Phú Yên tìm hướng phát triển bền vững cho rau an toàn

Người trồng, người mua chưa mặn mà
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó giám đốc HTX Hòa Kiến 1 (TP Tuy Hòa), trồng rau an toàn phải áp dụng đúng quy trình từ khâu giống, chăm sóc, đảm bảo sau thu hoạch, đặc biệt là giám sát chặt chẽ việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng… Ngoài chi phí sản xuất thông thường, trồng rau an toàn còn “gánh” thêm các chi phí phân tích mẫu đất, nước tưới, đầu tư hệ thống tưới, lưới che cho từng loại rau; phân tích rau sau thu hoạch… Trong khi đó, các hộ trồng rau chủ yếu sản xuất theo quy mô nhỏ, lẻ nên việc đầu tư rất khó khăn.
Chia sẻ về điều này, ông Tô Kim Thơ, một hộ nông dân trồng rau ở xã Hòa Kiến, nói: Đầu tư trồng rau an toàn chi phí cao gần gấp rưỡi so với rau thông thường nhưng giá bán ra không chênh lệch bao nhiêu bởi người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm đến rau an toàn. Do lợi nhuận không cao, hình thức sản xuất phức tạp, đầu tư lớn nên nông dân không mặn mà với loại rau này.
Đối với người tiêu dùng, việc lựa chọn rau an toàn được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, phần lớn người dân Phú Yên vẫn giữ tập quán mua thức ăn, rau xanh tại các chợ truyền thống. Các loại rau này thường không có bao bì, nhãn mác nên khó phân biệt rau củ có sạch hay không. Chị Đinh Thanh Nhàn ở phường 7, TP Tuy Hòa, cho biết: Tôi vẫn thường mua thức ăn, rau củ tại các hàng quen ở chợ gần nhà. Tôi cũng sợ mua phải rau củ không an toàn nhưng rất khó phân biệt, nên thường lựa rau theo kinh nghiệm, mua các hàng quen, nhưng không phải lúc nào cũng mua được rau sạch.
Tìm hướng phát triển bền vững
Trên thực tế, bản thân người nông dân cũng muốn trồng rau an toàn để phát triển theo hướng bền vững, có lợi cho môi trường sống. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư lớn, việc tìm đầu ra khó khăn, giá cả không hợp lý đang là rào cản đối với những người muốn phát triển nguồn rau an toàn. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc HTX Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng HTX Bình Ngọc luôn đề cao ý thức trồng rau an toàn để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng cũng như môi trường sống của người dân làng nghề trồng rau và hoa Bình Ngọc. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngoài số rau được nhập vào bán tại Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa khoảng 120kg/ngày với giá khá ổn định thì rau Bình Ngọc vẫn phải tự tìm đầu ra tại các chợ truyền thống với khối lượng trên 3 tấn/ngày. Để phát triển vùng rau an toàn bền vững, HTX Bình Ngọc mong muốn tỉnh hỗ trợ kinh phí xây nhà sơ chế để tiêu thụ rau an toàn cho nông dân, đồng thời xây dựng thương hiệu rau an toàn Bình Ngọc cho HTX. Bên cạnh đó, để người tiêu dùng nhận biết rau an toàn, tỉnh có thể xây dựng thí điểm một số điểm bán rau an toàn tại các chợ ở TP Tuy Hòa, vừa giúp người trồng rau bán được rau an toàn với giá hợp lý, vừa giúp người tiêu dùng nhận biết và có nguồn cung cấp rau sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Theo bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, đơn vị nhiều năm liên kết tiêu thụ rau sạch cho các vùng rau an toàn tại Phú Yên, bình quân mỗi ngày Co.opMart Tuy Hòa tiêu thụ khoảng 2 tấn rau củ quả tại các nguồn cung cấp rau củ an toàn từ Đà Lạt, Tây Nam Bộ. Còn tại Phú Yên, siêu thị nhập rau của HTX Bình Ngọc và một số trang trại trong tỉnh. Số rau này luôn được kiểm tra, giám sát chặt chẽ về chất lượng để đảm bảo chất lượng an toàn đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để phát triển được vùng rau an toàn, nâng cao giá trị hàng hóa bền vững, lâu dài thì người dân Bình Ngọc phải đầu tư xây dựng thương hiệu, cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm, có nhãn mác, thông tin xuất xứ hàng hóa…
Xây dựng, ký kết một số mô hình tiêu thụ rau an toàn
Tính đến cuối năm 2014, Phú Yên có 5.691ha diện tích trồng rau; trong đó, rau an toàn chỉ có 62ha, chiếm 1% diện tích rau của tỉnh. Để vùng rau an toàn phát triển bền vững, các cấp, ngành cần chung tay, góp sức. Trong đó, ngành Nông nghiệp phải quan tâm tập huấn, hướng dẫn người dân trồng rau an toàn; lựa chọn cây trồng phù hợp, tăng cường quản lý, sử dụng đúng cách, đúng loại đối với một số loại thuốc bảo vệ thực vật. Các HTX tiếp tục quan tâm, mở rộng diện tích trồng rau an toàn; xây dựng thương hiệu cho vùng rau an toàn Hòa Kiến, Bình Ngọc để nâng cao giá trị rau an toàn. Trong thời gian tới, ngành Công thương sẽ xây dựng, ký kết một số mô hình tiêu thụ rau an toàn, đồng thời tăng cường tuyên truyền người tiêu dùng sử dụng rau an toàn để đảm bảo sức khỏe, môi trường sống. (Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó giám đốc Sở Công thương)
Related news

Chiều 14/8, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh kết hợp với Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau chọn ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm làm điểm chỉ đạo triển khai mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa – tôm trên diện tích hơn 139 ha, với 72 hộ dân tham gia.

Là cây trồng đặc sản nổi tiếng, khoai lang Ngọc Vừng có vị thơm, ngọt đặc biệt, củ to, được du khách ưa chuộng. Trong những năm qua, dù được đầu tư phát triển thế nhưng cây trồng đặc sản này đang gặp khó khăn do đầu ra không ổn định.

Xã Viễn Sơn (Yên Bái) có diện tích trồng quế lớn nhất, nhì huyện Văn Yên. Cây quế góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu. đồng bào Dao nơi đây coi cây quế như một sản vật truyền thống.

Bà con nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ - Hòa Bình) đang thu hoạch bí xanh – một trong những cây họ bầu bí giảm nghèo chủ lực trên vùng đất còn nhiều khó khăn này. Thông thường mọi năm, các hộ chỉ trồng bí vụ đông xuân. Tuy nhiên, gần đây, cây bí xanh được bà con trồng tăng vụ ở vụ hè thu. Đáng mừng là nỗ lực chuyển đổi của bà con đã được bù đắp xứng đáng nhờ bí xanh trái vụ được giá, được mùa. Mới có ít ngày thu hoạch thời điểm trung tuần tháng 8 đã mang về hàng chục triệu đồng cho các hộ, cá biệt có hộ thu trên, dưới 100 triệu đồng.

Nam Hả Trong là thôn có nhiều hộ trồng địa liền của xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Kinh tế chủ lực của thôn là phát triển lâm nghiệp, nhưng luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu đất rừng, đã buộc xã Nam Sơn phải có phương án làm sao trên cùng một diện tích đất có thể thu được nhiều nguồn lợi. Một trong những nguồn lợi ấy là trồng cây địa liền xen kẽ trên các diện tích trồng keo.