Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phòng trừ dịch hại trên cây hoa lily

Phòng trừ dịch hại trên cây hoa lily
Publish date: Monday. August 31st, 2015

Việc nhóm nghiên cứu của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tìm ra phương cách phòng trừ dịch hại trên cây hoa lily, chủ yếu là bệnh thối ngọn là tin vui cho người trồng lily tại Quảng Nam.

Trên địa bàn tỉnh, lily được du nhập vào trồng từ năm 2005, tại một số nhà vườn ở các địa phương như Hội An, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Núi Thành và bước đầu cho thu nhập cao. Mỗi năm, các làng hoa Tam Kỳ, Hội An và Duy Xuyên cung ứng ra thị trường khoảng 50.000 chậu lily.

Trước thị hiếu ngày càng cao, nhu cầu trồng lily tại các đô thị như Hội An, Tam Kỳ rất lớn. Song giống lily chỉ được trồng một vụ Tết Nguyên đán, với nhiều chủng loại có xuất xứ từ nước ngoài như Sorbonne, Concador, Belladona, Manisa, Lesotho, Tiber, Yelloween với các màu sắc hồng phấn, cam, trắng, vàng…

Tình trạng dịch bệnh xuất hiện cao trên đối tượng cây trồng này cũng bao phen khiến các chủ nhà vườn đau đầu tìm cách khắc phục. Có khoảng 10 loại dịch hại xảy ra trên hoa như: rệp muội, sâu xanh ăn lá, rầy đêm, sâu loa kèn, bệnh gù đầu (lở cổ rễ), bệnh đốm lá, bệnh thối lá, bệnh vàng lá, bệnh thối ngọn…

Trong đó, bệnh thối ngọn phát sinh và gây hại nặng trong những năm gần đây với tỷ lệ bệnh bình quân 20 - 30%, cục bộ có nơi 70 - 80%. Đối tượng bị gây hại nặng nhất là loài lily có màu hồng phấn, đã gây tổn thất nặng nề cho người trồng hoa trên địa bàn tỉnh.

Để tìm nguyên nhân gây bệnh thối ngọn và một số thành phần dịch hại khác trên cây, nhóm nghiên cứu Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã xây dựng hai vườn điều tra thành phần dịch hại tại hai cơ sở trồng hoa ở Tam Kỳ và Hội An. Việc nghiên cứu được tiến hành ở vụ đông xuân 2013-2014 và 2014-2015.

Hai vườn điều tra dịch hại này có quy mô mỗi vườn là 750 chậu hoa, và tổng số chậu triển khai 2 vụ là 3.000. Mỗi vườn đều bố trí mô hình thí nghiệm và mô hình đối chứng để đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển, mức độ gây hại, thành phần dịch hại trên cây lily. ThS. Nguyễn Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ bệnh hại trên cây hoa lily tại Quảng Nam” cho hay: “Chúng tôi đặc biệt chú trọng tìm nguyên nhân gây bệnh thối ngọn, là loại dịch hại chưa đoán được bệnh.

Tại mỗi vườn điều tra, chúng tôi xây dựng nhiều mô hình thí nghiệm khác nhau. Một mô hình sử dụng chế phẩm hữu cơ vi sinh Trichoderma xử lý đất trước khi trồng, kết hợp dùng thuốc trừ bệnh Carbenzim 50FL xử lý củ giống và phun lên cây khi bệnh xuất hiện. Một mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma xử lý đất trước, dùng thuốc Alilette 80 WP để xử lý giống củ và phun lên cây khi có bệnh xuất hiện. Mô hình thứ ba là mô hình đối chứng, không can thiệp”.

Qua khảo nghiệm, bệnh thối ngọn xuất hiện ở giai đoạn cây bắt đầu hình thành và phát triển nụ hoa. Biểu hiện của bệnh là mép các lá trên ngọn hơi co vào bên trong, sau vài ngày triệu chứng co lá giảm đi nhưng lá non có biểu hiện mất nước, lá mềm nhăn, sau đó xuất hiện những vết thâm nâu úng nước, đồng thời lá có những vết bạc màu, cháy khô. Trường hợp bệnh nặng, cây không có khả năng phục hồi và các lá nõn, nụ bị thối hoặc cháy khô, nụ rụng, hoa bị biến dạng. Phát sinh nặng ở thời kỳ hoa hình thành nụ hoa, 30-35 ngày sau trồng, chủ yếu trên một số giống Sorbonnne, Lesotho…

“So sánh 2 mô hình có sử dụng chế phẩm xử lý đất kết hợp thuốc bảo vệ thực vật nói trên với mô hình đối chứng, chúng tôi nhận thấy mức độ chênh lệch tỷ lệ dịch bệnh trên cây không cao, chứng tỏ yếu tố phát sinh dịch hại không ảnh hưởng gì tới vi sinh vật, mà do yếu tố sinh lý của cây trồng, tức cháy sinh lý do thiếu canxi. Chính yếu tố ẩm độ không khí cao, số giờ nắng ít, độ pH trong đất thấp… là những nguyên nhân thuận tiện phát sinh bệnh” - ông Tân nói thêm.

Nhóm nghiên cứu đã chuyển hướng bổ sung canxi và một số dinh dưỡng cho cây. Ba mô hình được tiếp tục triển khai. Một mô hình bón lót canxi và bón thúc khi cây trồng đạt 10 - 30 ngày tuổi với lượng bón 500g/1.000 chậu. Một mô hình bón lót và bón thúc canxi kết hợp phun chế phẩm Seaweed - rong biển 95% ở các thời kỳ 10 - 30 ngày với liều lượng 10g pha với 16-32 lít nước, phun ướt đều lá cây và một mô hình đối chứng.

Qua khảo sát, thời kỳ dịch bệnh gây hại ở mức độ cao nhất, ở hai mô hình có bón bổ sung canxi đều có tỷ lệ dịch bệnh thấp hơn so với mô hình đối chứng với tỷ lệ phát sinh dịch hại tương ứng là 39%, 33,3% và 59%. Ở thời kỳ dịch bệnh đạt tới cực điểm, cây có xu hướng ổn định trở lại thì cây trồng ở hai mô hình bón canxi có tỷ lệ phục hồi cao hơn so với mô hình đối chứng với tỷ lệ tương ứng là 17,78%, 16,67% và 27,78%.

“So sánh trên hai mô hình bón bổ sung canxi đơn thuần với mô hình bón bổ sung canxi kết hợp phun chế phẩm Seaweed - rong biển 95%, mô hình bón bổ sung canxi kết hợp phun chế phẩm có tỷ lệ dịch bệnh giảm hẳn, khả năng cây phục hồi lại cao hơn. Chúng tôi đã tìm ra được công thức bón bổ sung canxi cho cây trồng với tỷ lệ 500g/1.000 chậu. Điều đáng nói là không những hạn chế dịch bệnh, việc bón canxi còn góp phần thay đổi độ pH đất từ 4,54 lên 5,47%, có tác dụng cải tạo đất” - ThS.Nguyễn Văn Tân chia sẻ.


Related news

Sau Tết, Rau Xanh Tăng Giá Vẫn Hút Hàng Sau Tết, Rau Xanh Tăng Giá Vẫn Hút Hàng

Chính vì thế, phải tranh thủ ra bán sớm. Và họ đã phán đoán đúng tình hình. “Bình thường, ở đây bán đến 7 giờ tối. Nhưng mấy ngày nay, tôi bán đến trưa là hết sạch. Hôm nào khỏe, bán luôn cữ chiều. Kiếm kha khá”, người phụ nữ tên Tuyết, tay cân rau cho khách, miệng nói liến thoắng.

Monday. March 2nd, 2015
Ngành Mía Đường Giá Trị Nào Mang Lại Cho Người Nông Dân? Ngành Mía Đường Giá Trị Nào Mang Lại Cho Người Nông Dân?

Chuyện tưởng rằng không mới, “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi”, nhưng không nói thì không xong. Bao năm qua, không ít doanh nghiệp đường vẫn loanh quanh với bài toán: Làm sao cân đối được các chi phí gồm chi phí thu mua mía nguyên liệu trong chữ đường bình quân ở mức 8-9 CCS, các khoản chi phí đầu vào khác đều tăng…; mà vẫn phải giúp nông dân có lời, không bỏ cây mía và nhà máy hoạt động hiệu quả.

Monday. March 2nd, 2015
Thuế Nhập Khẩu 0% Với Gạo Và Thuốc Lá Từ Lào Thuế Nhập Khẩu 0% Với Gạo Và Thuốc Lá Từ Lào

Bộ Công thương đã ban hành trong Thông tư 02/2015/TT-BCT quy định việc nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2015 với thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với hàng hóa có xuất xứ từ Lào.

Monday. March 2nd, 2015
Chính Thức Triển Khai Tạm Trữ Lúa Gạo Chính Thức Triển Khai Tạm Trữ Lúa Gạo

Trước tết, vào đầu tháng 2/2015 tình hình lúa vụ ĐX 2014-2015 ở một số địa phương thu hoạch sớm gặp khó khăn khâu tiêu thụ. Giá lúa xuống thấp, tại ruộng, lúa IR50404 có nơi xuống còn 3.800-4.000 đ/kg và đang xu hướng giảm. Trong khi đó tình hình xuất khẩu gạo đầu năm gặp khó khăn.

Monday. March 2nd, 2015
Lỗi Giống Lúa Nhị Ưu 838 Lỗi Giống Lúa Nhị Ưu 838

Vốn có kinh nghiệm trong sản xuất và cũng đã sử dụng giống lúa Nhị ưu 838 vào gieo cấy từ 5-6 năm nay nên vụ xuân này, anh Trần Hải Đường (Đội trưởng Đội sản xuất số 9, xóm Tân Thành 1, xã Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên) mua tới 25 kg giống lúa lai trong đó có 15 kg giống Nhị ưu 838.

Monday. March 2nd, 2015