nhà vườn trồng dừa tại tỉnh Bến Tre cho biết, cây dừa là cây trồng ít sâu bệnh nhưng thời gian gần đây đã có nhiều đối tượng dịch hại tấn công và ngày càng phát triển mạnh như: bọ vòi voi, bọ cánh cứng, sâu đục trái,… và mới nhất là loài côn trùng lạ gây chết cả cây dừa.