Lúa xuân nhiễm đạo ôn lá tỉ lệ cao
Bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên các trà lúa đang đẻ nhánh rộ tại Nam Định với tỉ lệ cao 5 - 7%, cục bộ có nơi lên tới 10 - 15%.
Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định khuyến cáo bà con nông dân phòng, trừ bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”. Ảnh: Mai Chiến.
Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, thời tiết những ngày qua có mưa nhỏ, sáng có sương, độ ẩm không khí cao kết hợp lúa giai đoạn đẻ nhánh rộ là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh, gây hại.
Kết quả điều tra, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên giống nhiễm: Q5, BC15, TBR225, X21, Nếp… tại xã Hiển Khánh (huyện Vụ Bản); xã Xuân Ninh, Xuân Thượng (huyện Xuân Trường); xã Nghĩa Tân, Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Hưng); xã Hải Đông (huyện Hải Hậu); xã Giao Thịnh, Giao Tân (huyện Giao Thủy)… với tỉ lệ bệnh nơi cao 5 - 7%, cục bộ 10 - 15%.
Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định chia sẻ, dự báo thời tiết những ngày tới tiếp tục có mưa kết hợp lúa giai đoạn đẻ nhánh rộ, cuối đẻ nhánh, cây giao tán, khép hàng, ít ánh sáng, nhất là sau bón phân, lúa sinh trưởng, phát triển tốt là giai đoạn mẫn cảm cho bệnh đạo ôn lá phát sinh, lây lan nhanh.
Để hạn chế tác hại do bệnh đạo ôn gây ra, ông Chính khuyến cáo các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi, dùng thuốc đặc hiệu phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng” khi bệnh chớm xuất hiện, nhất là các giống nhiễm như: BC15, Q5, LQ164, QR1, Khang dân 18, TBR 225, Nếp, Thiên ưu 8, Đài thơm 8...
Sử dụng thuốc có hoạt chất Tricyclazole Bump 650WP, Bumrosai 650WP, Bankan 600WP, Mixperfect 525SC,... tiến hành phun phòng, trừ. Sau phun thuốc 5 - 7 ngày, kiểm tra nếu còn vết bệnh cấp tính phải phun lại.
“Những ruộng bị nhiễm đạo ôn lá, bà con nông dân ngừng bón phân đạm, không phun các loại chất kích thích sinh trưởng và phân qua lá. Với những ruộng bị nặng nên ngắt bỏ lá bệnh đem tiêu hủy trước khi phun và phun lại sau 5 ngày. Trong thời gian 4 giờ sau phun gặp mưa, phải phun lại”, ông Chính lưu ý.
Theo ông Chính, hiện nay, ngoài bệnh đạo ôn lá thì rầy lưng trắng lứa 1 cũng đang nở rộ. Do đó, các địa phương cần tăng cường công tác thu thập mẫu rầy, mẫu lúa, giám định virus để có biện pháp xử lý kịp thời. Thường xuyên kiểm tra nhổ vùi dảnh, khóm lúa bị bệnh hạn chế sự lây lan, phát tán nguồn bệnh lùn sọc đen…
Related news
Nông dân trong các vùng canh tác cây công nghiệp ở Tây Nguyên theo chương trình cảnh quan bền vững có thu nhập cao hơn 30 triệu đồng/ha
Trong quá trình canh tác lúa trên đất tôm, ngoài các đối tượng sâu, bệnh hại thì rong nhớt cũng là đối tượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng
Hàng chục giống lúa mới được lai tạo từ nguồn gen lúa hoang nhằm tăng khả năng chống chịu hạn, mặn, kháng sâu, bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.