Ra Hà Nội, chanh miền Nam tăng giá 200 lần

Đồng Tháp: 300 đồng mua được cả ký
Theo một số nhà vườn trồng chanh tại Cao Lãnh, Châu Thành (Đồng Tháp), chanh loại 1 phục vụ nhu cầu xuất khẩu có vỏ ngoài xanh, cứng, da láng mịn giá 2.000 đồng/kg.
Còn chanh quả to, vàng, mọng nước phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân chỉ khoảng 300 đồng/kg, thậm chí một sọt chanh khoảng 40 kg giá chỉ 6.000 - 8.000 đồng.
Giá chanh quá thấp khiến người trồng chanh lâm vào cảnh thua lỗ, không dám thuê người hái chanh để bán vì không đủ tiền chi trả.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV tại chợ đầu mối cũng như chợ lẻ trên địa bàn Hà Nội, mặc dù giá chanh không còn cao như đầu mùa nhưng cũng khá cao, ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Tại Đồng Tháp giá chanh chỉ khoảng 150-300 đồng/kg nhưng ra đến thị trường Hà Nội, giá chanh lên tới 40.000 đồng/kg
Cụ thể, tại chợ đầu mối Long Biên (Ba Đình, Hà Nội), chanh đang được rao bán buôn với giá 12.000 đồng/kg loại thường, loại đẹp (quả mọng nước) giá 15.000 đồng/kg. Sau khi báo giá chanh, các chủ hàng đều cho biết chanh này được nhập về từ các nhà vườn ở miền Nam, trong đó chanh nhập từ Đồng Tháp là chủ yếu.
Tuy nhiên, khi nhắc tới chanh tại Đồng Tháp hiện đang có giá rất thấp, chỉ khoảng 150 - 200 đồng/kg, các tiểu thương chợ Long Biên khá bất ngờ và khẳng định, trừ đầu mùa cộng với giai đoạn cao điểm nắng nóng ở Hà Nội, giá chanh có đội lên do nhu cầu sử dụng cao, sau đó giá vẫn duy trì ổn định ở mức 10.000 - 15.000 đồng/kg, tùy loại. Chưa bao giờ giá chanh xuống thấp hơn.
Tương tự, tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, người dân đều phải mua chanh với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, còn mua lẻ theo quả là 1.500 - 2.000 đồng/quả (1 kg chanh được khoảng 20 quả). Với mức giá như hiện tại, chanh bán ở chợ Hà Nội đang có giá cao gấp khoảng 130 - 200 lần so với giá chanh thu mua tại các nhà vườn ở Đồng Tháp.
Chị Phạm Thị Phương Trà ở Nguyễn Trường Tộ (Ba Đình) cho biết, ngày nào chị cũng đi chợ Châu Long gần đó nhưng chưa bao giờ thấy giá chanh rẻ, mặc dù chị thấy báo đài nói giá ở nhà vườn thu mua rất thấp.
“Như hôm nay, tôi đi chợ mua chanh giá 25.000 đồng/kg, còn hôm qua tôi mua lẻ 3 quả mà người bán rau lấy của tôi 6.000 đồng. Đấy, người trồng thì bán giá rẻ như cho, còn người ăn thì phải mua với giá cắt cổ. Bao nhiêu lợi lộc chui vào hết túi thương lái”.
Lãi đầy túi thương lái
Trao đổi với PV về vấn đề giá chanh thu mua tại các nhà vườn ở Đồng Tháp chỉ từ 150 - 300 đồng/kg trong khi đó giá bán tới tay người tiêu dùng ở Hà Nội đã lên tới 20.000 - 25.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 40.000 đồng/kg, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho biết, không chỉ riêng quả chanh mà nhiều loại khác như thanh long, chôm chôm, mít,... cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đây là chuyện muôn thủa của ngành nông nghiệp.
Theo ông Phú, tại nhà vườn thì thương lái ép giá để mua với giá thấp, còn tại chợ thì tiểu thương kêu chi phí vận chuyện cao để bán giá cao. Thế là bao nhiêu thiệt thòi đều dồn cho nông dân và người tiêu dùng, lãi đổ đầy vào túi thương lái và tiểu thương.
Ông Phú nhận định, giải quyết vấn đề trên không phải là chuyện đơn giản. Theo ông, các nhà lãnh đạo phải làm sao điều chỉnh lại khâu phân phối, khuyến khích cho doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào nông nghiệp để liên kết với nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn với phương thức sản xuất theo chuỗi, giảm bớt khâu trung gian.
“Như tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chẳng hạn, họ đầu tư có bài bản vào ngành nông nghiệp. Họ sản xuất mía đường, giá thành làm ra 1 kg đường chỉ 6.000 đồng, trong khi đó, giá thành đường của các doanh nghiệp khác trong nước lên tới 12.000 đồng, tức gấp đôi giá đường của bầu Đức”, ông Phú dẫn chứng.
Theo ông Phú, kinh tế Việt Nam phải đi lên bằng con đường nông nghiệp nên cần sớm đổi mới chính sách, không thể cứ mãi điều hành theo kiểu vừa đấu thầu vừa chỉ định, chợ rau sạch nằm cạnh chợ rau bẩn, siêu thị bình ổn và siêu thị không bình ổn cùng tồn tại,...
“Do khâu tổ chức phân phối kém nên thực tế bây giờ cứ quả gì được mùa thì nông dân bị thương lái ép giá, còn người dân vẫn cứ phải mua với giá cắt cổ”, ông Phú nói.
Related news

Ngày 4/6 tới, 500 kg vải thiều đầu tiên sẽ có mặt tại Paris, Pháp và được bày bán tại siêu thị Thanh Bình Jeune.

Theo bà Đoàn Thị Chải - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, toàn tỉnh có hơn 20 ha nhãn của hơn 170 hộ tại 2 xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên) và Hàm Tử (Khoái Châu), mỗi xã có 10 ha được cấp mã vùng để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Phát hành Bản tin Xây dựng Nông thôn mới (NTM) huyện Bắc Quang là cách làm sáng tạo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM huyện Bắc Quang. Việc làm này nhằm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng NTM, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, phát huy được vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia.

Hiện nay, do đang bước vào đầu mùa mưa nên tình hình dịch hại cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên cây mía, trong đó đáng lo ngại nhất là đối tượng sâu đục thân. Chính vì vậy, để hạn chế diện tích lây lan và đảm bảo vụ mía đạt thắng lợi thì công tác phòng chống các đối tượng sâu bệnh đang là vấn đề cần quan tâm hiện nay.

Ở Quảng Trị sau ngày giải phóng, sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh và thiên tai hoành hành thường xuyên đã biến những thôn làng trù mật trước đây thành “những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ” (Chế Lan Viên).