Sản Xuất Nhân Tạo Giống Cá Chim Vây Vàng

Cá chim vây vàng (Trachinotus bloochi) là loài cá biển có giá trị kinh tế cao, được nuôi và tiêu thụ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Mỹ, Singapore... Ở Việt Nam, cá chim vây vàng vẫn còn là đối tượng nuôi khá mới mẻ. Những thành công về sản xuất giống và nuôi thương phẩm trong thời gian qua đang mở ra nhiều triển vọng bổ sung loài cá chim vây vàng vào danh sách các loài cá biển nuôi ở Việt Nam.
Từ thực tế đó, Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu, sản xuất nhân tạo giống cá chim vây vàng, do PGS.TS. Lại Văn Hùng, Khoa Nuôi trồng thủy sản - Trường Đại học Nha Trang, làm chủ nhiệm đề tài.
Từ tháng 10/2009 đến tháng 10/2011, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn, nuôi vỗ thành thục 129 con cá chim vây vàng bố mẹ cho sinh sản. Qua 12 đợt ương thử nghiệm, đề tài đã thu được 23,5 triệu trứng thụ tinh, ấp nở 12,6 triệu ấu trùng cá. Từ đó, đã ương được hơn 400.000 cá giống dài 4 - 5cm, vượt gần 300% so với chỉ tiêu đặt ra. Phần lớn số cá giống này được thả nuôi trong bể xi măng và gần 20.000 con được thả nuôi trong lồng bè.
Đề tài đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Đầu năm 2012, nhóm nghiên cứu đã tiếp tục triển khai pha 2 của đề tài nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá chim vây vàng để chuyển giao cho người nuôi. Đến nay, giống cá chim vây vàng đã được nhân rộng nuôi thương phẩm cung ứng sản phẩm ra thị trường nhiều tỉnh thành như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, Nghệ An, Nam Định, Quảng Ninh,…
Bước tiếp theo, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nuôi thương phẩm theo hướng giảm chi phí thức ăn, phòng trị bệnh, tiến tới tạo giống cá kháng bệnh và thích nghi được nhiều điều kiện môi trường nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, cá chim vây vàng có thể góp phần thay thế cho nhiều loài thủy sản nuôi có hệ số rủi ro cao hiện nay.
Từ giữa năm 2012, nhiều hộ nuôi ở các tỉnh ven biển ĐBSCL đã thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá chim vây vàng theo hình thức công nghiệp và bước đầu được đánh giá là một mô hình hay nên nhân rộng.
Nuôi cá chim vây vàng có thuận lợi so với các loài cá khác là cá có sức đề kháng khỏe, tỷ lệ sống rất cao, trên 95%, dễ nuôi và không có nhiều bệnh tật. Thịt cá chim vây vàng có vị ngon, cung cấp nhiều chất béo và omega 3.
Với giá cá giống trung bình từ 4.500 – 6.000 đồng/con, sau 10 - 12 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt khoảng 0,8 - 1,0 kg, đủ điều kiện xuất bán ra thị trường với mức giá trung bình 120.000 - 170.000 đồng/kg, đảm bảo người nuôi có lãi. Hiện có 2 hình thức nuôi cá chim vây vàng cho hiệu quả cao là nuôi lồng, bè trên biển và nuôi trong ao đất với nguồn nước dẫn trực tiếp từ biển vào. Độ sâu nước thích hợp cho cá sống là 5 – 6m, nhiệt độ thích hợp từ 28 – 30 độ C.
Hiện nay, mô hình nuôi cá chim vây vàng đã được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và có thể xuất khẩu. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những loài thủy sản chạy theo phong trào nuôi ồ ạt trước đây, dẫn đến cung vượt quá cầu và mất giá làm người nuôi điêu đứng, nhiều hộ nông dân vẫn chưa dám đầu tư mạnh để phát triển. Do đó, để mô hình này phát triển bền vững và hiệu quả, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi cũng như quy hoạch và quản lý chặt chẽ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Related news

"Trước kia gia đình anh Thủy là một trong những hộ nghèo nhất xã. Nhưng từ ngày anh nuôi chim bồ câu, lợn, gia đình anh trở thành hộ có thu nhập khá trong xã" - ông Lê Thanh Sơn - Chủ tịch Hội ND xã Yên Thành, huyện Yên Mô, Ninh Bình, cho biết.

Với 17 ha cao su, 3 ha luồng, đàn gia súc, gia cầm hàng trăm con, tạo công ăn việc làm cho 15 - 20 lao động địa phương; trừ chi phí mỗi năm thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Đó là mô hình kinh tế trang trại của chàng trai người dân tộc Mường - Quách Văn Tùng, SN 1983 tại thôn 10, xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Đầu tháng 3/2000, Phòng NN - PTNN Thành phố phối hợp với Tổng đại lý phân phối BRF-02 AQUAKIT đã tổ chức hội thảo với hơn 80 hộ nuôi tôm ở Quy Nhơn về các mô hình nuôi tôm thí điểm dùng chế phẩm BRF-02 AQUAKIT. Đa số những người tham dự hội thảo đều nhất trí cho rằng với chế phẩm BRF-02 AQUAKIT, nghề nuôi tôm ở Quy Nhơn đang có một triển vọng rất khả quan.

Trên khu đồng trũng, cấy lúa quanh năm mất mùa, gia đình anh Nguyễn Văn Trực và chị Vũ Thị Vụ, thôn 3, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã mạnh dạn nhận xin dồn đổi ruộng làm trang trại. Đến nay, trang trại nuôi vịt, lợn kết hợp thả cá của gia đình anh Trực cho thu nhập 500 - 600 triệu đồng mỗi năm.

Mùa lũ năm nay, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) có tổng diện tích thả nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa khoảng 170 ha, tập trung ở các xã: Tân Hội, Bình Thạnh và An Bình B. Trong đó, địa phương thả nuôi nhiều nhất là xã Bình Thạnh, với trên 100 ha. Thời điểm này, các hộ nuôi đang bước vào thu hoạch rộ.