Phòng trừ rệp hại ngô
Rệp hút nhựa ở trên nhiều bộ phận của cây như lá non, bông cờ, lá bi, nõn ngô, bẹ lá làm cho cây ngô mất hết dinh dưỡng, cây trở nên còi cọc, yếu ớt, bắp bé đi...
Rệp ngô có tên khoa học là Aphis maydis, là một trong những loại sâu hại quan trọng đối với người trồng ngô. Đôi khi loài dịch hại này rất trầm trọng đối với cây ngô ở nhiều vùng trồng ngô ở nước ta, nhất là vào những thời điểm thời tiết có ẩm độ cao trong năm.
Rệp hút nhựa ở trên nhiều bộ phận của cây như lá non, bông cờ, lá bi, nõn ngô, bẹ lá làm cho cây ngô mất hết dinh dưỡng, cây trở nên còi cọc, yếu ớt, bắp bé đi hoặc không hình thành bắp nếu bị hại từ giai đoạn cây còn nhỏ, chất lượng hạt xấu kém. Rệp phá hại làm giảm năng suất và phẩm chất ngô rõ rệt. Ngoài cây ngô chúng còn có nhiều loại cây kí chủ khác như: kê, cao lương, mía, cỏ trồng làm thức ăn cho gia súc.. Mặt khác chúng còn là môi giới truyền virus gây một số bệnh cho cây bắp như bệnh vàng lùn, bệnh khảm lá, bệnh đỏ lá...
Đặc điểm và điều kiện phát sinh: Rệp gây hại mọi vụ trồng ngô ở nước ta. Lúc đầu vụ ngô, rệp cái có cánh từ các cây ký chủ dại bay tới các ruộng ngô. Ở đây rệp cái có cánh đẻ ra rệp con không có cánh. Rệp sinh sản chủ yếu theo kiểu đơn tính và đẻ con. Thực tế đồng ruộng cho thấy trong một quần thể rệp thường hiện diện nhiều loại hình của rệp như: rệp cái có cánh, rệp cái không có cánh, rệp non. Một số rệp không cánh biến thành rệp có cánh và bay tới các cây ngô khác, các ruộng ngô liền kề tiếp tục sinh sản và gây hại.
Ở Nam bộ rệp ngô thường phát triển nhiều trong những tháng mùa mưa lúc ẩm độ không khí cao. Vào mùa khô số lượng rệp giảm dần và chỉ xuất hiện lẻ tẻ. Rệp thường phá hại ở cây ngô từ giai đoạn 8-10 lá cho tới khi ngô chín sáp. Đến cuối vụ khi cây ngô đã già, không còn thức ăn nữa thì các con rệp có cánh di chuyển sang các ruộng ngô non hơn hay cây ký chủ khác và duy trì trên các cây ký chủ này cho tới vụ ngô sau. Trên một cánh đồng những ruộng gieo dầy, bị bít bùng, không thông thoáng, tạo ẩm độ không khí trong ruộng cao, thường là những ruộng bị rệp gây hại nhiều hơn những ruộng khác.
Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh đồng ruộng: Cần phun thuốc cỏ để diệt sạch cỏ bờ, trước khi gieo trồng cần thu gom cỏ bờ và trên ruộng đốt cho cháy sạch nhằm tránh rệp từ các ký chủ dại lan sang phá hại ngô.
- Mật độ: Không nên trồng quá dày sẽ làm ẩm độ không khí trong ruộng cao, rệp thường phát triển mạnh, trồng với mật độ thích hợp. Ở ĐBSCL vào mùa khô thì trồng với mật độ 60 x 20 cm, mùa mưa 80 x 20 cm là hợp lý. Tỉa định cây sớm khi cây cao 30cm, loại bớt những cây nhỏ, yếu ớt cho ruộng được thông thoáng có tác dụng hạn chế rệp phát triển.
- Bảo vệ những loài thiên địch của rệp ngô trên đồng ruộng như các loài bọ rùa 4 vạch, bọ rùa 6 vạch, bọ rùa 2 đốm đỏ, bọ rùa 8 vạch và ấu trùng ruồi Sirphus sp. Những thiên địch này có vai trò quan trọng trong việc hạn chế rệp ngô phát sinh trong tự nhiên. Có thể trồng xen ngô với những cây họ đậu sẽ làm tăng mật số những loài thiên địch này.
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện tình hình phát sinh để có phương án phòng trị kịp thời khi dịch rệp phát sinh mạnh.
Khi thấy mật độ rệp cao, khả năng gây hại lớn, có thể dùng một trong các loại thuốc trừ sâu như Selecron 500ND/EC, Admire 050EC, Regent 800WG, Fentox 25EC, Sumicidin 10EC/20EC, Ofatox 400EC/WP, Trebon 40EC, Actara 25WG... pha nồng độ theo liều khuyến cáo trên bao bì. Nếu mật độ rệp cao thì cần tăng số bình thuốc trên đơn vị diện tích. Cần có thời gian cách ly đối với các ngô ngọt, ngô rau bao tử và ngô thu bắp non ít nhất 20 ngày trước thu hoạch để tránh ngộ độc cho người và gia súc.
Luân canh cây trồng cũng là một biện pháp hạn chế rệp rất tốt.
Related news
Trong sản xuất ngô, việc tuân thủ chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật như: giống, bón phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời có vai trò quyết định tới năng
Loại bắp Wax48 múp hạt, không bị lòi cùi, ăn ngọt, mềm dẻo ngon hơn so với các giống cũ khiến bà con ai cũng chịu giống này.
Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Mỹ đã khám phá ra phương thức hiệu quả để nâng cao giá trị dinh dưỡng của ngô bằng cách chèn một gen vi khuẩn