Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quá Tải Lò Sấy Lúa

Quá Tải Lò Sấy Lúa
Publish date: Monday. June 17th, 2013

Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Hè thu 2013. Do lượng lúa nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều lò sấy lúa.

Chạy hết công suất

Ông Thái Văn Luận, chủ lò sấy ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch rộ lúa Hè thu là lò sấy của tôi đều hoạt động không ngừng trong khoảng thời gian gần 1 tháng. Tuy nhiên, chưa có năm nào như năm nay, lượng lúa từ khắp nơi đổ về rất nhiều, khiến các lò sấy quá tải. Khoảng tuần nay, nhiều thương lái gọi điện đặt lò liên tục, nhưng tôi phải từ chối do đã chạy hết công suất và lúa còn tại lò khá nhiều”. Để kịp giao hàng cho thương lái, hiện 2 lò sấy lúa có công suất 60 tấn/mẻ của ông Luận phải làm việc suốt cả ngày và đêm hơn 10 ngày qua.

Tương tự, lò sấy lúa 40 tấn/mẻ của ông Nguyễn Văn Tổng, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ cũng rơi vào cảnh quá tải và phải hoạt động xuyên suốt hơn tuần nay. Ông Tổng chia sẻ: “Vào thời điểm này, các lò sấy đều trong tình trạng quá tải do bà con bước vào thu hoạch lúa Hè thu và các thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng của nông dân từ khắp nơi với giá rẻ để về đây sấy khô bán lại kiếm lời”. Theo các chủ lò sấy, giá sấy lúa năm nay vào khoảng 120.000-140.000 đồng/tấn (tùy theo mức độ ướt của lúa). Giá này cao hơn năm trước khoảng 20.000 đồng/tấn do nguyên vật liệu và nhân công tăng, nhưng thương lái vẫn thích sấy hơn phơi. Chính nhu cầu sấy lúa ngày một tăng cao, hiện nhiều chủ lò có ý định mở thêm công suất nhưng đang gặp khó về nguồn vốn đầu tư.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 417 lò sấy lúa lớn và nhỏ, đáp ứng hơn 50% nhu cầu sấy của người dân. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Văn Đời cho hay: Nhằm góp phần giải quyết nhu cầu bức xúc trong khâu sấy lúa của bà con, Sở NN&PTNT tỉnh đã đưa ra đề án cơ giới hóa sản xuất lúa tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012-2015. Cụ thể, từ nay đến năm 2015, sẽ đầu tư cho nông dân vay gần 20 tỉ đồng (từ nguồn hỗ trợ của Trung ương), trong đó, hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất để nông dân đầu tư thêm khoảng 200 lò sấy, công suất từ 8 tấn/mẻ trở lên. Hiện cán bộ chuyên môn đang điều tra, thẩm định những hộ đăng ký, nếu đủ điều kiện sẽ tiến hành hỗ trợ.

Phục vụ cho thương lái

Trong vụ lúa Hè thu thường gặp bất lợi về thời tiết như: mưa nhiều và không có sân phơi nên việc bán lúa tươi tại ruộng luôn được nông dân lựa chọn. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng bán được lúa tươi ngay sau khi thu hoạch, nhất là trước tình hình giá lúa đang ở mức thấp như hiện nay, thương lái chỉ tìm mua lúa đẹp và thu hoạch bằng máy, những hộ có lúa sập phải cắt bằng tay thì không có nơi tiêu thụ. Mặt khác, do bà con bán lúa tươi nên hầu hết các lò sấy đều được các thương lái đăng ký trước với chủ lò, người dân không có nơi sấy đành chở lúa về nhà để phơi trong điều kiện nắng mưa thất thường, lúa bị ẩm, lên mộng rất khó bán.

Đang cào lúa trong sân, anh Nguyễn Văn So, ở ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tâm sự: “Sau khi thu hoạch, do bán không được lúa tươi nên tôi cũng như nhiều bà con nơi đây chở lúa ra lò để sấy, nhưng đến nơi thì chủ lò không nhận vì lò đã được các thương lái đặt trước, người dân đành chở về nhà để phơi. Trường hợp trời nắng và có sân bãi thì đỡ, còn gặp trời mưa thì lúa bị mất màu, việc tiêu thụ càng khó khăn hơn”.

Lý giải vấn đề này, ông Thái Văn Luận, chủ lò sấy ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho rằng: “Hiện lò sấy không chỉ không tiếp nhận lúa của người dân mà ngay cả thương lái nếu không đặt ngày trước thì lò vẫn không nhận. Do lúc này, hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều thu hoạch lúa Hè thu, lượng lúa đổ về các lò sấy rất lớn. Mặc dù đã chạy hết công suất nhưng lúa vẫn còn tồn đọng khá nhiều, do đó, các thương lái phải đặt trước ít nhất 2 ngày mới lên mẻ được. Ngoài ra, do lượng lúa của bà con đem lại lò thường đột ngột và số lượng rất ít so với công suất của lò (mỗi hộ từ 4-5 tấn), nên các chủ lò thường hợp đồng sấy lúa với các thương lái là chính.


Related news

Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng

Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, tỉnh đang xúc tiến triển khai dự án nuôi tôm - rừng có chứng nhận quốc tế, với 6 hợp phần

Tuesday. September 22nd, 2015
Liên kết sản xuất bắp lai Liên kết sản xuất bắp lai

Trong những năm qua, nhờ chuyển đổi sang trồng bắp lai trên nền đất lúa kém hiệu quả mà nhiều nông hộ ở huyện Phong Điền đã cải thiện được doanh thu đáng kể so với độc canh cây lúa như trước đây.

Tuesday. September 22nd, 2015
SV 181 chất lượng cao, siêu năng suất tiềm năng trên mọi vùng đất SV 181 chất lượng cao, siêu năng suất tiềm năng trên mọi vùng đất

Qua thực tiễn trên đồng ruộng, SV 181 có những tính năng vượt trội như TGST ngắn ngày (87 ngày), sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe và tập trung, bộ lá đứng màu xanh nhạt. Bông to, xếp gié dày, nhiều hạt (160 - 180 hạt chắc/bông).

Tuesday. September 22nd, 2015
Khoa học công nghệ cho tái cơ cấu chăn nuôi Khoa học công nghệ cho tái cơ cấu chăn nuôi

Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức hội nghị khoa học Tổng kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ SX giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2016 - 2020.

Tuesday. September 22nd, 2015
Hồng không hạt Bắc Kạn Hồng không hạt Bắc Kạn

Một trong những loại cây ăn quả được ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn đưa vào cơ cấu giống cây trồng nhằm khuyến khích địa phương mở rộng diện tích là giống hồng không hạt.

Tuesday. September 22nd, 2015