Sản Xuất Tỏi Lý Sơn Gặp Khó
Bước vào vụ ĐX 2013-2014, người trồng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vừa làm vừa lo. Lo là giống tỏi đã bị thoái hóa nghiêm trọng, không biết cây sinh trưởng, phát triển ra sao; có trụ nổi trước sự tấn công ào ạt của sâu bệnh…
Trong vụ này, huyện đảo Lý Sơn đã xuống giống 310 ha tỏi và 60 ha hành. Do đặc thù mỗi năm chỉ làm có 1 vụ, nên từ tháng 9, tháng 10; người trồng tỏi nơi đây đã vào vụ SX, đến đầu năm sau là thu hoạch.
Bước vào vụ, người trồng lo nhất là giống. Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế huyện, nông dân cứ theo truyền thống chọn tép tốt của tỏi vụ trước lấy làm giống cho vụ sau. Qua nhiều vụ SX, nguồn giống đã bị thoái hóa nghiêm trọng. Giống tỏi kiểu này cho năng suất kém đã đành, lại chứa nhiều mầm bệnh nên trong thời gian gần đây, cây tỏi đất đảo thường xuyên bị sâu bệnh tấn công.
“Trong những năm qua, cây tỏi thường bị bệnh đốm trắng, sương mai và các loại sâu xanh, sâu lá, bọ xít, dòi đục lá… Bà con lo nhất về con sâu xanh da láng, loại sâu này kháng thuốc kinh khủng. Loại thuốc nào cũng vậy, khi mới dùng thì còn trị được chúng, sau 1 thời gian ngắn thuốc bơm mặc thuốc, chúng cứ sống trơ trơ, phải thay thuốc liên tục.
Nông dân rất khoái khi bơm thuốc vào là nhìn thấy con sâu chết tức thì, do đó tăng liều lượng thuốc trong mỗi lần bơm, càng tạo điều kiện cho sâu kháng thuốc nguy hiểm đến bất trị”, ông Lê cho biết.
Để khắc phục về giống, nhiều nông dân đã chuyển vùng SX tỏi để né sâu bệnh. Họ vào đến Ninh Thuận thuê đất trồng tỏi. Sau đó chọn những tép tỏi đẹp đưa về Lý Sơn cho người thân trồng, nhằm hạn chế sử dụng giống tỏi cũ đã thoái hóa.
Tuy nhiên, cách làm này cũng chẳng mang lại nhiều hiệu quả. Cách đây mấy năm, Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đã về Lý Sơn thực hiện đề tài “Nghiên cứu phục tráng giống tỏi ở Lý Sơn”, mở ra niềm hy vọng cho người trồng tỏi.
Theo đó, Viện đã tiến hành phục tráng 9 dòng hỗn R1, R2, R3, R4, R5, R6, R7, R8, R9 của giống tỏi Lý Sơn đạt cấp siêu nguyên chủng với 65.800 củ được phục tráng, năng suất của các dòng đơn trong dòng hỗn đạt từ 8 - 9 tấn/ha và cao hơn đối chứng chưa phục tráng từ 12,3 - 39,3%.
Ngoài ra, đề tài đã xây dựng 3 chuyên đề về bảng mô tả, hướng dẫn phục tráng và hướng dẫn kỹ thuật duy trì, nhân giống các cấp giống tỏi Lý Sơn; đồng thời tiến hành tập huấn kỹ thuật duy trì và nhân giống tỏi Lý Sơn các cấp cho 201 lượt nông dân trên địa bàn huyện.
Song, theo ông Nguyễn Văn Lê thì số giống được phục tráng trong diện tích chỉ 1 ha thì không đủ thiếu gì, hầu hết nông dân vẫn đang dùng giống địa phương để SX.
Đi thăm cánh đồng được ứng dụng TBKT vào SX tỏi theo hướng bền vững, được sử dụng nguồn giống từ giống đã phục tráng (giống siêu nguyên chủng và các dòng tốt nhất) tại xã An Vĩnh, chúng tôi nhận thấy sự sinh trưởng phát triển của cây tỏi ở đây tốt hơn xa so với những diện tích trồng tỏi khác được canh tác bình thường và dùng giống địa phương.
“Lý Sơn đã xây dựng 2 mô hình SX tỏi thương phẩm theo hướng bền vững có quy mô hơn 7 ha ở 2 xã An Vĩnh và An Hải với 156 hộ nông dân tham gia. Đến khi mô hình này được nhân rộng thì nhu cầu về nguồn giống đạt chất lượng sẽ tăng cao. Bởi vậy, lo nhất của cây tỏi Lý Sơn hiện nay là giống”, ông Lê cho biết thêm.
“Chúng tôi rất mong mỏi ngành chức năng về Lý Sơn để nghiên cứu, phân tích nguồn bệnh trên cây tỏi và cây hành để khắc phục tình trạng hiện nay. Được như vậy thì các loại cây trồng mũi nhọn của Lý Sơn mới mong đủ điều kiện để đi theo hướng SX bền vững”, ông Nguyễn Văn Lê.
Related news
Theo thông báo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 20.5, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện tại 8 tỉnh gồm: Điện Biên, Yên Bái, Nam Định, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Lai Châu.
Nông dân thu ớt bao nhiêu, thương lái xuống tận ruộng mua bấy nhiêu, với mức giá lên tới 15.000-16.000 đồng/kg (tăng 5.000-6.000 đồng/kg so với hồi đầu năm).
Nhằm tìm ra những loại cây trồng thích nghi tốt với việc biến đổi khí hậu, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị và Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung phối hợp với huyện Hải Lăng, thực hiện dự án trồng cây ớt trên đất cát trắng ở xã Hải Quế
Hiện nay, nhiều ngư dân ở các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh đã tận dụng diện tích ao, hồ nuôi tôm sú không đạt để phát triển nghề nuôi cá chẽm. Tại huyện Duyên Hải, 3 năm trước đã có khoảng 5 hộ nuôi thử nghiệm cá chẽm bằng giống sinh sản nhân tạo. Nhận thấy có hiệu quả, bà con truyền nhau kinh nghiệm nuôi cá và từ đó phong trào nuôi cá chẽm ngày càng lan rộng trên địa bàn huyện. Đến đầu năm 2012, toàn huyện đã có trên 100 hộ nuôi, tập trung nhiều ở các xã Hiệp Thạnh, Long Khánh và Long Vĩnh.
Cuối tháng 4 và đầu tháng 5, những đợt nắng nóng liên tiếp kéo dài, trong nhiều ngày không mưa đã khiến cho mực nước ở các sông, suối, hồ… ở Thanh Hóa sụt giảm nghiêm trọng.