Sáng tạo cách diệt sâu bệnh an toàn
Nhiều nông dân tỉnh Đồng Nai đã bỏ thói quen sử dụng thuốc BVTV, họ tự sáng tạo ra những cách diệt sâu bệnh cho vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khi có môi trường tốt sẽ giúp côn trùng có lợi phát triển, làm cho đất tơi xốp, giúp cây trồng dễ hấp thu phân bón để sinh trưởng phát triển và cho năng suất cao. Ảnh: MS.
Nuôi 'dũng sĩ' kiến vàng
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây trái, anh Nguyễn Văn Tuấn (ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) hào hứng khoe: “Khoảng 2 năm nay vườn cây nhà tôi đã không phải dùng một ký phân hóa học nào và cũng chẳng phải xịt thuốc trừ sâu. Hiện, tôi chỉ sử dụng chế phẩm sinh học IMO và nuôi kiến vàng trong vườn nhưng các loại sâu bệnh và côn trùng gây hại đều bị tiêu diệt hết, đồng thời vườn cây cũng dần cân bằng lại hệ sinh thái nên rất ít sâu bệnh”.
Nhiều nông dân đã tự tìm cách phòng trừ bằng việc nuôi kiến vàng và dùng phương pháp hữu cơ sinh học chăm sóc vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: MS
Theo anh Tuấn, trước kia khi vườn của gia đình anh trung bình 7 ngày phải xịt thuốc một lần, có khi phun xịt trễ là cây trái sẽ bị sâu vẽ bùa tàn phá, chích hút khiến cho khô, quăn lá không phát triển được. Thậm chí, cây cứ ra đọt non đến đâu bị chúng cắn trụi hết đến đó khiến cả vườn cây như sắp biến thành… vườn củi khô. Do vậy, anh Tuấn đã tự tìm cách phòng trừ bằng việc nuôi kiến vàng và phương pháp hữu cơ sinh học.
Từ năm 2018, anh Tuấn bắt đầu làm chế phẩm IMO, anh tận dụng tất cả các nguồn thức ăn dư thừa, xác động vật, nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong vườn và ở địa phương để tạo thành chế phẩm IMO làm thức ăn cho cây, giúp vườn cây nhà mình tươi tốt, khỏe mạnh hơn. Sau đó, anh dùng chế phẩm vi sinh này tưới bón chăm sóc cho vườn cây, khoảng 6 tháng sau toàn bộ những gốc bưởi và những cây ăn trái khác trong vườn cây nhà anh bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh.
Do được phục hồi bệnh, dinh dưỡng tốt khiến cây không còn hiện tượng bị thối rễ, các tuyến trùng, vi khuẩn có hại đều bị tiêu diệt và cây bắt đầu ra bông đều. “Nếu mình lạm dụng phân thuốc hóa học sâu bệnh sẽ bị nhờn thuốc, càng phun xịt cây càng bị nhiễm độc, ảnh hưởng cả sức khỏe con người. Do vậy, tôi vừa kết hợp giữa chế phẩm IMO vừa nuôi kiến vàng diệt trừ sâu, chỉ sau 2 năm toàn bộ vườn cây của gia đình đã sạch bệnh. Chi phí sản xuất cũng giảm khoảng 2/3 và hiệu quả kinh tế tăng đáng kể”.
Tương tự, nhờ nuôi kiến vàng diệt sâu bệnh trong vườn ca cao đã giúp ông Đoàn Văn Le (Mười Le), ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom đem lại kết quả tốt. Lúc đầu ông Le mua 1,2ha để đầu tư trồng cam, quýt, nhưng khi được dự tham gia lớp tập huấn trồng và phát triển cây ca cao ở địa phương, ông đã đầu tư trồng thêm 3 ha ca cao xen chôm chôm, sầu riêng và áp dụng phương pháp thuần hóa, nuôi dưỡng đàn kiến vàng để bảo vệ vườn cây không phải phun thuốc BVTV.
“Tôi đã học được kỹ thuật và phương pháp nuôi kiến vàng từ các chuyên gia của Trường Đại học Nông Lâm hướng dẫn không ngờ đã thành công hơn mong đợi. Cũng nhờ đàn “dũng sĩ diệt sâu” này mà vườn cây nhà tôi không hề bị bệnh gì, cho năng suất cao, mỗi năm tôi tiết kiệm được cả chục triệu đồng tiền thuốc trừ sâu/ha”, ông Le chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của ông Mười Le, nuôi kiến vàng có nhiều cái lợi, nhưng tuyệt đối phải giữ cho môi trường tự nhiên thật trong lành, vì chỉ cần xịt bất kì loại thuốc có mùi hôi là kiến bỏ đi ngay. Khi có môi trường tốt sẽ giúp côn trùng có lợi phát triển, làm cho đất tơi xốp, giúp cây trồng dễ hấp thu phân bón để sinh trưởng phát triển và cho năng suất cao. Côn trùng là nguồn thức ăn “khoái khẩu” của kiến nên khi vườn cây có đủ mật độ kiến vàng sẽ đỡ được 50 - 100% số lần phun thuốc cho cây. Đến nay, đàn kiến trong vườn nhà ông Le đã trở thành một “đạo quân” hùng mạnh có mặt khắp mọi nơi để hằng ngày thay ông “canh gác” bảo vệ cây trồng.
Tự làm phân, thuốc an toàn
Những năm gần đây, nhiều nông dân tỉnh Đồng Nai đã ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, tận dụng nguồn rác thải sinh hoạt, chăn nuôi để làm phân bón, thuốc trừ sâu sinh học không độc hại với giá rẻ.
Trước yêu cầu thực tế của thị trường nội địa và xuất khẩu về nông sản an toàn, nông dân ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng các phương pháp tự ủ phân bón hữu cơ cũng như phòng trừ sâu bệnh bằng các phương pháp tự nhiên như mô hình ruộng lúa bờ hoa, trồng hoa cỏ trong vườn cây, nuôi kiến vàng, tự làm thuốc BVTV sinh học để trừ sâu bệnh.
Nhiều nông dân ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng các phương pháp tự ủ phân bón hữu cơ cũng như phòng trừ sâu bệnh bằng các phương pháp tự nhiên, nuôi kiến vàng, tự làm thuốc BVTV sinh học để trừ sâu bệnh. Ảnh: MS.
Tiêu biểu ở xã Hưng Lộc có ông Bùi Văn Hùng đã tự nghiên cứu ra cách chăm sóc vườn bưởi hiệu quả an toàn. Ông Hùng tâm sự: “Tôi thường tìm mua vỏ con hàu về để nung và tán ra thành bột rồi đem pha với nước tưới lên mặt vườn sẽ giúp cân bằng độ pH của đất; đồng thời bột vỏ hàu cũng giúp tăng độ tơi xốp của đất, cải thiện sự hấp thu nitrat rất hữu ích”. Theo ông Hùng, vỏ hàu còn là nguồn tài nguyên giàu khoáng chất quan trọng cho vật nuôi, cây trồng và xử lý môi trường.
Ông Đoàn Ngọc Thạnh (ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất), nông dân trồng bưởi sạch tại từ hơn 20 năm, áp dụng thành công phương pháp diệt côn trùng, sâu rầy bằng đèn và treo bảng màu trong vườn cây. Với phương thức này, ông Thạnh không phải dùng thuốc, hóa chất để xử lý vườn cây vừa tốn kém lại ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân. Đồng thời, từ sản phẩm trái cho chất lượng ngon, an toàn nên ông luôn bán được giá cao.
Vườn mít của gia đình anh Phước đang nuôi cỏ dưới gốc cây nhằm tạo thảm thực vật giữ độ ẩm và cân bằng sinh thái vườn cây. Ảnh: MS.
Anh Nguyễn Thanh Phước, nông dân sản xuất giỏi cấp quốc gia (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) cho biết, từ năm 1994 ở địa phương anh đã triển khai chương trình IPM trên lúa, không ai phải phun thuốc BVTV vừa trồng cây khỏe lại bảo tồn được thiên địch có lợi.
“Hiện nay bà con chúng tôi đang hướng đến sản xuất hữu cơ trên các loại cây trồng. Vườn mít siêu sớm của gia đình tôi cũng đang áp dụng sản xuất theo quy trình hữu cơ, hạn chế tối đa việc bón phân hóa học và phun thuốc. Thậm chí còn nuôi cỏ dưới gốc cây nhằm tạo thảm thực vật giữ độ ẩm và cân bằng sinh thái vườn cây”, anh Phước chia sẻ.
Theo anh Phước, việc sản xuất theo hướng hữu cơ hiện không còn là câu chuyện lẻ tẻ của một vài nông dân nữa mà đã trở thành xu hướng phát triển được nhiều nông dân áp dụng và các địa phương khuyến khích nhân rộng.
Với mục tiêu chọn phát triển nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ làm mũi nhọn đột phá, huyện Vĩnh Cửu vừa triển khai Đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu và không ngừng nhân rộng mô hình từ sản xuất cây có múi đến rau quả, trồng hoa lan…
Ông Phạm Minh Phước, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Trong giai đoạn 2020-2021, huyện phấn đấu có 50% nông dân triển khai phương pháp sử dụng men vi sinh trong sản xuất. Địa phương sẽ gắn Đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch vườn, du lịch sinh thái nhằm quảng bá, mở rộng thị trường cho cả nông sản tươi và chế biến”.
Sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân sẽ chủ động tự làm phân bón, thuốc BVTV, cây trồng phát triển tốt, cho chất lượng trái ngon hơn; đặc biệt chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với sử dụng các loại phân, thuốc hóa học. Tuy sản xuất theo hướng này không quá khó nhưng đòi hỏi người nông dân phải kiên nhẫn học hỏi, nghiên cứu và quan sát trong suốt quá trình canh tác để tự rút cho mình những kinh nghiệm thực tế.
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri), nuôi kiến vàng trong vườn cây ăn trái là một phương pháp sản xuất nông nghiệp sinh thái thân thiện với môi trường giúp đa dạng sinh học, cải thiện môi trường vì hầu hết không cần sử dụng tới thuốc BVTV trong quá trình sản xuất. Đây là một cách làm không mới nhưng đem lại hiệu quả thiết thực giúp phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững. Vì vậy đây là phương pháp cần được nhân rộng trên vườn cây.
Related news
Hàng chục giống lúa mới được lai tạo từ nguồn gen lúa hoang nhằm tăng khả năng chống chịu hạn, mặn, kháng sâu, bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên các trà lúa đang đẻ nhánh rộ tại Nam Định với tỉ lệ cao 5 - 7%, cục bộ có nơi lên tới 10 - 15%.
Nhiều nông dân đang ăn nên làm ra nhờ trồng lúa Nhật ĐS 1 bởi giống thích hợp điều kiện nhiều địa phương, đạt năng suất cao, bán được giá, lợi nhuận cao.