Phú Yên Tạo Hiệu Quả Kinh Tế Nhờ Tích Cực Chuyển Đổi Cây Trồng
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ cây truyền thống sang canh tác cây có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Võ Minh Tuấn ở thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh - Phú Yên) đã từng bước nâng cao đời sống gia đình, xứng đáng là nông dân sản xuất giỏi.
Anh Võ Minh Tuấn cho biết: Gia đình anh có hơn 2ha đất sản xuất, trước kia chỉ trồng sắn và mía, thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Từ khi chuyển sang trồng cam, bưởi, bơ…, gia đình anh mới bắt đầu tích lũy. Hiện tổng thu nhập của gia đình anh khoảng 300 triệu đến 400 triệu đồng/năm; trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đến 200 triệu đồng/năm; cao hơn gấp 3 lần so với trồng sắn, mía.
Cây cam là cây trồng mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Tuấn. Khi được hỏi về quá trình đưa cây cam về trồng trên vườn nhà, chị Nguyễn Thị Nhung (vợ anh Tuấn) chia sẻ: Năm 2008, trong một lần đi Hà Giang thăm bạn bè, anh Tuấn mang về 300 gốc cam sành.
Khi thấy cây phát triển phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Sông Hinh, gia đình tôi mới quyết định trồng thêm 180 gốc cam và 20 gốc bưởi Diễn. 3 sào đất vườn đã được vợ chồng tôi cải tạo để trồng cam, bưởi. Đến năm 2011, đợt đầu tiên thu hoạch cam được 15 tấn, thu hơn 100 triệu đồng, lãi hơn 80 triệu đồng.
Những năm tiếp theo, nhờ có kinh nghiệm và tiếp tục tăng thêm gốc cam nên anh Tuấn có thu nhập ổn định và cao gấp đôi so với năm đầu (hiện doanh thu ổn định từ trồng cam từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/năm). Còn cây bưởi và bơ, cuối năm nay sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên, nên thu nhập trong năm 2014 của gia đình anh sẽ tăng thêm.
Từ mô hình sản xuất của gia đình anh Tuấn, nhiều gia đình làm vườn ở thị trấn Hai Riêng đã tìm tới học hỏi và làm theo. Để chủ động nguồn cây giống, từ kinh nghiệm tích lũy được, anh Tuấn đã tự chiết ghép tạo ra những cây giống mới vừa trồng trong vườn vừa đáp ứng nhu cầu cây giống của bà con. Mỗi năm gia đình anh Tuấn bán được 2.000 cây giống, tạo thêm thu nhập từ 50 đến 65 triệu đồng.
Anh Hoàng Minh Xuân (khu phố 4, thị trấn Hai Riêng), 1 trong 15 người ở thị trấn Hai Riêng đang làm theo mô hình của anh Tuấn chia sẻ: Cam vườn nhà anh Tuấn thường bán được giá cao hơn cam các vườn khác vài nghìn mỗi kilogram. Vì cam mọng nước, vỏ mỏng, quả to (khoảng 4 trái/1kg).
Học theo cách làm của vợ chồng anh Tuấn, tôi cũng cải tạo diện tích vườn nhà, mua 300 gốc cam của anh Tuấn về trồng. Mỗi lần đến lấy cây giống, tôi đều được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cẩn thận như phải tạo vườn dốc để tránh ngập úng làm thối thân; trong quá trình cây ra trái phải chú ý tới con nhện đỏ vì nó làm cam khô nước, vỏ sần sùi.... Hiện vườn cam của gia đình tôi phát triển tốt, đang ra trái đợt đầu, hứa hẹn một mùa thu hoạch tốt.
Ngoài cam và bưởi tại vườn thì phần diện tích đất rẫy còn lại, gia đình anh Tuấn đã cải tạo để trồng 400 gốc bơ. “Đây là giống bơ Mỹ tôi mua từ các chủ vườn ở Đắk Lắk. Đặc điểm nổi trội của giống bơ này là trái lớn, khoảng 600 gram/trái; đang được thị trường ưa chuộng. Hơn nữa trồng bơ còn có thể trồng xen với cây sắn nên người trồng sẽ có thêm thu nhập”, anh Tuấn nói thêm.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Mô hình trồng cam của gia đình anh Tuấn ở thị trấn Hai Riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sự đa dạng trong sản xuất nông nghiệp, mở ra hướng làm giàu cho nhiều bà con. Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững khi tạo ra các sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Related news
Điện Biên có ưu thế phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hàng nông sản. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào cánh thương lái, tư nhân thu mua nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Chính vì vậy, vấn đề tìm “đầu ra” cho nông sản, tránh tình trạng “được mùa mất giá” luôn là “bài toán” khó với nông dân Điện Biên.
Đối với những hộ nông dân xã Chiềng Đông, quanh năm lam lũ trồng lúa, cây ngô, cây sắn thì đây là lần đầu áp dụng hình thức chăn nuôi bán công nghiệp nên không ít bỡ ngỡ. Với tổng số tiền 270 triệu đồng dành cho mô hình, Trạm đã cấp 2.000 con gà giống; mỗi hộ được cấp 50 con gà giống (nhập từ Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên), 40 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, thức ăn cám công nghiệp, thuốc và vắc xin phòng bệnh.
Sau hơn 1 năm “thử lửa”, cây cao su từng bước đã phủ xanh trên huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi). Mặc dù mới “nhập cư” trên vùng đất này nhưng cây cao su đã thực sự mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại niềm hy vọng nâng cao đời sống cho bà con đồng bào Cor Tây Trà.
Sau 2 năm thực hiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giống và tập huấn kỹ thuật trồng nấm ăn, nấm thương phẩm cho bà con một số xã trong huyện Điện Biên, giúp bà con phát triển mô hình trồng nấm tại nhà, đến nay mô hình trồng nấm hộ gia đình theo hướng dẫn của Trung tâm Nấm (thuộc Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên) đã phát huy hiệu quả.
Từ năm 2010, giống thanh long này mới được một số gia đình ở huyện Xuyên Mộc đưa về trồng thử đến nay đã phát triển ra nhiều hộ trồng với quy mô lớn. Nhìn chung, giống thanh long “Long Định 1” thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, sinh trưởng tốt, ra hoa tập trung và có tỷ đậu trái cao, chất lượng hơn hẳn giống thanh long thông thường.