Hơn 40 Năm Bám Biển Mưu Sinh
Người dân vùng biển, đời này nối tiếp đời kia dựa vào biển để mưu sinh. Biển đã ngấm sâu vào máu thịt, trở thành hồn cốt của ngư dân. Gắn bó với biển không chỉ là để mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc. Một trong những gia đình chúng tôi muốn nhắc tới là gia đình ông Trần Xảm, ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) hơn 40 năm vươn khơi, bám biển.
Gia đình ông Trần Xảm, có đến 4 thế hệ gắn bó với nghề đi biển. Kinh nghiệm đánh bắt cũng được gia đình ông truyền từ đời này qua đời khác. Vì thế, mỗi chuyến đi biển là mỗi lần thuyền về đầy ắp cá tôm, hiếm khi thuyền về không. Hơn 40 năm mưu sinh, gắn bó với biển đã giúp ông xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi con cái khôn lớn, nên người.
Hôm chúng tôi đến cũng là lúc ông Trần Xảm cùng 6 ngư dân vừa có chuyến đi biển trở về và đang tất bật khâu vá lưới chuẩn bị cho kịp chuyến đi sau. Vừa làm, ông vừa kể cho chúng tôi nghe về quá trình đưa ông đến với nghiệp đi biển.
Lúc lên 5, lên 6, cứ mỗi khi nước lớn, tàu cá ra khơi lại về, ông cùng đám bạn hay ra Cảng cá Đèn Đỏ leo lên các thuyền lựa lấy những con mực, nghêu, tôm tích... về nướng ăn. Lâu ngày quen dần, rồi có những lúc ông được cha mẹ cho đi theo đánh bắt gần bờ.
Cái cảm giác ngắm mặt trời mọc, mặt trời lặn, rồi những đợt sóng biển rì rào... đã ngấm vào máu thịt, tâm hồn ông. Từ đó, mỗi lần tàu ra khơi là ông xin đi theo và thạo nghề đánh bắt từ lúc nào không hay.
Ông Xảm cho biết, trung bình mỗi tháng tàu của ông ra khơi 2 đợt, tùy theo con nước, mỗi đợt từ 7 - 8 ngày. Do tàu không lớn nên ông cùng ngư dân chỉ đánh bắt cách bờ khoảng 20 km, nếu khuya đi thì đến chiều hôm sau lại về cặp bến.
Đợt nào trúng mùa, biển yên thì 1 con nước ông kiếm lời khoảng 20 triệu đồng; đợt nào biển động xem như không có lời, đôi lúc thiếu tiền trả nhân công. Với ông, ngoài chén cơm, manh áo được kiếm ra từ biển, thì cái vị mặn, tiếng sóng rì rào của biển cả càng thôi thúc ông gắn bó với biển, vươn khơi bám biển. Vì thế, những khi biển động không ra khơi được thì ông lại nhớ biển cồn cào.
Tiếp vào câu chuyện, anh Nguyễn Minh Trường vừa vá lưới vừa nói: “Nhờ tàu của ông Trần Xảm mà anh em tụi tui có được cuộc sống ấm no. Sau mỗi chuyến đi biển, lên bờ tiếp tục may vá, kiểm tra lưới, mỗi tháng, anh em tụi tôi được trả 4 triệu đồng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình và lo cho con cái ăn học. Bây giờ, không bám biển chỉ có đói mà thôi”.
Hơn 40 năm lăn lộn với sóng biển, lão ngư Trần Xảm đã thuộc làu từng luồng cá, từng dòng hải lưu ở vùng biển Gò Công. Chính vì thế ông đã tích lũy được kinh nghiệm thả lưới, đánh bắt để có những chuyến tàu về đầy ắp cá, tôm.
Lão ngư Trần Xảm nói: “Bây giờ vùng biển này gần như tôi đã quen rồi, nơi nào có chướng ngại vật, nơi nào không thể thả lưới đánh bắt... tôi đều biết cả. Cứ hễ thấy dòng hải lưu mà nước quá trong, xanh ngắt thì rất ít cá tôm, không nên thả lưới. Còn nơi nào nước có màu đục, vàng vàng thì nơi đó có thể thả lưới để đánh bắt...”.
Related news
Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái (Quảng Ninh), 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng ngành thủy sản ước đạt gần 2.900 tấn, đạt 25,8% kế hoạch (KH), giảm 20,9% so cùng kỳ năm 2014.
Hiện nay, mô hình nuôi cá tra công nghiệp ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) phát triển khá mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó có ông Nguyễn Văn Đời (sinh năm 1954), cư ngụ tại ấp Tân An, xã Tân Phong.
Ngày 7-7, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức cuộc họp báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm 2015 và kết quả 1 tháng áp dụng Giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm cho đăng ký Hợp đồng xuất khẩu theo Thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.
Đó là định hướng quy hoạch phát triển thủy sản được triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020.
Tiền Giang có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi thủy - hải sản. Nhìn nhận thực tế từ những năm qua cho thấy, nghề nuôi trồng thủy sản đã có những giai đoạn phát triển rất "nóng", tập trung vào nuôi tôm công nghiệp, cá tra, cá bè hay nhuyễn thể.