Hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi đầu tư cho nhiều công đoạn
Thu lợi cao
Đi dọc đường Thanh niên ven biển vào thời điểm này, dễ thấy hàng loạt ao hồ nuôi tôm bỏ trống. Dịch bệnh tràn lan đã tàn phá vùng nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm đó, vẫn nhận thấy cảnh thu hoạch nuôi tôm đem lại niềm vui lớn cho một số nông hộ. “Gia đình đã kiên trì bám trụ nuôi tôm dù đã nhận quá nhiều thua lỗ trong thời gian qua.
Rất may là ở vụ 2 này, thu hoạch khá đã giúp chúng tôi phần nào trang trải được nợ nần. Ở vụ tiếp theo, gia đình sẽ đầu tư bài bản hơn” - ông Đặng Đình An (thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải, Thăng Bình) nói.
Cuối tháng 5.2015, gia đình ông An đầu tư nuôi 21 vạn con tôm thẻ chân trắng, phân bố ở 3 ao nuôi có tổng diện tích 3.000m2. Rút kinh nghiệm từ thất bát ở 3 vụ nuôi trước, ông An vào tận Bình Thuận mua tôm giống rồi thuê xe chuyển về.
Trước khi chuyển tôm giống về địa phương, ông An đã thực hiện đầy đủ công đoạn kiểm dịch cho tôm giống. Sau 3 tháng nuôi, tôm phát triển tốt, gia đình đã thu hoạch được 2,5 tấn tôm cỡ 70 con/kg, bán được tổng cộng 300 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng. Từ thành công của vụ nuôi này, gia đình ông An đang cải tạo lại quỹ đất để mở rộng diện tích nuôi thành 5 ao nuôi tôm.
Gia đình ông Đặng Đình An thu hoạch tôm vụ 2.
Gia đình ông Đào Văn Yến (thôn Bình Phú, xã Tam Tiến, Núi Thành) nuôi tôm thẻ chân trắng ở 5 ao nuôi lót bạt trên cát có tổng diện tích 6.000m2. Ông Yến nuôi tôm với mật độ dày (200 con/m2).
Ở vụ 2 này, ông Yến đã thu hoạch được tổng cộng 10 tấn tôm cỡ 80 con/kg, lãi hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Chi phí nuôi tôm trên cát bao giờ cũng rất cao, có khi chiếm đến hơn 2/3 tổng giá trị thu được. Nhờ sử dụng men vi sinh thay cho kháng sinh cũng như tiết kiệm điện vào ban đêm nên gia đình đã thu lãi tương đối cao ở vụ này” - ông Yến nói.
Chia sẻ kinh nghiệm về nuôi tôm trên cát, ông Yến cười nói: “Thật ra không ai tài giỏi chi. Chung quy là cố gắng hạn chế đến thấp nhất sự xâm hại có thể dẫn đến tôm nuôi bị bệnh.
Gia đình tôi xét nghiệm để khẳng định tôm giống nuôi không có mầm bệnh. Yếu tố môi trường nước được gia đình khép kín bằng cách bơm nước từ biển vào hòa tan với nước giếng khoan sâu để dung hòa độ mặn. Chúng tôi cũng hạn chế sự xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài bằng cách che chắn kỹ càng bằng lưới ở bên trên. Đó là tất cả những gì gia đình đã áp dụng, dĩ nhiên thành công cũng còn nhờ vào may mắn”.
Cần đầu tư bài bản
Người nuôi tôm liên tục thất bát, thua lỗ từ cuối năm 2014 đến nay. Số diện tích nuôi tôm đã không ngừng giảm xuống cho đến thời điểm hiện tại. Theo ngành thủy sản Quảng Nam, nghề nuôi tôm nước lợ tại Quảng Nam đã chuyển qua nhiều giai đoạn phát triển, từ đối tượng nuôi là tôm sú đến tôm thẻ chân trắng.
Cách đầu tư tự phát đã dần chuyển sang thâm canh, đầu tư theo kiểu công nghiệp và bán công nghiệp. Quy trình nuôi tôm ngày một bài bản, chặt chẽ hơn với sự kiểm soát khoa học ở nhiều công đoạn như tôm giống, cải tạo ao nuôi, nguồn nước, thủy lợi, chăm sóc, đề kháng, xử lý dịch bệnh. “Con giống là một yếu tố quan trọng để thành công trong sản xuất, lựa chọn con giống có chất lượng kết hợp với thâm canh đầu tư, xử lý tốt ao nuôi và nguồn nước sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, trình độ kỹ thuật của người nuôi là yếu tố quyết định. Do vậy, những người nuôi lựa chọn được mật độ nuôi thích hợp tương ứng với những thời điểm khác nhau để có thể xử lý bất trắc cho tôm nuôi thường là thành công. Điều đó có được đòi hỏi phải qua quá trình thăm dò, tích lũy kỹ thuật, kinh nghiệm lâu dài của chính người nuôi” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam nói.
Theo thống kê của ngành thủy sản Quảng Nam, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh từ đầu năm đến nay là 177,1ha, tập trung 6 vùng nuôi của tỉnh. Cụ thể, Núi Thành 12,5ha (Tam Tiến 11ha, Tam Giang 1ha, Tam Quang 0,5ha); Thăng Bình 42,7ha (Bình Nam 12ha; Bình Sa 5ha; Bình Dương 18ha; Bình Giang 5,7ha; Bình Hải 2ha); Duy Xuyên 2,55ha (Duy Nghĩa 0,6ha, Duy Thành 1,65ha, Duy Vinh 0,3ha); Tam Kỳ 50,6ha (Tam Phú 30,3ha; Tam Thăng 10ha; An Phú 9ha, Tam Thanh 1,3ha); Hội An 68,75ha (Cẩm Thanh 42,75ha, Cẩm Châu 20ha, Cẩm Hà 2ha, Cẩm An 4ha).
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, tính đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xuất hiện tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua xét nghiệm đã cho thấy các bệnh thường gặp do môi trường, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng.
Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là 177,1ha. Bên cạnh đó, giá tôm thương phẩm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014, lợi nhuận thấp nên người nuôi chưa mạnh dạn thâm canh tăng năng suất.
Việc kiểm soát chất lượng vật tư nuôi tôm nước lợ như giống, thức ăn, chất xử lý môi trường phục vụ sản xuất vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân một phần vì lực lượng nhân sự của cơ quan quản lý còn ít, kinh phí kiểm nghiệm chất lượng thiếu.
Cùng với đó là do có quá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủng loại hàng hóa phong phú về thành phần, số lượng, chất lượng. “Hiện nay, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương về nuôi tôm nước lợ chưa được thực hiện tại địa phương.
Có thể kể đến hỗ trợ VietGAP, hỗ trợ người nuôi tôm khi gặp thiên tai, dịch bệnh, bảo hiểm vật nuôi, hỗ trợ cơ giới hóa trong nuôi tôm. Ngành thủy sản của tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn địa phương triển khai.
Để ngành thủy sản phát triển bền vững trong thời gian tới, tỉnh cần có sự đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thực hiện các dự án phát triển nghề nuôi tôm, đầu tư trong lĩnh vực sản xuất tôm giống” - bà Tâm nói thêm.
Related news
Trước tình hình giá mủ cao su bất lợi, một số hộ dân trồng cao su tại tỉnh Đắk Nông đã có sáng kiến lạ: Thay vì chặt bỏ vườn cây, họ rong tỉa cành cây cao su để làm trụ sống trồng hồ tiêu.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), một số hộ, cơ sở nuôi tôm có sử dụng Oxytetracyline dạng nguyên liệu (thùng 25kg của Trung Quốc), hòa vào nước và tạt xuống ao để hạn chế vi khuẩn vibrio trong môi trường nước nhằm phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính...
Theo ông Trần Giao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Tân, đến nay trên địa bàn xã có hơn 120 hộ trồng tiêu với tổng diện tích trên 26 ha; tập trung nhiều nhất là các vùng gò đồi ở thôn Giao Hội 1, Giao Hội 2 và Đệ Đức 1, trong đó có khoảng 65% diện tích tiêu từ 3 đến 10 năm tuổi.
Theo Bộ Công thương, EU là một trong bốn thị trường XK gỗ chính của Việt Nam, chiếm tới 30% tổng giá trị XK đồ gỗ Việt Nam, các thị trường còn lại bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Hiện nay, do giá thức ăn cho cá tăng liên tục, cá mồi trong tự nhiên khan hiếm, thêm vào đó sự chênh lệch về giá bán tại ao và tại các chợ khá cao, cá nuôi bán tại các chợ là 40.000 đồng/kg cá rô đầu vuông, cá lóc từ 45.000-55.000 đồng/kg, nhưng giá bán tại ao chỉ trên dưới 30.000 đồng/kg nên người nuôi không có lời. Do vậy, sau khi thu hoạch, đa số người nuôi đều treo ao chờ nuôi theo mùa vụ.