Quỳnh Lưu (Nghệ An) Nâng Cấp Hồ Nuôi Tôm Trước Mùa Mưa Bão
Quỳnh Lưu (Nghệ An) là địa phương có diện tích nuôi tôm khá lớn với hơn 1.320 ha. Để đảm bảo an toàn ao hồ nuôi tôm trong mùa mưa bão năm nay, để người dân yên tâm sản xuất, thời điểm này, Quỳnh Lưu đang tích cực triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm bảo vệ tốt tài sản của mình.
Gia đình ông Trần Văn Thường, xóm 14, xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) có 2,8 ha tôm ở vùng nuôi mặn lợ, mỗi năm cho thu hoạch hơn 20 tấn tôm trị giá trên 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ao đầm của ông nằm sát dòng sông Mai Giang nên vào mùa mưa lũ thường bị ảnh hưởng rất lớn.
Vì vậy, việc chủ động các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất trong mùa mưa bão năm nay được ông Thường chuẩn bị từ rất sớm.
Ông đã huy động nguồn nhân lực trong gia đình tiến hành tu sửa lại những đoạn bờ kè đã xuống cấp, hư hỏng; đào rãnh đóng cọc trên bờ và giăng lưới xung quanh đề phòng khi nước lũ tràn vào để giữ tôm. Bên cạnh đó, chuẩn bị các phương án và thuốc men cho việc phòng và điều trị các bệnh thường gặp ở tôm trong mùa mưa bão.
Ông Thường cho biết: “Các hồ đập của các hộ thường xuống cấp nhiều sau một mùa thu hoạch hoặc một vụ và bị sạt lở. Đến thời điểm này ao hồ của gia đình cũng như của bà con ở đây cũng đã khắc phục được khoảng 80 đến 90%”.
Xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu hiện có hơn 49 ha nuôi tôm, với 128 hộ nuôi. Hiện nay, bà con đã thu hoạch xong tôm vụ 2 và chuẩn bị các điều kiện để thả tôm vụ 3.
Trước diễn biến khó lường của thời tiết, các cơn bão có thể đến bất cứ lúc nào, vì vậy xã đang tích cực tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức bảo vệ tài sản, chủ động xây dựng các phương án đối phó với bão lũ, đặc biệt chú trọng ở những vùng có nguy cơ bị ngập úng.
Ở những đoạn đê xung yếu hay bị sạt lở thì xã kịp thời lên kế hoạch tu sửa. Cùng với đó, huy động nhân dân nạo vét, khơi thông dòng chảy các kênh, mương tiêu thoát nước.
Xã cũng khuyến cáo các hộ nuôi giảm thiểu diện tích thả tôm vụ 3 nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do mưa bão gây ra. Anh Hồ Văn Phúc – cán bộ nông nghiệp xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “UBND xã có chỉ đạo HTX dịch vụ nuôi tôm tu bổ lại các cống có hệ thống vận hành nâng, mở cửa để thoát nước kịp thời trong mùa mưa bão”.
Hiện nay xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu cũng đang triển khai nhiều biện pháp tích cực để bảo vệ một cách tốt nhất cho các ao tôm.
Chính quyền địa phương đã xây dựng phương án chỉ đạo các hộ nuôi tôm trong mùa mưa bão cần theo dõi diễn biến thời tiết và chú trọng bổ sung vitamin, khoáng chất với lượng phù hợp để tăng sức đề kháng cho tôm khi thời tiết thay đổi; đẩy nhanh tiến độ củng cố, tu sửa lại ao nuôi vững chắc; nhắc nhở người dân thường xuyên kiểm tra môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng giảm độ mặn đột ngột và làm biến động độ pH trong ao nuôi.
Ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết: “UBND xã đã tập trung chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB và các hộ dân đối với các hồ đập, các bờ bao, các tuyến đê trọng yếu phải gia cố, đắp lại đảm bảo an toàn cho nuôi trồng thủy sản”.
Với những biện pháp tích cực và chủ động này, hy vọng bà con nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu sẽ giảm thiểu được thiệt hại do mưa bão gây ra.
Related news
Thủy sản trở thành ngành hàng quan trọng trong việc mang về ngoại tệ cho đất nước với gần 8 tỷ USD năm 2014, trong đó riêng con tôm nước lợ đã chiếm 50% tổng kim ngạch với 4 tỷ USD giá trị xuất khẩu, kế đến là cá tra, dù chưa hết khó khăn nhưng vẫn giữ vị trí số 2 với 1,8 tỷ USD. Hai mặt hàng này vẫn là thế mạnh của thủy sản Việt.
Năm 2014, huyện Trần Văn Thời có gần 200 ha ao, đầm nuôi cá bổi, ước tổng sản lượng hơn 4.000 tấn. Mặc dù thời gian gần đây diện tích nuôi cá bổi thương phẩm ở huyện Trần Văn Thời ngày một tăng lên, nhưng do năm nay giá cá bổi giảm mạnh nên người dân có lãi rất thấp.
Theo ngư dân Nguyễn Văn Út, ở phường Thắng Tam (TP. Vũng Tàu), nghề rập ghẹ, ốc đã có ở đất Vũng Tàu từ những năm 90 của thế kỷ trước, là nghề truyền thống của những ngư dân gốc Bình Định, Quảng Ngãi di cư vào Nam. Ở BR-VT, ngư dân hành nghề rập ghẹ, ốc tập trung chủ yếu ở khu vực Xóm Lưới (TP. Vũng Tàu), thị rấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Trước đây chỉ có vài chục chiếc, nay đã phát triển mạnh với hàng trăm chiếc tàu, ghe đánh bắt ghẹ, ốc bằng rập.
Vụ ấy, sau khi trừ chi phí ông Toàn còn lãi hơn 20 triệu đồng. Thành công bước đầu ấy là tiền đề để ông mạnh dạn thả tôm càng xanh vào những vụ tiếp theo với diện tích và số con giống gấp đôi. Như vụ 2014, ông thả 6.000 tôm càng xanh giống trên đồng lúa 2ha vừa lời gần 40 triệu đồng.
Khoảng 5% sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu được chứng nhận bởi bên thứ 3. Mục tiêu của GAA là thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm để đáp ứng nhu cầu thực phẩm toàn cầu. iBAP sẽ giúp đưa ra các sáng kiến cho các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản cải thiện và đạt chứng nhận.