Sẵn Sàng Triển Khai Kế Hoạch Sản Xuất Vụ Mùa, Hè - Thu
Vụ đông - xuân 2012-2013 đến nay đã kết thúc với những thành quả khá toàn diện. Sản lượng lương thực cây có hạt đạt khoảng 190.593 tấn, vượt 8% cùng kỳ, vượt 3,8% kế hoạch. Bước vào SX vụ mùa, hè - thu với tinh thần chủ động cao, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương làm đất và chuẩn bị mạ để gieo cấy đúng khung thời vụ đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo.
Thống kê đến thời điểm này, toàn tỉnh đã làm đất được khoảng 4.000 ha, gieo được khoảng 50 tấn mạ, diện tích trồng màu khoảng 500 ha với các cây trồng chủ lực là ngô, khoai lang, lạc... Các địa phương có tiến độ làm đất sớm nhất là Yên Thủy, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Cao Phong, Lạc Thủy...
Bà Hoàng Thị Thu Hằng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Đầu tháng 5/2013, huyện đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch SX vụ mùa, hè - thu và vụ đông với các chỉ tiêu chính: Tổng diện tích gieo trồng 3.428 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt 14.149 tấn, trong đó diện tích lúa khoảng 1.740 ha, năng suất 52 tạ/ha, sản lượng 9.042 tấn; diện tích ngô 945 ha, năng suất 44 tạ/ha, sản lượng 5.107 tấn. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch SX từ nay đến cuối năm, UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn trên cơ sở kế hoạch của huyện sớm cụ thể hóa thành kế hoạch phù hợp với từng địa bàn, sau đó chủ động triển khai, phổ biến sâu rộng đến từng hộ nông dân.
Cũng như huyện Lạc Thủy và các địa phương khác, hiện nay, huyện Tân Lạc đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai kế hoạch SX vụ mùa, hè - thu. Ngay sau khi hoàn tất thu hoạch vụ chiêm xuân, bà con nông dân bắt tay ngay vào việc làm đất, chuẩn bị giống gieo mạ. Xác định đây là vụ SX có điều kiện để mở rộng diện tích, đa dạng hóa cây trồng và đầu tư thâm canh cho năng suất, sản lượng cao, huyện phấn đấu đạt tổng diện tích gieo trồng các loại cây khoảng 5.060 ha, tổng sản lượng cây có hạt đạt 20.433 tấn.
Trong đó, cây lúa 2.700 ha, năng suất 52 tạ/ha, sản lượng 14.044 tấn; cây ngô 1.420 ha, năng suất 45 tạ/ha, sản lượng 6.389 tấn. Để đạt mục tiêu, UBND huyện đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật chủ yếu cần thực hiện, đồng thời chỉ đạo cán bộ được phân công phụ trách vùng, xã cần bám sát địa bàn để nắm chắc tình hình và có biện pháp xử lý kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong suốt vụ SX.
Ở phạm vi toàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch SX vụ mùa, hè- thu với các mục tiêu chính: Tổng diện tích gieo trồng 45.175 ha, trong đó lúa ruộng 23.422 ha, năng suất bình quân 51,2 tạ/ha; ngô 13.663 ha, năng suất bình quân 40 tạ/ha. Về thủy sản, diện tích ao, hồ nuôi cá khoảng 2.500 ha, phấn đấu sản lượng cá cả năm đạt 4.800 tấn. Về SX lâm nghiệp, tiếp tục hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu về bảo vệ rừng 75.000 ha, khoanh nuôi, tái sinh 5.000 ha, trồng rừng mới 7.000 ha, chăm sóc rừng trồng các năm 22.000 ha... Ngoài ra, các lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy lợi... cần duy trì và phát triển ổn định.
Ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: Để thực hiện thắng lợi kế hoạch SX cả năm 2013, các địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh SX vụ mùa, hè - thu, bám sát định hướng mở rộng diện tích gieo trồng, thâm canh để nâng cao năng suất, sản lượng đảm bảo kế hoạch đề ra, kiên quyết không để đất trống trong toàn vụ SX.
Theo lịch gieo cấy, Sở NN&PTNT khuyến cáo, trà lúa mùa sớm nên cấy xong trước ngày 30/6, trà lúa mùa chính vụ cấy xong trong tháng 7, cấy tập trung từ ngày 5 - 20/7. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các địa phương cần khẩn trương chuẩn bị nguồn giống (đặc biệt là giống lúa, ngô, lạc, đậu, rau các loại...), phân bón, thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp... đồng thời đôn đốc bà con nông dân nhanh chóng hoàn tất khâu làm đất để sẵn sàng gieo trồng vụ mùa, hè - thu trong khung thời vụ tốt nhất.
Related news
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, con bò sữa đang được người dân xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) lựa chọn. Có thể nói, con bò sữa đang mở hướng làm giàu cho người dân nơi đây, nhưng, để đàn bò phát triển bền vững thì còn nhiều khó khăn, thử thách.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh, tính đến ngày 25.3, tổng diện tích mì nhiễm rệp sáp bột hồng trên địa bàn tỉnh gần 613 ha; trong khi đó, vào tháng 1 và 2, diện tích mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng là 301,4 ha. Như vậy, chỉ trong một tháng đã có trên 300 ha mì bị rệp sáp bột hồng tấn công.
Những năm gần đây, ở ĐBSCL sản lượng các loại cây trồng hằng năm không ngừng gia tăng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của việc dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, nhiều hệ lụy từ việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phun xịt thuốc vô tội vạ, thậm chí cây trồng bệnh nhẹ cũng sử dụng thuốc độc hại: ruộng đồng bị đầu độc, sản phẩm kém an toàn...
Những năm gần đây, mức độ thiệt hại mùa màng do chuột trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày càng gia tăng do đàn chuột phát triển rất nhanh về số lượng. Ngoài việc gây hại đối với sản xuất nông nghiệp, kho tàng, chuột còn là đối tượng trung gian lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho cộng đồng.
Ngày 31/3, tại khóm Soài Côn, phường 2, thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức lễ thành lập Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu. Đây là Hợp tác xã hành tím được thành lập đầu tiên trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Dự lễ có đại diện Ban Quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng, đại diện các Sở ngành, Ủy ban thị xã Vĩnh Châu và những nông dân tham gia hợp tác xã.