Giá cà phê xuống thấp cần được cứu gỡ
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice London
Giá cà phê rớt xuống sâu
Chỉ còn một tháng nữa niên vụ cà phê 2014-15 sẽ kết thúc mà thị trường cà phê chưa hết thử thách và cam go.
Thử thách lớn nhất là xuất khẩu cà phê Việt Nam thời gian qua vẫn hết sức khiêm nhường. Tổng cục Thống kê mới đây ước báo xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 8-2015 chỉ đạt 90.000 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tổng lượng xuất khẩu của 11 tháng đầu niên vụ này chỉ đạt 1,17 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ.
Tuy vừa qua ngân hàng nhà nước mở rộng biên độ giao dịch tỷ giá liên ngân hàng giữa tiền đồng Việt Nam và đô la Mỹ lên +/-3%, đồng tiền Việt Nam rẻ hơn, giá cà phê trên thị trường nội địa cũng chưa vì thế mà tăng.
Trong tháng 8-2015, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên đã có ít nhất hai lần chạm đáy 35 triệu đồng tấn sau khi vượt lên đỉnh 37,5 triệu đồng vào giữa tháng. Đến sáng hôm nay 29-8, ngày giao dịch cuối tháng Tám (ngày 31-8, sàn kỳ hạn London sẽ nghỉ lễ), thị trường nội địa quay mạnh về mức 35 triệu đồng/tấn, mất 0,5 triệu đồng/tấn so với ngày trước đó. Như vậy, ai còn trữ cà phê từ đầu mùa, còn lỗ ít nhất 5 triệu đồng/tấn.
Đến giáp hạt giá vẫn giảm, tại sao?
Trên sàn kỳ hạn cà phê robusta London, giá đóng cửa ngày giao dịch hôm qua 28-8 chốt tại 1.611 đô la Mỹ/tấn, chạm mức thấp nhất kể từ đầu niên vụ ngày 1-10-2014 đến nay. Nhìn lại tháng Tám, có lúc giá kỳ hạn đã tăng từ mức 1.645 đô la/tấn vào ngày giao dịch đầu tháng lên 1.740 đô la/tấn vào giữa tháng (xin xem biểu đồ trên).
Giá arabica trên sàn kỳ hạn Ice New York cũng không khá hơn, đóng cửa quay về mức thấp nhất tính từ đầu năm 2014 chốt tại 120,05 xu/cân Anh (cts/lb) tương đương với 2.464 đô la Mỹ/tấn.
Thị trường tin rằng đồng real Brazil (BRL) bị phá giá liên tục và đang nằm ở mức thấp nhất tính từ 12 năm nay (hiện nay 3,58 BRL ăn 1 đô la Mỹ), cùng với đồng bản tệ của các nước sản xuất cà phê lớn khác như đồng peso của Colombia, đồng rupiah của Indonesia và mới đây tiền đồng VND… giảm giá tạo sức ép bán ra từ lực lượng đầu cơ trên thị trường kỳ hạn “hàng giấy”, là nguyên nhân chính làm giá kỳ hạn giảm đẩy giá cà phê hàng thực tại thị trường nội địa giảm liên tục vì “thuốc chữa” chưa đủ liều.
Nhiều người nhận định rằng cú giảm mạnh hôm qua vào cuối phiên trên sàn kỳ hạn robusta xuất phát từ tin nền kinh tế Brazil, nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, chính thức vào thời kỳ suy thoái. Tính từ đầu năm đến nay đồng BRLvốn đã bị phá giá 25% nay sức ép phá giá đồng bản tệ này còn chịu áp lực mạnh hơn.
Tồn kho các nước tiêu thụ tăng nhờ giá cà phê rẻ
Tồn kho cà phê tại Nhật Bản tính đến hết tháng 7-2015 tăng lên mức cao kỷ lục, đạt 195.570 tấn, hiệp hội Cà phê Nhật Bản cho biết trong báo cáo định kỳ mới nhất. Lượng cà phê nhập khẩu từ Brazil, Colombia và Trung Mỹ chiếm phần nhiều, riêng cà phê từ Colombia nhập khẩu vào đất Nhật trong tháng 7-2015 tăng 11,6% chiếm 23.603 tấn.
Tồn kho cà phê châu Âu tính đến cuối tháng 6-2015 đạt 691.514 tấn, tăng 26.500 tấn, tương đương 4% so với cùng kỳ năm 2014.
Tồn kho cà phê robusta đạt chuẩn tính đến ngày 17-8 đạt mức 203.680 tấn trong khi đó lượng tồn kho đạt chuẩn arabica còn 125.392 tấn.
Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê tại Nhật bản (số liệu: AJCA –nguồn SocGen)
Châu Âu và Nhật Bản là hai khối nước tiêu thụ cà phê lớn. Riêng tại Nhật Bản, khách thường mua cà phê chất lượng cao. Trước đây, khi giá arabica mắc mỏ, khách hàng Nhật thường mua cà phê robusta chế biến ướt để thay thế cho arabica. Từ hai niên vụ này, do Brazil và Colombia xuất khẩu mạnh arabica, hàng cà phê robusta chất lượng cao của Việt Nam mất bớt sức hấp dẫn.
Nếu như trước đây giá robusta loại 1 chế biến ướt có khi bán 500-600 đô la/tấn trên giá niêm yết sàn kỳ hạn London, thì nay giá chào chừng 400 đô la/tấn nhưng vẫn vẫn rất khó bán, một nhà cung ứng hàng chất lượng cao robusta cho biết.
Phải nói rằng nhờ giá cà phê trên các sàn kỳ hạn rẻ, các nước nhập khẩu tăng cường mua nhiều hơn, đặc biệt loại arabica. Trong khi các nước xuất khẩu khác có thể cạnh tranh bằng cách phá giá đồng bản tệ của họ, thì việc mở rộng biên độ giao dịch tỷ giá của nước ta chưa đủ sức để lấy lại thị phần đã mất.
Le lói chút hy vọng
Gần đây, một số dự báo cung-cầu cà phê từ ngân hàng Rabobank và Volcafe, hãng kinh doanh có trụ sở ở Thụy Sĩ cho rằng do sản lượng cà phê Brazil giảm, thế giới sẽ thiếu hụt cà phê.
Trong niên vụ 2015-16 sẽ bắt đầu từ 1-10-2015, Volcafe cho rằng thế giới sẽ thiếu chừng 3,5 triệu bao (60 kg x bao) còn Rabobank ước thiếu 1,9 triệu bao.
Đấy là yếu tố tích cực cho giá trong tuần có khi nhích lên nhẹ. Tuy nhiên, nếu như đồng BRL tiếp tục phá giá trong khi VND vẫn có thể bị “ghì” lại với mức hiện có, cơ hội xuất khẩu cà phê còn lại của vụ cũ và cả vụ mới chuẩn bị vào mùa xem ra còn quá nhiều cam go.
Từ nhiều năm nay, các ước báo dư thiếu hàng hóa nông sản trên thị trường thường bị các yếu tố đầu cơ khuynh loát nên doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân trồng cà phê cần nghiêm túc nhận định thị trường để tìm hướng dù có thể đầy gai góc.
Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, ngành cà phê đang cần bàn tay của Chính phủ tạo điều kiện tối đa cho kích cầu cà phê trên thị trường nội địa, tìm hướng xuất khẩu theo các hiệp định trả nợ, khai phá thị trường mới, bền vững… mới mong gỡ được lối bí cho hoạt động xuất khẩu cà phê nay mai.
Related news
Hiện nay, tại các xã vùng sâu vùng xa huyện Lục Nam, đang vào mùa dẻ chín. Người dân rất mừng vì sản phẩm được thương nhân ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh thu mua tại chỗ, có đến đâu bán hết đến đó, đầu vụ, giá 50.000 đồng/kg, giữa vụ 25.000 – 30.000 đồng/kg.
Trước khi triển khai Chương trình xây dựng NTM, Đồng Nai đang thực hiện chương trình “4 có”. Chương trình này đã tạo đà cho Chương trình xây dựng NTM bắt nhịp nhanh. Ngoài ra, còn nhờ Tỉnh ủy và UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo và cấp cơ sở cũng quyết liệt thực hiện.
Có giá hàng triệu đồng một kg, nhưng các sản vật tự nhiên như bào ngư, hải mã, linh chi rừng, hải sâm luôn được dân buôn Phú Quốc săn lùng.
Những ngày này, không khí ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) ảm đạm, u buồn. Bởi vì, cà phê nơi đây chín quá sớm, hạt lép, mất mùa, mất giá. Nhiều nông dân bỏ cà phê, không thu hoạch.
Trong các loại rau rừng thì rau nhíp (rau bép, rau ranh) là có nhiều thành phần dinh dưỡng đặc biệt và ngày càng trở thành món ăn được người tiêu dùng ưa chuộng.