Ăn nên làm ra nhờ trồng lúa Nhật ĐS 1
Nhiều nông dân đang ăn nên làm ra nhờ trồng lúa Nhật ĐS 1 bởi giống thích hợp điều kiện nhiều địa phương, đạt năng suất cao, bán được giá, lợi nhuận cao.
Giống lúa Nhật ĐS 1 cho năng suất cao nên được nhiều nông dân ưa chuộng, diện tích sản xuất ngày càng tăng. Ảnh: Trung Chánh.
lLan tỏa giống lúa Nhật ĐS 1
Nhiều hộ nông dân ở vùng Tứ giác Long Xuyên, tỉnh Kiên Giang bén duyên với giống lúa Nhật cách đây 5-7 năm và đã sản xuất qua cả chục vụ. Qua quá trình sản xuất, nông dân ghi nhận lúa Nhật có nhiều giống, có thời gian sinh trưởng khác nhau và năng suất cũng khác nhau. Có giống ngắn ngày (100-110 ngày) thường bông nhỏ, năng suất thấp. Giống dài ngày (trên 120 ngày) thích nghi tốt, ít sâu bệnh, bông to, năng suất cao, trong đó có giống ĐS 1.
Thực tế sản xuất ghi nhận, giống lúa Nhật ĐS 1 có tính thích nghi rộng, phát triển tốt, đạt năng suất cao nên nông dân ưa chuộng và chọn sản xuất giống này càng nhiều.
Ông Nguyễn Văn Oai, ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang vừa thu hoạch xong vụ đông xuân 2020-2021 thắng lợi, phấn khởi cho biết: “Giống lúa Nhật ĐS 1 thích nghi rất tốt với điều kiện tự nhiên, năng suất đạt 1 tấn/công (1.000m2), bán giá cao nên vụ này đạt lợi nhuận từ 4 - 4,5 triệu đồng/công. Rất ít có giống lúa nào canh tác ở vùng đất này mà cho năng suất và lợi nhuận cao như vậy. Vì đất bị nhiễm phèn rất nặng, giống không chịu phèn sẽ khó phát triển”.
Không chỉ ở Kiên Giang, giống lúa Nhật ĐS 1 còn lan tỏa ở nhiều tỉnh, thành khác trong vùng ĐBSCL, với diện tích canh tác ngày càng tăng. Ông Trịnh Văn Dũng, ở xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, vụ đông xuân 2020-2021 đã mạnh dạn đầu tư sản xuất tới 10ha giống lúa Nhật ĐS 1 và kết thúc vụ mùa thắng lớn.
Ông Dũng cho biết, để đảm bảo chất lượng đầu vào, tôi đã chọn giống ĐS 1 cấp xác nhận 1, do Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang sản xuất và cung cấp. Lúa thích nghi tốt điều kiện tại địa phương, đẻ nhánh khỏe, ít nhiễm sâu bệnh, bông to và cứng cây.
“Năng suất thu hoạch vừa xong đạt tới 10,8 tấn/ha (lúa tươi cắt máy), trong khi giống lúa Nhật ngắn ngày một số hộ trong xã sản suất chỉ đạt 7 - 7,7 tấn/ha. Với giá bán 6.700 đồng/kg, doanh thu đạt 72 triệu đồng/ha. Đây là vụ lúa mà gia đình tôi canh tác đạt thắng lợi cao nhất từ trước tới nay, cả về năng suất, giá bán và lợi nhuận”, ông Dũng phấn khơi cho biết.
Liên kết sản xuất lúa Nhật ĐS 1
Do giống lúa Nhật ĐS 1 sản xuất chủ yếu để chế biến phục vụ thị trường xuất khẩu (gạo hạt tròn, cơm dẻo), trong nước khó tiêu thụ nên ngành chức năng khuyến cáo nông dân chỉ đầu tư sản xuất khi có hợp đồng đặt hàng của doanh nghiệp. Ông Lê Hoàng Quốc, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đánh giá, giống lúa Nhật ĐS 1 thích hợp với vùng đất địa phương, năng suất cao nên nông dân rất ưa chuộng.
Vụ đông xuân 2020-2021, Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang đã phối hợp với ngành chức năng huyện Giang Thành, cùng bà con nông dân thực hiện dự án cánh đồng lớn sản xuất giống lúa Nhật ĐS 1 tại xã Vĩnh Điều. Kết quả thu hoạch năng suất lúa trung bình đạt gần 10 tấn/ha (lúa tươi cắt máy) và được doanh nghiệp bao tiêu với giá 6.700 đồng/kg (cao hơn giá thị trường 200 đồng), nông dân đạt lợi nhuận từ 35-40 triệu đồng/ha.
Theo ông Lê Hoàng Quốc, hiện đang có 6 doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất cánh đồng lớn và ký hợp đồng tiêu thụ lúa nguyên liệu cho bà con nông dân trên địa bàn huyện, trong đó có những đơn vị lớn như Tập đoàn Lộc Trời. Đây được xem là mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững, chia sẻ chuỗi lợi nhuận từ kinh doanh lúa, gạo.
“Vụ đông xuân 2020-2021, tổng diện tích mà các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân trên địa bàn huyện Giang Thành đạt trên 6.000ha, trong đó có hơn 2.000ha lúa Nhật ĐS 1. Giá thu mua theo giá thị trường, cộng thêm từ 50 - 200 đồng/kg, tùy giống và chất lượng. Giá sẽ được doanh nghiệp cùng nông dân thương thảo, chốt trước thời điểm thu hoạch từ 7 - 10 ngày. Nhờ đó, nông dân không chỉ yên tâm sản xuất mà lợi nhuận cũng cao hơn”, ông Quốc cho biết.
Ông Nguyễn Trường Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng của nông dân, những năm qua trung tâm đã sản xuất và cung ứng giống lúa Nhật ĐS 1 cho bà con nông dân, gồm cả cấp xác nhận và nguyên chủng. Qua quá trình sản xuất, nông dân đánh giá giống lúa ĐS 1 do Trung tâm cung cấp đạt chất lượng, lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh. Cuối vụ thu hoạch đạt năng suất cao, bán được giá tốt nên nông dân rất phấn khởi.
Theo kết quả đánh giá cơ cấu giống lúa vụ đông xuân 2020-2021 của Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, giống lúa Nhật ĐS 1 được nông dân trong tỉnh sản xuất với diện tích rất lớn, lên tới gần 47.000ha, chiếm 16,53% diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh. Trong đó, tập trung ở các huyện Hòn Đất (33.561 ha), Kiên Lương (7.189 ha) và Giang Thành (6.212 ha)… Phần lớn nông dân làm lúa Nhật ĐS 1 theo đơn đặt hàng bao tiêu của các doanh nghiệp nên có đầu ra khá ổn định.
Related news
Trong quá trình canh tác lúa trên đất tôm, ngoài các đối tượng sâu, bệnh hại thì rong nhớt cũng là đối tượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng
Hàng chục giống lúa mới được lai tạo từ nguồn gen lúa hoang nhằm tăng khả năng chống chịu hạn, mặn, kháng sâu, bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên các trà lúa đang đẻ nhánh rộ tại Nam Định với tỉ lệ cao 5 - 7%, cục bộ có nơi lên tới 10 - 15%.