Thu gom khoai lang cuối vụ xuất sang Trung Quốc
Chiều 18/11, ông Ngô Văn Tua, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thành Đông (xã Thành Đông, huyện Bình Tân) cho biết:
“Do vào cuối vụ, bà con tại huyện Bình Tân không còn nhiều khoai để bán, cầu vượt cung nên giá khoai lang, đặc biệt là khoai lang tím Nhật, tăng gấp 3-4 lần so với 2 tháng trước đó.
Cụ thể, giá khoai hiện vào khoảng 800.000-900.000 đồng/tạ (60 kg), thậm chí có thương lái trả giá 1 triệu đồng/tạ nhưng nông dân chúng tôi không có đủ hàng để bán.
Với giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lời khoảng 10 triệu đồng/công (1.000 m2)”.
Trong số 1.300 ha đất trồng khoai ở huyện Bình Tân thì hiện có 2/3 diện tích mới xuống giống, số còn lại đã xuống giống nhưng vẫn chưa đến thời điểm thu hoạch.
Theo ông Tua, ông và những nông dân trong HTX cũng mới xuống giống vụ khoai lang được 2 tháng, khoảng giáp Tết Âm lịch tới mới thu hoạch.
Vì vậy, hiện nay giá khoai lang tím tăng cao khiến nhiều người tiếc nuối.
Các thương lái thu gom khoai lang rồi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Khoai lang đang có giá cao thì nông dân không còn khoai để bán.
Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, giá khoai lang ở Vĩnh Long rớt thê thảm do người dân đồng loạt thu hoạch, nên bị thương lái Trung Quốc ép giá, làm giá chỉ còn khoảng 100.000-200.000 đồng/tạ, nông dân từ huề đến lỗ nên nhiều hộ đã chuyển sang trồng cây màu khác hoặc trồng lúa.
Ngành nông nghiệp Vĩnh Long khuyến cáo người dân khi nào có được thị trường ổn định hãy mở rộng diện tích, sản xuất gắn với quy hoạch của địa phương.
“Tôi có gặp một vài thương lái Trung Quốc, họ bảo chất lượng khoai lang tím chưa đạt chuẩn theo yêu cầu. Họ khuyên chúng tôi nên trồng 1 vụ lúa xen canh 1 vụ khoai.
Nếu trồng liên tục, khoai sẽ xuất hiện dịch bệnh, năng suất và chất lượng giảm”, ông Tua nói.
Related news
Ở nhiều nơi, việc nuôi tôm sú gặp nhiều rủi ro, thì tại xã An Trạch (huyện Đông Hải, Bạc Liêu), nông dân lại làm giàu từ con tôm này.
Ban Quản lý dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) TPHCM vừa cho biết, sau 3 năm thực hiện đã lập 4 vùng chăn nuôi heo theo mô hình nông hộ (GAHP) tại các xã An Phú, Tân Thạnh Đông, Phú Hòa Đông và Nhuận Đức với 15 nhóm GAHP là mô hình mẫu, có 328 hộ nông dân tham gia quy trình này, xây dựng 200 hầm biogas. Sắp tới, dự án sẽ mở rộng ra 9 xã ở huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, nâng số hộ tham gia lên gần 400.
“Nuôi cá sấu không quá khó, chỉ cần chú ý đến cách cho ăn là cá sẽ khỏe mạnh. Từ việc nuôi cá sấu mà gia đình tôi có nguồn thu nhập cao và ổn định”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tào, chủ trang trại cá sấu Đồng Trai, ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương).
Phú Yên có bờ biển dài hơn 189km, với nhiều đầm vịnh tạo nên các vùng nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích hơn 3.000 ha và hàng chục ngàn lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú. Ngoài ra, tỉnh còn có hàng trăm hécta ao hồ nuôi thủy sản nước ngọt ở ven các sông, suối, hồ, đập và trong các khu nội đồng.
Những ngày này, đi dọc các con đường ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn - Quảng Ngãi), ta như bị hút mắt vào màu xanh mênh mông. Trên nền xanh mượt ấy, hàng trăm người đang nâng niu, quý trọng từng mầm cây.