Quảng Ninh: Nuôi Nghêu Ở Xã Quảng Minh Cần Một Cú Huých

Sau nhiều năm nuôi thả nghêu, năm được mùa, năm mất mùa do thiên tai... đến năm 2013, những người nuôi nghêu ở xã Quảng Minh (Hải Hà - Quảng Ninh) đã chủ động được hơn khi có sự bảo hộ của Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thuỷ hải sản Minh Hà - một tổ chức do chính họ lập ra.
Nỗi niềm người nuôi nghêu
Trong nhiều năm qua, dù đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho bãi nuôi, lưới, cọc, chòi coi và con giống… nhưng người nuôi nghêu ở xã Quảng Minh luôn thất bại nhiều hơn thành công. Một trong những nguyên nhân chính là do chịu sự chi phối quá lớn vào các thương nhân, lái buôn Trung Quốc.
Anh Phạm Văn Lâm, ở thôn 3, xã Quảng Minh chia sẻ, cách đây không lâu nghề nuôi nghêu ở xã Quảng Minh đã may mắn có được một mùa bội thu với sản lượng gấp nhiều năm trước đó. Sự hy vọng có được cơ hội cải thiện cuộc sống, trang trải nợ nần nhưng rồi sớm bị vụt tắt khi lái buôn Trung Quốc ép giá từ 25.000 đồng/kg xuống còn 13.000 đồng/kg.
Vậy là trừ chi phí đầu tư, có hộ… hết lãi. Anh Lâm cho rằng, đây cũng chính là điểm yếu của người nông dân khi sản phẩm của họ chưa có tổ chức, doanh nghiệp bảo hộ, đảm bảo đầu ra và bình ổn giá bền vững cho sản phẩm.
Một người dân khác cũng tâm sự: Sau cơn bão Haiyan năm 2013, hơn 100 triệu đồng dự định dành dụm để dành xây nhà nhưng đem đầu tư vào nuôi nghêu đã mất trắng. Năm nay, tôi lại vay mượn trên 100 triệu đồng từ anh em họ hàng để tiếp tục đầu tư thả nghêu. Dù biết là khó nhưng vẫn phải làm vì bén duyên với nó rồi.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thuỷ hải sản Minh Hà cũng khẳng định, bão lũ năm 2013 đã làm thiệt hại 90% tài sản của bà con nuôi nghêu, nhiều hộ phải chật vật mới có được vốn để tiếp tục xuống giống cho vụ nghêu mới.
Để khắc phục những rủi ro của bà con, một sáng kiến được đề ra đó là hình thành HTX Nuôi trồng thuỷ hải sản Minh Hà. Theo đó, HTX được thành lập vào tháng 6-2013 với 20 hội viên tham gia nuôi trồng thuỷ hải sản ở xã Quảng Minh. Các thành viên trong Hợp tác xã (HTX) đều có ít nhất 2ha diện tích bãi triều để nuôi trồng, phát triển sản lượng nghêu.
Những hy vọng đổi thay
HTX Nuôi trồng thuỷ hải sản Minh Hà thành lập với mục đích để bà con nuôi nghêu hỗ trợ nhau về con giống, kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm, cùng phòng chống thiên tai, dịch bệnh và có thể đổi công cho nhau giống như trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Bùi Văn Toàn, Chủ nhiệm HTX cho biết, mục tiêu của HTX không chỉ là nơi bà con giúp đỡ lẫn nhau mà còn giúp cho nghề nuôi nghêu ở địa phương phát triển bền vững, xây dựng mô hình kinh tế, thực hiện xây dựng NTM và giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông nhàn trong toàn huyện.
Ông Toàn khẳng định thêm, vào các thời điểm thu hoạch, có hộ nuôi nghêu đã thuê tới 80 nhân công tại địa phương với mức 200.000 đồng/người/7-8 giờ công.
Hiện tại HTX Nuôi trồng thuỷ hải sản Minh Hà đã có đủ tư liệu để phát triển nuôi trồng; lao động và nguồn nhân lực dồi dào. Hướng tới HTX đang tích cực huy động tài chính để mở rộng diện tích, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và từng bước ổn định giá cả cho các hộ nuôi trồng.
Bên cạnh đó, HTX cũng đã có phương án giải quyết giống cho bà con trên cơ sở xúc tiến đầu tư xây dựng trại giống riêng cho HTX để đảm bảo chất lượng giống. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng chưa được thực hiện do gặp khó khăn trong thủ tục đất đai và khả năng tài chính.
Hầu hết các hộ nuôi nghêu đều quyết tâm phát triển quy mô một cách đồng bộ và lâu dài, vì vậy họ mong muốn có sự quan tâm đặc biệt từ phía địa phương mà trước mắt là tạo điều kiện để những dự định của HTX có thể được trở thành hiện thực, đem lại lợi ích cho người nuôi trồng và kinh tế địa phương.
Related news

Mặc dù chi phí sản xuất mỗi công hành giống lên đến 9 - 10 triệu đồng, nhưng nhờ đạt năng suất và giá bán khá cao, vụ hành giống năm nay, nông dân Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vẫn có lời khá. Theo Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu, năng suất bình quân của hơn 1.400ha hành tím giống từ 10 - 11 tấn/ha; cùng với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng hành giống vẫn có lời từ 15 - 20 triệu đồng/công.

Đó là anh Nguyễn Duy Liên ở đội 5, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Và cũng chính đà điểu đã giúp cho anh trở thành triệu phú.

Theo Hội nước mắm Phú Quốc, gần hai năm nay nghề sản xuất nước mắm truyền thống của huyện gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cá cơm nguyên liệu trầm trọng, trong khi nguyên liệu chủ yếu để làm nên hương vị đặc sắc của nước mắm Phú Quốc chính là cá cơm.

Đó là nhận định của Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đằng (Tân Uyên, Bình Dương) Nguyễn Thanh Âm. Bí thư Nguyễn Thanh Âm cho biết thêm, Bạch Đằng hiện có 1.471 hộ dân. Qua thống kê, giám sát và đánh giá 6 tháng đầu năm 2013, mức thu nhập bình quân đầu người của xã Bạch Đằng đạt khoảng 25 triệu đồng/năm.

Ngày 6-8, Công ty Syngenta Việt Nam cùng các ngành chức năng của huyện Long Thành (Đồng Nai) và chính quyền địa phương 3 xã: Cẩm Đường, Suối Trầu, Bình Sơn đã tổ chức chi trả tiền thiệt hại do cung cấp giống bắp NK-67 kém chất lượng cho nông dân.