Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phòng Trừ Bệnh Đạo Ôn Trên Lúa Xuân

Phòng Trừ Bệnh Đạo Ôn Trên Lúa Xuân
Publish date: Thursday. March 27th, 2014

Thời tiết âm u kéo dài, độ ẩm không khí cao khiến bệnh đạo ôn phát sinh mạnh, gây hại đối với sự sinh trưởng của lúa xuân. Mặc dù các địa phương và bà con nông dân đã chủ động phòng trừ, song bệnh đạo ôn vẫn đang đe dọa lúa xuân.

Đã hơn 2 tuần nay, bà Nguyễn Thị Tứ ở xóm 5 - xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) đứng ngồi không yên vì 2 sào ruộng gieo cấy giống AC5 vừa bước vào thời kỳ đẻ nhánh rộ đã bị bệnh nhiễm đạo ôn. Bà Tứ cho biết:  "Lúc đầu chỉ xuất hiện lốm đốm ở vài đám có hiện tượng khô ngọn, nhưng chỉ mấy ngày sau, bệnh đã lan nhanh ra cả đám ruộng.

Tuy chúng tôi đã phun thuốc phòng bệnh theo đúng khuyến cáo của cán bộ xã nhưng vì trời mưa phùn kéo dài, khiến cho việc phun thuốc phòng bị gián đoạn, thuốc khó chống cự được sự lây lan của bệnh".

Hiện tại, diện tích lúa xuân ở xã Hưng Tân đang ở thời kỳ đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ. Theo ông Lê Nguyên Nhuận - Chủ nhiệm HTX Hưng Tân: Vụ xuân 2014 xã gieo cấy 274 ha cơ cấu các giống AC5, Xi 33, XT28, Nếp dòng 87. Bệnh đạo ôn đã  xuất hiện từ ngày 5/3 lác đác trên diện tích giống AC5 ở các xóm 1, xóm 9.

Đến ngày 22/3 đã lan rộng lên khoảng 100 ha (riêng giống AC5 chiếm trên 70 ha); trong đó có  hơn 1 ha bị nhiễm bệnh nặng, 1 sào có từ 5- 7m2 bị cháy lá. Thời gian qua, Trạm BVTV cũng đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho nông dân về các biện pháp chăm sóc lúa và phòng trừ sâu bệnh trên lúa đông xuân.

Đồng thời, Ban Nông nghiệp xã cũng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để bà con nông dân nắm bắt kịp thời tình hình sâu bệnh hại cũng như các giải pháp phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại để đảm bảo hiệu quả phòng trừ...

Ông Hoàng Đức Ân - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: Do thời tiết ấm dần lên, đêm và sáng sớm có sương mù, nắng mưa xen kẽ, đến nay, trên đồng ruộng Hưng Nguyên đã có 321 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn hại lá ở hầu hết các trà lúa, đặc biệt là trên giống AC5, Xi23, IR 1280... với tỷ lệ 10- 20 %, cục bộ vùng bị nặng lên  đến 30%; cấp bệnh phổ biến cấp 1-3, một số vùng cục bộ cấp 5 - 7.

Trong đó các xã có diện tích bị nhiễm nặng như Hưng Tân, Hưng Thông, Hưng Thắng, Hưng Tây, Hưng Nhân... cá biệt đã xuất hiện một số diện tích lúa bị cháy. Những diện tích gieo cấy với mật độ dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm có tỷ lệ nhiễm bệnh và cấp bệnh nặng hơn so với các ruộng gieo cấy mật độ thưa, hợp lý.

Trước tình hình đó, UBND huyện có công văn về việc chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn gây hại lúa xuân. Tuy nhiên, qua kiểm tra của Trạm BVTV và Phòng Nông nghiệp nhiều xã triển khai chậm, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo.

Công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh chưa đảm bảo; một số hộ dân phun thuốc không đúng theo khuyến cáo của huyện, phun không đúng liều lượng, không đúng thời điểm. Đặc biệt phổ biến tình trạng không tuân thủ nguyên tắc "bốn đúng" trong phun trừ, dẫn đến lãng phí, hiệu quả thấp, thậm chí gây ra "tác dụng ngược", làm bệnh phát triển nặng thêm...

Còn tại TP. Vinh, theo số liệu của Trạm Bảo vệ thực vật TP Vinh, diện tích lúa xuân 2014 của TP Vinh là 1.640 ha. Trước đó, ở giai đoạn lúa bén rễ và hồi xanh đã phát sinh bệnh đạo ôn gây hại, tới ngày 19/2 có 1 ha bị nhiễm. Diễn biến bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa xuân ở TP Vinh rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh. Đến ngày 20/3 diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn lên đến 713,2 ha.

Trong đó nhiễm nặng gây cháy lụi từng đám 15,5 ha, tỷ lệ 50 - 70 % số lá. Diện tích lúa bị nhiễm bệnh  tập trung tại các đồng lúa thuộc HTX Khánh Hậu, Phong Quang, Phong Đăng (xã Hưng Hòa); HTX Hưng Dũng, Hưng Lộc... Giống nhiễm chủ yếu XY23, AC5, BTE1, TL6… Tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5%, nơi cao 20- 30%, diện tích nhiễm trung bình trên 238 ha, nhiễm nhẹ 348,5 ha.

Vụ xuân 2014 toàn tỉnh gieo cấy 89.475,6 ha lúa, trong đó 55.000 ha lúa lai; hiện tại lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ và cuối đẻ nhánh, sinh trưởng nhanh và phát triển tốt. Tuy nhiên, bệnh đạo ôn đang phát sinh lây lan nhanh tại hầu hết các huyện trồng lúa. Bệnh bắt đầu phát sinh và phát triển mạnh từ đầu tháng 3 ở các giống Xi21, TL6,  AC5, Nếp...

Tính đến ngày 21/3, tổng diện tích lúa bị nhiễm trên địa bàn toàn tỉnh khoảng trên 1.100 ha, trong đó có 56 ha bị nặng và 51 ha bị cháy. Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Thời gian qua điều kiện thời tiết có sương mù, độ ẩm không khí cao đã tạo thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại.

Tuy bệnh xuất hiện vào thời điểm lúa đẻ nhánh chưa đáng lo ngại đến năng suất nhưng đây chính là nguy cơ gây ra bệnh đạo ôn cổ bông. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời thì bệnh đạo ôn cổ bông có thể gây thiệt hại nặng nề đến năng suất, thậm chí là mất trắng.

Tốt nhất, bà con nên thường xuyên thăm đồng, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện. Tuyệt đối không được bón đạm hoặc các loại phân bón có chứa đạm, duy trì mực nước hợp lý trên ruộng, tiến hành phun thuốc diệt trừ khi bệnh mới xuất hiện". Dự báo trong thời gian tới thời tiết nắng ấm xen kẽ các đợt không khí lạnh kèm theo mưa, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát sinh, lây lan gây hại nặng.

Để phòng trừ kịp thời, có hiệu quả, không để bệnh lây lan trên diện rộng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản chỉ đạo ở những địa phương có bệnh đạo ôn phát sinh nhanh, phức tạp, ngoài cán bộ phụ trách nông nghiệp huyện phải có 1 cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông và cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật theo dõi sát sao.

Tăng cường kiểm tra, quản lý việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền  về các loại thuốc đặc hiệu phòng trừ bệnh đạo ôn trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân biết và lựa chọn loại thuốc phòng trừ hiệu quả. Những địa phương có diện tích nhiễm bệnh lớn, mức độ nhiễm bệnh nặng cần xem xét để trích ngân sách địa phương hỗ trợ mua thuốc và tổ chức phòng trừ để khống chế, dập tắt sự lây lan của bệnh khi đang ở diện hẹp.

Chi cục Bảo vệ thực vật phải ban hành văn bản thông báo, dự báo tình hình phát sinh phát triển bệnh của từng địa phương và đưa ra biện pháp phòng trừ cụ thể để các địa phương thực hiện. Trong đó cần lựa chọn các loại thuốc đặc hiệu theo thứ tự ưu tiên và chỉ khuyến cáo tối đa 5 loại thuốc cho các địa phương lựa chọn...


Related news

Chuyện 12 Con Dê “Đi Lạc” Chuyện 12 Con Dê “Đi Lạc”

Sau đó, UBND thị xã Bỉm Sơn đã bàn giao cho UBND huyện Thạch Thành 24 con dê giống, để cấp cho 6 hộ nghèo của xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Thế nhưng chỉ có 12 con dê đến được với các hộ nghèo. Còn 12 con thì được chở thẳng đến trang trại của ông… Bí thư Huyện ủy.

Thursday. January 22nd, 2015
Thủy Sản Cần Bứt Qua Thủy Sản Cần Bứt Qua "Giai Đoạn Hái Lượm"

Ông Huỳnh Văn Thế vừa đi vòng quanh ao cá tra vừa nói, mua được giống tốt chỉ nuôi 8 tháng, còn gặp giống xấu phải 12 tháng mới thu hoạch. “Chục năm trước chỉ nuôi 5-6 tháng đã thu hoạch. Giống cá ngày càng xấu, chẳng biết vì sao?”, ông thở hắt ra.

Thursday. January 22nd, 2015
Hom Mía Giống Hút Hàng Hom Mía Giống Hút Hàng

Theo một số nông dân, nguyên nhân hom mía giống tăng giá là do nguồn cung (chủ yếu từ Cù Lao Dung, Sóc Trăng và Gò Quao, Kiên Giang) bị hạn chế. Do giá mía mấy năm qua liên tục giảm, nông dân bị thua lỗ nên nhiều người đã chuyển đổi qua cây, con khác, trong đó có cả những hộ chuyên làm mía giống.

Thursday. January 22nd, 2015
“Tấm Áo Mới” Của Một Công Ty Giống Nội “Tấm Áo Mới” Của Một Công Ty Giống Nội

2014 là một năm đầy thử thách với Cty TNHH MTV Tư vấn & đầu tư phát triển ngô. Nhập khẩu ngô hạt đầu năm nhiều khiến tiêu thụ ngô trong nước chậm, ảnh hưởng đến tâm lý người SX ngô. Sự biến động bất thường của thời tiết trong vụ xuân ảnh hưởng lớn đến năng suất thực thu.

Thursday. January 22nd, 2015
Người Nuôi Gà Lo Lắng Người Nuôi Gà Lo Lắng

Chuẩn bị cho nguồn hàng dịp tết Nguyên đán 2015, gia đình anh Trịnh Tiến Phong, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang khẩn trương chăm sóc, chú ý tới vấn đề kỹ thuật, tận dụng các nguồn thức ăn để đàn gà đạt trọng lượng 1,5- 2kg/con vào dịp tết.

Thursday. January 22nd, 2015