Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quýt Đường Bình Phước Lên Ngôi

Quýt Đường Bình Phước Lên Ngôi
Publish date: Saturday. August 30th, 2014

Thời gian gần đây, thị trường cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển khá đa dạng. Cây quýt đường được nhiều nông dân trong tỉnh lựa chọn khi các loại nông sản chủ lực xuống giá.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 1 ha quýt đường hiện cho thu nhập gấp nhiều lần so trồng điều hoặc cao su. Tuy nhiên, trồng quýt đường đòi hỏi có sự am hiểu về loại cây này. Trồng 1 ha, tiền đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc khoảng 30-40 triệu đồng.

Sau 2 năm sẽ cho thu hoạch. Trung bình 1 ha cho thu khoảng 60-70 tấn/vụ. Nếu chăm tốt có thể đạt 120 tấn/ha. Hiện quýt được các thương lái đến tận vườn thu mua với giá 22-24 ngàn đồng/kg và quýt trái vụ có giá 28-30 ngàn đồng/kg.

Chặt điều, cao su trồng quýt đường

Hiện nhiều nông hộ ở thị xã Đồng Xoài đã chặt bỏ vườn điều, cao su non hoặc đang khai thác để trồng quýt đường. Anh Nguyễn Lâm Ngọc, cán bộ địa chính xã Tân Thành (TX. Đồng Xoài) cho biết: “Nhà có gần 4 ha cao su. Hai năm nay, cao su liên tục xuống giá nên gia đình chặt bỏ 1 ha cao su 5 năm tuổi gần suối để trồng quýt đường. Khoảng 1 năm nữa mới cho thu hoạch nhưng nhìn vườn quýt phát triển, giá quýt đang cao nên tôi hy vọng sẽ thắng lợi”.

Toàn xã Tân Thành có khoảng 400 ha quýt đường, trong đó khoảng 100 hộ đang cho thu hoạch. Anh Lê Văn Tấn ở ấp 8 trở thành tỷ phú nhờ quýt đường chia sẻ: “Tôi là người đi đầu trong việc trồng quýt đường ở xã Tân Thành nên hiểu đặc tính của loại cây này. Gần đây, tôi nhân giống quýt đường để bán cho các hộ dân có nhu cầu trồng”.

Không chỉ các hộ dân ở xã Tân Thành đổ xô trồng quýt đường mà ở xã Đồng Nơ (Hớn Quản) cũng vậy. Năm 2013, ông Đỗ Mạnh Tường ở ấp 2 đã chặt bỏ 5 ha cao su 1 năm tuổi để trồng quýt đường. Trong thời gian cây quýt chưa cho thu hoạch, ông Tường trồng xen đu đủ, cà tím để có nguồn vốn chăm sóc quýt.

Anh Lê Văn Tấn chia sẻ kinh nghiệm: “Không nên trồng quýt đường đại trà mà phải trồng theo kiểu gối đầu. Trong vườn vừa có diện tích đang cho thu rộ vừa có mới cho thu và chưa thu để thương lái không thể ép giá. Trồng khoảng 10 năm thì phá bỏ trồng mới.

Không nên ép quýt ra trái quanh năm, vì chất lượng sẽ không cao. Muốn trái quýt vừa ngon ngọt, da căng mọng, tép không bị khô thì phải để trái đủ 9 tháng, không nên hái quá sớm”. Gia đình anh Tấn hiện có 4 ha quýt đường đang cho thu hoạch và 4 ha quýt 1 năm tuổi. Trung bình một năm, gia đình thu hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Khâu trồng, chăm sóc quyết định chất lượng quýt

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng quýt đường ghép, anh Lê Văn Tấn cho biết thêm: “Quýt đường là loại cây dễ trồng nhưng phải có đủ nước tưới cho cây.

Tùy vào loại đất sỏi hay thịt, địa hình dốc hay bằng, trũng hay cao mà người trồng có chế độ cung cấp nước thích hợp. Mùa mưa cần làm rãnh thoát nước để tránh cây bị thối rễ. Mùa khô trung bình 2-3 ngày tưới 1 lần, duy trì độ ẩm.

Muốn có được cây quýt đường giống chất lượng và cho năng suất cao, người trồng nên chọn gốc cây cam mật để ghép. Khi cây cam mật được 1 năm tuổi sẽ chọn cây quýt mẹ đẹp, năng suất cao, không sâu bệnh và cắt cành để ghép”.

Ông Võ Đình Khánh khuyến cáo: “Những năm gần đây, giá quýt đường đang lên đỉnh. Chính vì năng suất cao, lợi nhuận lớn, thị trường tiêu thụ ổn định nên nhiều người chuyển sang trồng quýt. Tuy nhiên, việc trồng quýt ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, bởi thị trường tiêu thụ quýt đường chủ yếu ở trong nước, vì vậy, người dân phải tìm hiểu kỹ trước khi trồng”.

Ông Võ Đình Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Muốn cây đâm đọt non, ra hoa kết trái đúng thời vụ, người trồng phải dùng kỹ thuật ngưng nước. Vào mùa khô ngưng nước khoảng 3 tuần, mùa mưa dùng bạt phủ dưới đất và tạo rãnh để thoát nước.

Sau 3 tuần ngưng nước, cây có dấu hiệu héo lá. Lúc đó sẽ tưới đẫm nước trở lại 3 ngày liên tục và kết hợp bón phân. Khoảng 1 tuần, cây sẽ đâm đọt non và ra hoa. Tuy nhiên, việc ngưng nước sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây.

Ông Khánh cũng lưu ý: Để cây cho năng suất và chất lượng cao, nông dân cần bón đầy đủ và hợp lý chất dinh dưỡng cho cây, nhất là thời kỳ quýt đâm đọt non, ra hoa, kết trái. Đối với cây 2-3 năm tuổi, cần bón đủ lượng urê, lân, kali để giúp cây phát triển cành.

Nếu trong thời gian này cây ra nhiều trái thì phải tỉa bớt để tập trung dinh dưỡng nuôi trái to và đều. Muốn cây tiếp tục cho năng suất cao ở các vụ sau, thu hoạch xong người trồng phải vệ sinh vườn, bón phân và cắt tỉa cành già, cành bị sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng cho cây, giúp cây phục hồi và duy trì sức sống.


Related news

Nuôi Cá Lồng Lãi Cao Nuôi Cá Lồng Lãi Cao

Vài năm trở lại đây nhiều hộ dân trên địa bàn TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã tranh thủ tận dụng diện tích mặt nước trên hồ thủy điện Đăk R’Tích để phát triển nghề nuôi cá lồng. Hiện giá cá diêu hồng và cá lăng nuôi chủ lực tại đây đang ở mức cao…

Monday. August 25th, 2014
"Lúa Thuần" Trên Đồng Ruộng Hưng Nguyên

Bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, huyện Hưng Nguyên chú trọng tăng hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng bằng cách xây dựng các vùng chuyên canh lúa thuần chất lượng cao.

Thursday. September 4th, 2014
Nghệ An Bắt Được Cá Mặt Trăng Có Trọng Lượng Hơn 5 Tạ Nghệ An Bắt Được Cá Mặt Trăng Có Trọng Lượng Hơn 5 Tạ

Trong lúc đang đánh bắt cá ở trên biển, tàu cá NA 90390 TS do anh Nguyễn Minh Vương, ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) làm thuyền trưởng đã phát hiện con cá mặt trăng quý hiếm hơn 5 tạ sa vào lưới.

Monday. August 25th, 2014
Sản Lượng Cá Ngừ Tăng Nhưng Xuất Khẩu Giảm Sản Lượng Cá Ngừ Tăng Nhưng Xuất Khẩu Giảm

Sản lượng khai thác cá ngừ 7 tháng đầu năm 2014 của Khánh Hòa đạt trên 4.100 tấn, tăng gần 48%, tuy nhiên tổng giá trị xuất khẩu lại giảm 57% so với cùng kỳ năm 2013.

Monday. August 25th, 2014
Kêu Gọi Các Nhà Tài Trợ Quốc Tế Tiếp Tục Hỗ Trợ Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Kêu Gọi Các Nhà Tài Trợ Quốc Tế Tiếp Tục Hỗ Trợ Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp

Sáng 29-8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị công bố kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Sự kiện này nhằm chia sẻ với cộng đồng các nhà tài trợ, các bộ ngành liên quan các định hướng chính sách ưu tiên phát triển của từng tiểu ngành.

Thursday. September 4th, 2014