Rủi ro tiềm ẩn từ xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc

Số liệu tại Hội thảo “Thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc 2012-2014: Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 15-9 tại Hà Nội cho thấy năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 845,1 triệu đô la Mỹ.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 425 triệu đô la Mỹ, cao thứ 2 trong nhóm các ngành hàng xuất khẩu sang Trung Quốc (chỉ sau sắn), trong đó chủ yếu là gỗ nguyên liệu gồm dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ, ván bóc và đồ gỗ thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), thương mại các mặt hàng gỗ giữa hai quốc gia có những đặc điểm thể hiện tính rủi ro lớn nếu không có biện pháp điều chỉnh từ phía nhà nước.
Thứ nhất, theo ông Quyền, những sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm thô hoặc bán thành phẩm. Năm 2014 xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc được gần 850 triệu đô la Mỹ thì có tới trên 700 triệu là sản phẩm thô như dăm mảnh, gỗ tròn, độ tinh chế rất ít, trong khi đó thị trường khác chủ yếu nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh.
Bên cạnh mặt hàng gỗ dăm thì Trung Quốc lại có nhu cầu rất lớn đối với các loại gỗ quý hiếm và không yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp, chứng chỉ rừng như những nước tiên tiến khác, trong khi gỗ quý hiếm là loại mặt hàng mà Việt Nam không khuyến khích khai thác và xuất khẩu. Hơn nữa, yêu cầu về mẫu mã, chứng chỉ rừng, chất lượng gỗ xuất sang Trung Quốc nhìn chung là rất dễ dãi.
Theo ông Quyền, gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua nhiều cửa khẩu khác nhau. Nếu như Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, EU chủ yếu qua đường biển thì xuất khẩu sang Trung Quốc qua tới 19 cửa khẩu khác nhau từ của khẩu quốc tế, quốc gia, đường mòn lối mở…nên việc quản lý và thống kê thương mại gỗ gặp rất nhiều khó khăn dẫn tới có sự chênh lệch trong số liệu thống kê xuất nhập khẩu gỗ giữa hai nước.
Mặt khác, thị trường Trung Quốc thiếu tính ổn định, bền vững vì kim ngạch hàng năm luôn biến động, giá cao giá thấp, năm nhập nhiều, năm nhập ít gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa), cho hay ông đã có dịp gặp một quan chức lâm nghiệp Trung Quốc và ông này nói Trung Quốc đang mở ra con đường tơ lụa với mục tiêu thu gom nguyên liệu về Trung Quốc chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm và làm giàu cho nước này. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với ngành gỗ trong nước là làm thế nào để không rơi vào “bẫy con đường tơ lụa của họ”.
Các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp tại hội thảo đều đồng ý rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu từng loại gỗ như gỗ dăm, gỗ quý, gỗ xẻ….cần phải tìm cách nâng cao giá trị của từng sản phẩm để xuất khẩu tạo ra giá trị gia tăng cao sang thị trường này.
Ông Tô Xuân Phúc,đại diện Forest Trends, cho biết do hội nhập nên thương mại gỗ giữa hai nước sẽ chịu nhiều tác động lớn từ các quy định mới trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam vừa ký kết như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Theo đó, các doanh nghiệp của Việt Nam tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại thị trường quốc tế, bao gồm cả thị trường Trung Quốc và thị trường nội địa, cần phải đưa ra những bằng chứng xác đáng về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định có liên quan đến chuỗi cung ứng.
“Điều này sẽ tạo ra những khó khăn lớn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc,” ông Tô Xuân Phúc phân tích, nhưng cũng cho biết thêm rằng, bên cạnh đó đây cũng là cơ hội của ngành gỗ Việt Nam.
Ông Phúc cho hay, trong bối cảnh hội nhập đó, Chính phủ cần có các cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn, bền vững. Mặt khác, việc sắp xếp và tổ chức lại hình thức sản xuất kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc siết chặt quản lý và loại bỏ dần các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên những lợi ích ngắn hạn, khai thác tận kiệt tài nguyên, tranh thủ lao động giá rẻ và công nghệ chế biến lạc hậu.
“Đây là những thông điệp rất quan trọng đối với ngành gỗ, bao gồm cả các doanh nghiệp hiện đang trực tiếp tham gia vào thương mại gỗ và sản phẩm gỗ với thị trường Trung Quốc,” ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.
Related news

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 17-11, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức công bố các phán quyết cuối cùng của Ban hội thẩm (Panel) đối với các khiếu kiện của Việt Nam liên quan đến việc Mỹ áp thuế chống phá giá lên mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam (vụ kiện tôm DS/429).

Kiểm soát độc quyền, nâng cao cạnh tranh lành mạnh trong thị trường thức ăn chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ là những kiến nghị được đưa ra tại hội thảo “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ tại Việt Nam” diễn ra sáng nay (18/11), tại Hà Nội.

Gia đình ông Vũ Quang Huy ở thôn 14 hiện có hơn 1.000 trụ tiêu và 1 ha đất trồng các loại cây ngắn ngày; hàng năm, luôn có mức thu nhập từ 600 triệu đồng trở lên. Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo ông Huy thì đối với tiêu, nếu như trước đây thường có tâm lý bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan thì nay, cách làm của gia đình đã khác.

Sau 5 tháng triển khai nuôi, tỉ lệ cá sống đạt 90%, trọng lượng đạt 0,5 kg/con, lợi nhuận đạt 20 triệu đồng/sào. Trong quá trình nuôi, các hộ dân đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Cán bộ của Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư thị xã Gia Nghĩa đã phổ biến kỹ thuật và phát tài liệu về kỹ thuật nuôi một số loại cá cho các hộ dân và khuyến nông viên.

Xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo có 2.300ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Hầu hết diện tích rừng nằm trong khu vực phòng hộ sông Đà nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường sống con người... Những năm qua xã Mường Mùn luôn xác định bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn.