Quản Lý Sâu Đục Củ Khoai Lang Hiệu Quả Bước Đầu
Nhóm nghiên cứu đề tài “Xây dựng quy trình và mô hình quản lý tổng hợp sâu đục củ khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long” thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Vĩnh Long và Bộ môn BVTV- Khoa Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) vừa tổ chức hội thảo báo cáo công tác nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp phòng trị sâu đục củ khoai lang, bước đầu cho nhiều kết quả khả quan.
Theo nhóm nghiên cứu, quy trình này sẽ được tiếp tục hoàn thiện trước khi áp dụng rộng rãi.
Anh Lê Tấn Kiệt (xã Tân Hưng - Bình Tân) cho biết, liên tiếp những vụ khoai vừa qua đều chịu cảnh thua lỗ do sâu đục củ tấn công. Sau thu hoạch, khoai dạt hơn nửa sản lượng thu hoạch. Anh Kiệt đã mua nhiều loại thuốc phun xịt nhưng không ăn thua.
Sâu xuất hiện và phá hoại khoai với cấp số nhân cho tới thu hoạch. Vụ khoai lang mới đây, anh Kiệt tham gia trồng theo quy trình Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo. Hiện khoai lang đang bước vào giai đoạn thu hoạch nhưng theo đánh giá, sâu đục củ đã giảm đáng kể.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Thanh (xã Thành Trung): “Làm theo quy trình giảm khoảng 50% lượng thuốc BVTV, nên chi phí cũng giảm theo đáng kể so sản xuất ngoài mô hình”. Vụ khoai vừa qua, sau khi thu hoạch sản lượng khoai bị sâu đục củ tấn công trên 4 công khoai của ông Thanh chỉ còn khoảng 40%, trong khi những vụ khoai trước lên đến 80%.
Một trong những cái mới mà nhiều nông dân tâm đắc khi sản xuất theo quy trình là trồng sả ven ruộng khoai và sử dụng chế phẩm Trichoderma trong khâu làm đất, xử lý hom giống.
Tiến sĩ Lê Văn Vàng- Bộ môn BVTV (Đại học Cần Thơ) cho biết: Trồng sả xung quanh hoặc xen ruộng khoai để xua đuổi dịch hại. Kết quả này cũng được nghiên cứu trên nhiều loại cây trồng khác chứ không riêng khoai lang. Trong khi đó, Trichoderma trong khâu làm đất có thể kiểm soát các sinh vật gây hại để giảm áp lực sâu bệnh.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết - Chi cục Phó Chi cục BVTV Vĩnh Long cho biết, quy trình quản lý tạm thời dựa trên sự kết hợp của nhiều biện pháp. Theo đó, giải pháp trước mắt nhằm hạn chế sâu đục củ mà người trồng áp dụng, trước tiên đất trồng cần làm kỹ lưỡng, cày xới, làm sạch cỏ và tàn dư thực vật, phơi ải.
Trong quá trình lên luống kết hợp bón phân hữu cơ (500kg/1.000m2) và nấm Trichoderma (1kg/1.000m2). Bên cạnh việc loại bỏ các mầm mống dịch hại còn tồn dư của vụ trước, tạo điều kiện đất đai thích hợp cho khoai lang phát triển tốt.
Xử lý hom giống bằng cách ngâm trong dung dịch nấm Trichoderma 0,5% cũng nhằm loại bỏ nguồn lưu tồn của sâu đục khoai lang và hạn chế sự gây hại của bệnh héo dây.
Trong những trường hợp cần thiết (sự bộc phát của sâu bệnh), ruộng khoai lang sẽ được xử lý bằng các loại nông dược chọn lọc, phù hợp với yêu cầu của canh tác theo tiêu chuẩn GAP.
Qua kết quả thí nghiệm ban đầu của nhóm nghiên cứu cho thấy, việc đậy màng phủ trên vồng khoai trước khi trồng có thể ngăn cản sự thâm nhập và gây hại của sâu đục củ và kể cả sùng (bọ hà) gây hại củ khoai lang.
Điều này được minh chứng từ kết quả sản xuất đối với những ruộng sử dụng màng phủ, sản lượng củ thiệt hại chỉ 7,2%, trong khi ruộng ngoài mô hình thiệt hại lên đến 11,3%.
Cũng theo bà Nguyễn Ngọc Tuyết, qua nghiên cứu loài sâu này rất dễ chết. Đặc tính loài sâu này là thời điểm thích hợp sẽ chui từ dưới đất để gây hại và nhiều loại thuốc trừ sâu trên thị trường cũng diệt được loài này. Vì vậy, để có thể khống chế sâu này trước khi xuống giống, người trồng cần thả nước vào ruộng để sâu ngoi lên sau đó mới phun xịt thuốc BVTV.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long cho rằng, yếu tố ảnh hưởng đến mật số của sâu đục củ tăng là do việc canh tác khoai lang liên tục cộng với việc vệ sinh đồng ruộng kém.
Đặc biệt là do nông dân thường neo ruộng thêm 1 - 3 tháng để chờ bán được giá cao là điều kiện thuận lợi cho sâu gây hại. Qua kết quả điều tra nông dân và khảo sát ngoài đồng cho thấy, sâu đục củ khoai lang thường gây hại ở giai đoạn khoai từ 3 tháng trở lên.
Vì vậy, Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm khuyến cáo, sau thu hoạch cần dọn dẹp, thu gom hết dây khoai còn sót lại trên ruộng để sâu đục củ không có điều kiện tiếp tục gia tăng mật số. Sau khi thu hoạch, nên tiến hành cho ruộng ngập nước ít nhất 1 - 2 tuần để diệt nhộng và sâu non. Sau đó phơi đất, xử lý đất, làm cỏ thật kỹ trước khi trồng.
Tiến sĩ Lê Văn Vàng - Bộ môn BVTV (Đại học Cần Thơ)
Qua mô hình đã có nhiều thông tin, nhóm nghiên cứu sẽ ngồi lại điều chỉnh một số khâu chưa phù hợp. Mục tiêu quy trình hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu. Sau kết quả các mô hình tạm thời này sẽ hình thành nên một mô hình chính thức, được áp dụng rộng rãi, thời gian hoàn thành dự kiến vào cuối năm 2014.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm: Nên luân canh khoai lang với cây lúa hoặc rau màu khác để cắt đứt nguồn thức ăn của sâu non, đồng thời diệt được sâu non và nhộng trong đất. Nên bố trí mùa vụ thích hợp, cần sự phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch rải vụ, không để neo củ ngoài đồng quá lứa vừa đảm bảo lợi nhuận cho nông dân vừa hạn chế được sâu đục củ gây hại.
Nguồn bài viết: http://www.baovinhlong.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=103973
Related news
Thời gian qua, mặc dù ngành chuyên môn đã tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống nhưng tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn tiếp tục xảy ra trên địa bàn huyện Năm Căn (Cà Mau). Tác nhân gây hại chủ yếu là virus đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp.
Theo Sở NN&PTNT, đến nay, tổng diện tích thả nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh trong tỉnh Bến Tre là 882ha, diện tích bị thiệt hại là 143ha. Tôm chết giai đoạn từ 30-35 ngày tuổi, do bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, tập trung tại các xã: Định Trung, Đại Hòa Lộc và các địa phương nuôi ngoài vùng qui hoạch, như: Thới Lai, Phú Vang, Lộc Thuận (Bình Đại).
Thời gian qua dù cơ quan chức năng thành phố đã tăng cường kiểm tra xử lý, nhưng nhiều hộ chăn nuôi cá bè trên sông Cái (thuộc nhánh sông Đồng Nai) vẫn lén lút nhập nguồn thức ăn cho cá là nội tạng gia súc, gia cầm, trong đó có hàng trăm ký lòng gà, lòng vịt.
Năm 2014, TX Sông Cầu (Phú Yên) có chủ trương đa dạng hóa các vật nuôi thủy sản thân thiện với môi trường, phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở quản lý chặt chẽ quy hoạch các vùng nuôi. Tổ quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi ở TX Sông Cầu là một nhân tố quyết định đến sự thành công của vụ nuôi, đồng thời giúp ngư dân nuôi thủy sản bền vững.
Trong cái nắng chang chang của những ngày đầu tháng 3, bên những rẫy mía vừa thu hoạch xong, chuyện trà dư tửu hậu về cây mía bắt đầu bằng tiếng thở dài và kết thúc bằng những cái lắc đầu ngao ngán.