Rau củ Trung Quốc lại tràn ngập thị trường
Trong khi nhiều nông sản Việt đang lao đao và trông chờ vào những cuộc “giải cứu” thì nông sản có nguồn gốc từ Trung Quốc lại đang chiếm lĩnh thị trường và còn được bán với giá cao.
Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM cho thấy những ngày qua giá nhiều loại rau củ tăng mạnh. Không những vậy, giá rau củ trong nước cũng bước vào giai đoạn ít hàng nên các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc bắt đầu tràn vào. Những mặt hàng có khả năng vận chuyển xa, ít hư hỏng như hành tây, khoai tây, cà rốt, bông cải… được xuất khẩu sang Việt Nam khá nhiều.
Khảo sát của PV Lao Động tại các chợ TP.HCM cho thấy, các loại rau củ của Trung Quốc được bán tràn lan. Không ít tiểu thương còn bán các loại rau củ này có giá cao hơn hàng trong nước.
Mặc dù cà rốt được lấy từ thùng giấy có ghi chữ “Made in China” nhưng tiểu thương vẫn nói là hàng Đà Lạt cho dễ bán
Tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Tăng Nhơn Phú (quận 9), Thạnh Mỹ Lợi (quận 2)…khoai tây và cà rốt Trung Quốc được bán với giá 20.000 – 25.000 đồng/ 1 kg. Hành tây Trung Quốc có giá 10.000 đồng một kg. Giá bông cải xanh Trung Quốc khoảng 60.000-65.000 đồng/kg, bông cải trắng 50.000 đồng/kg. Hành tím được bán với giá 25.000 đồng/ kg và tỏi là 30.000 đồng/ kg.
Trong khi đó, hành tây của Việt Nam chỉ có giá 8.000 đồng/ 1kg. Hành tím miền Tây có giá từ 12.000 – 15.000 đồng/ kg, cà rốt và khoai tây cũng chỉ có 15.000 đồng/ 1 kg, rẻ hơn so với hàng Trung Quốc.
Lý giải cho việc nhập hàng Trung Quốc giá cao về bán, chị N.T.Lan, tiểu thương tại chợ Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), cho biết hành, tỏi, khoai tây, cà rốt…của Trung Quốc thường có giá cả ổn định, ít biến động theo thị trường. Bên cạnh đó, các mặt hàng này đều có mẫu mã đẹp, hút người mua. Còn hàng Việt Nam thì lên xuống thất thường, mẫu mã không đẹp, không đồng đều nên kén khách.
“ Rau củ Đà Lạt thì cũng chỉ được một mùa. Mùa khô, thời tiết tốt thì giá rẻ. Còn bây giờ vào mùa mưa, khó trồng thì giá lại cao quá nên không có người mua. Khoai tây, cà rốt thì hình dáng thất thường, khi tôi nhập về thì phải nhập ngang cả to lẫn nhỏ. Đến khi bán thì củ to người ta chọn mua hết, củ nhỏ thì cứ lăn la lăn lóc không bán được. Thành ra tôi phải bù tiền vào số củ nhỏ không bán được đó. Vì vậy, tôi nhập khoai Trung Quốc cho nó chắc, củ nào cũng đều nên không sợ khách kén.”
Đồng quan điểm, chị Sáu – tiểu thương tại chợ Thị Nghè cũng cho rằng mẫu mã không đẹp nên buộc lòng họ phải nhập rau củ Trung Quốc về để bán cho “an toàn”.
“ Bông cải Trung Quốc to, dáng đẹp. Còn bông cải nước mình nhỏ xíu à. Hành, tỏi cũng vậy. Hàng Trung Quốc củ đều to, lại được sấy khô sẵn nên để bán được lâu. Hàng Việt mình thì củ nhỏ mà tươi, nhanh hư hỏng nên dù có đắt hơn thì tôi vẫn nhập hàng Trung Quốc về bán.”
Không những vậy, chị Sáu còn cho biết, mặc dù bán cả 2 loại nông sản cùng lúc nhưng hàng Trung Quốc có ưu điểm mẫu mã đẹp, dễ bảo quản, giá cả ổn định nên vẫn được các nhà hàng, quán ăn mua với số lượng lớn. Còn hàng Việt chủ yếu chỉ được các gia đình mua nhỏ, lẻ với số lượng ít.
Không chỉ các chợ lớn nhỏ trên địa bàn TP.HCM, tại chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức, những ngày gần đây rau củ Trung Quốc đều ngập chợ. Khoai tây, cà rốt và hành tây là 3 mặt hàng được bán nhiều nhất.
Trong vai người mua hàng, PV đã có dịp tiếp xúc với các tiểu thương nhập các mặt hàng này. Khi được hỏi về xuất xứ về các mặt hàng rau củ này, đa phần các tiểu thương cho biết hàng này đều là Đà Lạt chính gốc, không có hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, kế bên gian hàng là các thùng giấy có ghi rõ tên mặt hàng cà rốt, khoai tây với dòng chữ “Made in China” đủ các kiểu chữ từ tiếng Trung xen lẫn tiếng Việt, tiếng Anh . Thắc mắc về các thùng nông sản trên, tiểu thương biện minh là “để tạm” vào thùng cho đỡ hỏng.
Cầm trên tay cà rốt Đà Lạt và Trung Quốc để chọn mua, chị Trần Thanh Nhàn (ngụ quận 4) phân trần: “ Cà rốt Trung Quốc nó đẹp và bóng, còn của nước mình thì củ bé xíu mà giá lại đắt. Bởi vậy, người ta ham hàng tàu hơn là đúng rồi.”
Related news
Những cây xoài Ngự ở chùa Đá Trắng (Phú Yên) đã được nhiều người biết đến trước khi được công nhận là Cây di sản (cuối năm 2013). Ngày xưa, xoài chín ở đây đều phải dâng hết cho triều đình.
7 học viên là cán bộ hội nông dân (ND), hội viên, ND vừa hoàn thành khóa thực tập sinh 4 tháng ở các trang trại của CHLB Đức. Đây là đợt thực tập sinh đầu tiên sang Đức học làm nông nghiệp trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Hội ND Đức và Hội NDVN.
Đó là thành quả khi tham gia Dự án "Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt của Việt Nam với mục tiêu cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng" do Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) phối hợp với cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện.
Thời gian gần đây, bên cạnh việc đưa sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My - Quảng Nam), Công ty cổ phần thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam còn đưa thêm cây sâm Cao Ly (Hàn Quốc) di thực về trồng thử nghiệm tại huyện miền núi biên giới Tây Giang.
Do chủ yếu người dân theo đạo Hồi nên đồ uống có cồn ở các quán ăn, nhà hàng của Indonesia cũng rất ít và rất hiếm thấy người dân ngồi nhậu vỉa hè, nhậu trong quán...