Sáng Chế Máy Trồng Và Thu Hoạch Khoai Mì

Ông Trần Quốc Hải và Trần Quốc Thanh (ấp 2, xã Suối Dây, H. Tân Châu, Tây Ninh) mày mò học hỏi, nghiên cứu chế tạo thành công máy trồng và thu hoạch khoai mì. Chiếc máy ra đời hỗ trợ đắc lực cho nông dân trồng khoai mì ứng dụng cơ giới hóa. Đặc biệt, ngoài việc trồng khoai mì, có thể ứng dụng máy vào việc phun thuốc trừ sâu, bón phân, làm cỏ, vun hàng và thu hoạch khoai mì...
Máy được chế tạo hoàn toàn nội địa, phù hợp địa hình, giá thành thấp hợp với túi tiền nông dân. Giá máy đa năng này khoảng 30 - 40 triệu đồng (chưa kể đầu kéo), rẻ hơn rất nhiều so với máy nhập từ nước ngoài với giá trên 200 triệu đồng nhưng không phù hợp địa hình Việt Nam. Máy sử dụng đầu kéo 80 mã lực, công suất hoạt động khoảng 10 ha/8 giờ, thay thế được rất nhiều nhân công. Thông thường, để trồng 1 ha khoai mì trong 8 giờ cần khoảng 17 nhân công. Với giá nhân công lao động hiện nay khoảng 120.000 đồng/người, chi phí nhân công trồng 10 ha mất gần 20 triệu đồng. Với máy đa năng này, nông dân trồng 10 ha mì, chi phí nhân công và tiền xăng dầu chỉ khoảng 1,5 triệu đồng, rẻ hơn trồng thủ công rất nhiều. Khi thu hoạch, mỗi ngày máy có thể nhổ 7 ha, tốn chi phí khoảng 600.000 đồng. Nếu mướn nhân công nhổ thì cần 15 người mới nhổ hết 1 ha/ngày, tốn nhân công đến 2,7 triệu đồng/ha.
Với một dàn cày mà lưỡi cày được bố trí theo một độ nghiêng thích hợp, máy xới lên, tự động vun thành luống dài, luống cách nhau 0,8 m. Sau khi cày, máy chọc một lỗ vào luống rồi cắm hom mì giống xuống thay vì đặt nghiêng như kiểu cũ (hom thẳng ảnh hưởng đến sản lượng, kích thước cũ), trồng thẳng, đều.
Những chiếc máy trồng và thu hoạch mì của ông Hải và ông Thanh chế tạo đã thử nghiệm trồng trên 200 ha, chỉ riêng phần tiết kiệm từ nhân công đã đủ chi phí đầu tư cho 3 máy. Do khả năng có giới hạn nên hai ông không thể sản xuất lớn, hiện có công ty đặt vấn đề hợp tác để sản xuất đại trà phục vụ nông dân nhiều nơi.
Related news

Giữa sóng nước bao la, những ngư dân lão luyện của làng chài Châu Thuận Biển, Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) chỉ cần dăm con tôm gỗ, vài bao nilon đựng bông gòn… là đánh bắt được những con mực lá, mực nang trắng phau, nặng trịch. Kỹ thuật dùng mồi giả để “dụ” cá, mực... là sự đúc kết kinh nghiệm đi biển từ bao đời của ngư dân làng chài trù phú nhất nhì tỉnh.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ vựa cá ở phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc cho biết: Giá cá chốt từ đầu vụ bán cho người làm mắm được 10.000 đồng/kg. Nhưng do nguồn nguyên liệu ứ thừa, nên từ hai tháng nay, không còn người mua để chế biến các loại mắm, đành phải hạ giá xuống còn 7.000 đồng/kg bán làm thức ăn gia súc!

Trong năm 2015, Chi cục Nuôi trồng thủy sản khuyến cáo bà con ổn định diện tích, thả giống đúng lịch thời vụ. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, thành lập các Tổ hợp tác nuôi tôm quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất; tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, đảm bảo lợi ích cho các hộ nuôi…

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Ðể tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAP xã hỗ trợ 100% vỏ hầm biogas, thành lập câu lạc bộ chăn nuôi cho người dân tham gia học tập và chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Thành cho biết: Con giống tự tìm nên không chuẩn, do nhiều giống gà khác nhau, nên khó khăn cho việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn thức ăn chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn, giá thành khi mua lẻ các loại thức ăn gia cầm từ các cửa hàng cao, trừ chi phí, lãi thu về không nhiều.