Rau, Trứng Ế Đồng Đắt Chợ
Trong khi giá thịt, rau xanh ở các vùng sản xuất đang rớt thê thảm vì ế ẩm thì giá bán lẻ tại các chợ ở TP.HCM vẫn cao.
Sau tết, hàng ngàn hộ nông dân ở Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng lâm cảnh bi đát vì rau sản xuất không bán được, phải cày làm phân xanh. Ông Bùi Minh Duy, ngụ ở P.7, TP.Đà Lạt trồng 9.000 gốc bắp sú để bán hàng tết nhưng không có ai mua, đến ngày 26.2 bán đổ bán tháo được gần 2 triệu đồng (200 đồng/gốc) trong khi chi phí đầu tư hơn 16 triệu đồng, chưa kể tiền công.
Bà Đào Thị Hiệp, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có 2.500 m2 cải thảo to đẹp nhưng không bán được đành chặt bỏ. Ông Phạm Đình Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh cho biết trên địa bàn xã hiện có hơn 1.000 ha rau củ các loại nông dân phải cắt cho bò ăn hoặc cày làm phân xanh.
Những mặt hàng khác như thịt gà, trứng gia cầm gần đây cũng rớt mạnh. Hiện giá trứng gà công nghiệp bán ra tại các trang trại còn trung bình 600 - 900 đồng/quả, giá thịt gà 40.000 đồng/kg rớt xuống 27.000 - 28.000 đồng/kg.
Giá rau, thịt, trứng tại trại đang giảm mạnh, thế nhưng giá bán lẻ trên thị trường gần như vẫn giữ nguyên ở mức cao. Tại khu chợ trứng bán sỉ trên đường Phú Hữu, Q.5 (TP.HCM), giá trứng gà loại nhỏ nhất là 1.450 đồng/quả, loại trung bình 1.800 đồng/quả, loại lớn nhất là 2.000 đồng/quả. Một chủ vựa trứng ở đây cho biết: “Giá giờ đã giảm 100 đồng/quả chứ hôm trước còn cao hơn”. Tính ra, giá trứng bán sỉ ở TP.HCM đang cao gấp 2 lần so với giá nông dân bán.
Theo các chủ vựa trứng, giá trứng gà bán sỉ khi về đến các chợ lẻ chỉ tốn thêm chi phí khoảng 150 đồng tiền đóng hộp, nhãn mác, công vận chuyển... Thế nhưng, tại hầu hết các chợ bán lẻ trên địa bàn TP, giá trứng gà loại 1 (lớn nhất) lên tới 2.400 - 2.500 đồng/quả, cao hơn gần gấp 3 lần so với giá tại trang trại.
Trong hệ thống siêu thị, giá trứng gà cũng cao, phổ biến ở mức 2.300 đồng/quả. Nhiều người chăn nuôi cho rằng, giá trứng gà bán lẻ vẫn giữ cao như vậy là vô lý. Bởi tính hết các chi phí như công vận chuyển từ trại về nhà máy, kiểm dịch, bao bì, lương công nhân, máy móc... và lợi nhuận thì giá bán lẻ cho người tiêu dùng ở mức 1.500 - 1.700 đồng/quả là vừa phải. Việc các tiểu thương, DN giữ giá cao đã làm hạn chế sức mua, tác động tiêu cực đến đầu ra của nông dân.
Giá rau củ cũng tương tự. Chẳng hạn, giá bắp sú Đà Lạt ở chợ TP.HCM hiện là 8.000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 20.000 đồng/kg...
Nông dân cần liên kết nhà phân phối
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện siêu thị Co.op Mart cho rằng giá rau của nông dân xuống thấp do nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cung đã vượt cầu, dư thừa sản phẩm dẫn đến rớt giá, giá thuê nhân công thời vụ để thu hoạch khá cao cũng là nguyên nhân khiến người trồng đổ bỏ sản phẩm.
Ngoài ra, cũng có khả năng các nhà vườn chưa có kế hoạch sản xuất hợp lý và không chú trọng đầu ra nên chưa ký hợp đồng bao tiêu với đơn vị phân phối, mà chỉ phụ thuộc vào các đầu mối quen, phân phối tại các chợ thông qua lái nên bị động.
“Chẳng hạn với nhà vườn ký hợp đồng với Co.op Mart, dù thị trường rau quả biến động giá cả hầu như mỗi ngày nhưng giá tại siêu thị vẫn ổn định, quyền lợi của người trồng được bảo đảm. Thời gian gần đây vì cung vượt cầu nên Co.op Mart đã hỗ trợ nhà vườn bằng cách liên kết thực hiện chương trình giảm giá liên tục để kéo sức mua”, đại diện Co.op Mart nói.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc điều hành phía nam hệ thống siêu thị BigC VN cũng cho biết BigC thu mua hàng của các nhà vườn có hợp đồng liên kết, đảm bảo ổn định giá cả. Vì thế, các nhà vườn này không bị ảnh hưởng. “Nông dân, trang trại sản xuất cần tổ chức sản xuất bài bản, đảm bảo chất lượng để đủ điều kiện ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm với các nhà phân phối, từ đó sẽ không còn bị ép giá như tình hình đang xảy ra hiện nay”, ông Hải nói.
Related news
Cuối năm nay, Lý Sơn cũng sẽ có điện lưới quốc gia được thực hiện xuyên biển bằng cáp ngầm. Đây đều là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy huyện đảo vốn giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược quan trọng phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng.
Ở thời điểm mà những ruộng lúa Xuân muộn vẫn còn đứng cái, hứng chịu cái nắng gắt gỏng chờ ngày trổ bông và đứng trước nguy cơ bị rầy nâu tấn công, phá hoại thì chỉ hơn chục ngày nữa thôi, người dân Nà Pâu, xã Lạc Nông (Bắc Mê) sẽ ăn mừng lúa mới. Một sự “đột phá” về chuyển đổi mùa vụ đang mang lại hiệu quả rõ nét nơi đây.
Để phát triển và nhân rộng mô hình tổ, đội khai thác thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngư dân thấy được lợi ích của việc tổ chức khai thác hải sản theo tổ, đội, đặc biệt là các tổ, đội khai thác hải sản xa bờ, kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển.
Huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang có trên 500 ha mãng cầu xiêm, tập trung tập trung tại các xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh…Sau một thời gian giá tăng cao, nay giá đã giảm mạnh.
Những năm qua, chính quyền xã Nâm Nung (Krông Nô) đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ nhiều dự án, chương trình để xây dựng giao thông nông thôn, điện thắp sáng, hội trường…, từng bước góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, cũng như đưa bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc.