Giải Pháp Nào Cho Thương Hiệu Tỏi Sơn La Tồn Tại
Hiện nay, thị trường Sơn La xuất hiện rất nhiều loại củ, quả có xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có tỏi củ. Nếu so sánh thì tỏi Trung Quốc là sản phẩm đẹp về hình thức, dễ bóc, giá rẻ nhưng chất lượng thua xa các giống tỏi trồng tại Sơn La vừa có chất lượng hơn hẳn, nguồn gốc rõ ràng, lại an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng... Vậy tại sao tỏi Trung Quốc giá rẻ lại lấn át được tỏi địa phương...?
Đến bất kỳ khu chợ nào trên địa bàn tỉnh, chúng ta cũng sẽ thấy những sạp tỏi có xuất xứ từ Trung Quốc bày bán. Không cần phải kiến thức sâu rộng hay am hiểu nhiều về nghề nông, cũng có thể phân biệt được đâu là tỏi địa phương và đâu là tỏi nhập từ Trung Quốc. Bởi lẽ, loại tỏi nhập từ Trung Quốc củ và nhánh to hơn hẳn, ít nhánh hơn, dễ bóc.
Ngược lại, tỏi Sơn La trồng củ nhỏ hơn, đặc biệt là nhánh tỏi nhiều hơn và nhỏ hơn. Chất lượng thì ai đã từng sử dụng 2 loại tỏi này đều nhận thấy tỏi của Sơn La trồng có hương thơm hơn, khi bóc vỏ, tỏi có độ dính hơn, lượng dầu tiết ra từ các nhánh tỏi nhiều hơn...
Khảo sát tại một số khu chợ, những tiểu thương chuyên buôn bán tỏi và những người trực tiếp trồng tỏi trên địa bàn tỉnh, các ý kiến đều cho rằng: tỏi Trung Quốc giá rẻ, dễ bóc và có hình thức bắt mắt. Chị Phạm Thị Nga, tiểu thương chợ thị trấn Sông Mã, trên 6 năm chuyên buôn bán các loại hàng nông sản, cho hay mỗi năm tôi bán trên 1 tấn tỏi, trong đó tỏi Trung Quốc chiếm tới 70%.
Tỏi Trung Quốc chủ yếu bán cho các nhà hàng, quán ăn. Còn tỏi địa phương thì khách mua làm quà và số ít người dân mua về dùng. Tỏi địa phương mặc dù chất lượng hơn hẳn nhưng bóc không dễ, tép nhỏ và giá lại đắt gấp đôi tỏi Trung Quốc thành ra khách mua ít hơn.
Thời điểm này, tỏi Trung Quốc tại chợ dao động từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, trong khi tỏi địa phương từ 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Xét về kinh tế thì ai cũng sẽ chọn tỏi Trung Quốc, không ít người dân cũng có xu hướng chuyển sang dùng tỏi Trung Quốc vì giá rẻ.
Tiếp tục tìm gặp những người trồng tỏi và một số tiểu thương chuyên bán tỏi địa phương, được biết thêm đa phần những người mua tỏi địa phương là khách qua đường mua để làm quà hay một số người dân đã quen dùng sản phẩm tỏi địa phương.
Mặc dù bán chậm hơn tỏi Trung Quốc nhưng giống tỏi tía địa phương vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Hà Thị Thuận, bản Nà Lè, xã Tường Phù (Phù Yên), một trong nhiều hộ trồng tỏi lâu năm nói: trước đây, gia đình tôi trồng trên 1.000m2. Từ ngày xuất hiện tỏi Trung Quốc, lượng bán giảm nhiều. Hiện tại, diện tích trồng tỏi của gia đình chỉ còn 700m2. Mỗi vụ thu trên 5 tạ tỏi củ và đã bán hết với giá 50.000 đồng/kg. Cái khó nhất của người trồng tỏi là đầu ra cho sản phẩm không ổn định, chưa có người đứng ra bao tiêu sản phẩm.
Bà Hà Thị Châu, bản Đông Tấu, xã Chiềng Đông (Yên Châu) phân tích: nếu tính công chăm sóc, chi phí vật tư, giống mà bán với giá 20.000 đến 25.000 đồng/kg thì không người trồng tỏi nào có thể trụ được. Gia đình tôi chỉ có 500m2 đất ruộng, chuyên trồng giống tỏi tía Phù Yên. Năm nào được giá, mỗi kg bán được 60.000 đồng. Những ai đã dùng tỏi tía địa phương đều không muốn dùng tỏi Trung Quốc, Vậy nên, nếu đầu ra ổn định, thì nghề trồng tỏi sẽ là hướng thoát nghèo cho nhiều gia đình...
Còn chị Nguyễn Thị Thuận, phường Tô Hiệu (Thành phố Sơn La) chia sẻ: trước đây đã từng dùng tỏi Trung Quốc nhưng sau những phát hiện có thuốc trừ sâu hay dư lượng thuốc bảo bảo vệ thực vật trên một số nông sản của Trung Quốc, gia đình tôi đã chuyển hẳn sang dùng tỏi tía Sơn La...
Phù Yên là một trong những huyện nổi tiếng với đặc sản tỏi tía. Giai đoạn từ 2005 đến 2007, huyện có 150 đến 250ha trồng tỏi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự xuất hiện của tỏi Trung Quốc nên diện tích này đã giảm dần theo các năm và đến niên vụ vừa rồi chỉ còn khoảng 50 ha. Thực tế đã chứng minh: mỗi ha trồng tỏi có giá trị kinh tế gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa, nông dân Sơn La đã từng có thu nhập cao từ nghề này.
Các cơ quan chuyên môn nên sớm có chiến lược bảo vệ thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm tỏi địa phương Sơn La. Trước mắt, mỗi người tiêu dùng hãy sáng suốt sử dụng sản phẩm của chính người nông dân Sơn La, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vừa bảo vệ được sức khỏe của gia đình mình vừa tránh những sản phẩm tỏi chất lượng không tốt, chưa được kiểm tra mức độ an toàn hiện đang được bày bán trên thị trường...
Related news
Theo chỉ dẫn của người bạn, chúng tôi đến nhà ông Ngô Hòa, ở khu phố 1, phường An Ðôn, thị xã Quảng Trị, người đầu tiên ở Quảng Trị trồng giống quýt mang ký hiệu PQ1 trên đất phù sa cho hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình vừa có thêm 63 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận Global GAP, nâng tổng diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn Global GAP trong toàn tỉnh đạt gần 220 ha. Cụ thể là các trang trại Kim Hải (xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam) với diện tích 30ha; trang trại Trương Tấn Luận (xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc) 4 ha và trang trại Hồng Ân (xã Hải Ninh, Bắc Bình) với 29 ha.
Cây ngô lai không chỉ thay thế dần cây sắn, đậu tương mà còn giúp nông dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Ở các huyện miền núi phía bắc, diện tích tự nhiên chủ yếu là đồi núi, đất SX nông nghiệp ít nên địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.
Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả trung ương tiến hành đề tài "Nghiên cứu chất lượng đặc thù, điều kiện tự nhiên của vùng trồng quýt", đây là bước tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cho loại cây trồng này
Gần một tháng trở lại đây, ở Bắc Giang, lợn hơi giảm giá mạnh, thị trường tiêu thụ thịt lợn trầm lắng. Người chăn nuôi thua lỗ mà nguyên nhân chính là do chất tạo nạc đã được phát hiện trên thịt lợn và thức ăn chăn nuôi.