Phòng, chữa bệnh hiệu quả cho cá nuôi với 7 loại thảo mộc
Biến động của thời tiết như rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn đã làm sức đề kháng của cá nuôi bị suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập, gây ra các bệnh. Để phòng bệnh theo hướng an toàn, việc sử dụng những loại thảo mộc sẵn có trong tự nhiên sẽ giúp xử lý môi trường ao nuôi, phòng ngừa dịch bệnh, giúp cá phát triển tốt.
1. Lá xoan - trị bệnh trùng mỏ neo, trùng bánh xe
Đặc tính của cây xoan có vị đắng, cá được cọ xát thì những con trùng mỏ neo, trùng bánh xe không bám vào vây và da.
Cách phòng bệnh: Định kỳ 15 ngày ngâm lá xoan trong ao một lần với liều lượng 10 kg cành lá/100 m2 ao; hoặc 20 – 25kg lá xoan/lồng 8m3; có thể bón lót xuống ao với liều 0,3 kg/m3 trước khi thả cá vào ao ương 3 ngày.
Trị bệnh: Lấy cành lá xoan non bó thành lại đem ngâm trong ao nuôi cá đang có trùng mỏ neo, trùng bánh xe gây bệnh; cũng có thể ngâm trong bè hoặc vèo nuôi cá ở phía đầu nguồn nước với lượng 1,5 - 2,0 kg lá xoan/150 - 200 m2 ao đến khi thấy lá xoan bị mục thì vớt cành ra khỏi ao.
2. Lá đu đủ tía (lá thầu dầu) - trị bệnh loét mang, đốm đỏ ở cá
Lá đu đủ tía (cây thầu dầu), có vị đắng chứa hoạt chất Ricin, dùng để chữa bệnh loét mang, đốm đỏ ở cá.
Cách phòng bệnh: Định kỳ 15 ngày ngâm lá đu đủ tía trong ao một lần với liều lượng 15 kg cành lá đu đủ tía/1000 m2 ao.
Trị bệnh: Lấy lá đu đủ tía bó thành bó ngâm xuống ao với lượng 2,5 - 3 kg lá/150 - 200 m2 ao. Đối với lồng nuôi cá ngâm 15 - 20 kg lá/8 - 10 m3 lồng.
3. Cây rau sam - trị bệnh viêm ruột do virus ở cá trắm cỏ
Cây rau sam có chứa beltalan ankaloit dùng chữa bệnh viêm ruột do vi khuẩn cho cá trắm cỏ.
Cách phòng bệnh: Định kỳ 10 ngày cho cá ăn một lần với liều lượng 1 kg rau sam/100 kg cá.
Trị bệnh: Lấy rau sam đem rửa sạch rồi thả vào khung cho cá ăn một lần/ngày, liên tục trong 5 - 7 ngày, với 1,5 - 3 kg rau/100 kg cá. Đối với cá giống, cần băm nhỏ rau rắc đều trên mặt ao, chú ý để cá thật đói rồi mới cho ăn.
4. Cây răng cưa (chó đẻ) - trị bệnh hoại tử ở cá trê
Cây chó đẻ răng cưa, là kháng sinh đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử ở cá trê, vòng kháng khuẩn 11 - 20 mm.
Cách sử dụng: Dùng 5 kg cây tươi, giã lấy nước rồi trộn vào 100 kg thức ăn đệ trị bệnh cho cá.
5. Cây nghể - trị bệnh viêm ruột, loét mang cho cá trắm cỏ, rô phi
Là loài cỏ mọc hoang dại ở nơi ẩm thấp (thường thấy ở các đầm lầy) sống quanh năm, thân cây có nhiều nhánh, lá hình lưỡi mác, có hoa đỏ mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá. Cây có vị cay nóng, hắc.
Cách trị bệnh: Lấy thân cây và lá băm nhỏ, nấu kỹ lấy nước, sau đó trộn với thức ăn cho cá ăn, với liều lượng 3kg thân lá nghể tươi/100kg cá giống, cho cá ăn liên tục từ 3 - 6 ngày. Cũng có thể dùng lá nghể khô xay thành bột trộn với thức ăn cho cá, 1-2kg nghể khô/100kg cá giống.
6. Cây sòi - trị bệnh thối rữa mang và trắng đầu ở cá
Cây sòi còn có tên khác là ô thụ quả, ô du, thác tử thụ. Cây sòi có nhựa, có khả năng diệt khuẩn. Dùng lá sòi để trị bệnh thoái rửa mang, tráng đầu ở cá. Lấy cành bó thành bó nhỏ cho xuống ao.
Trị bệnh: Cần bón xuống ao với nồng độ 6,0 ppm (6,0 gram cành lá sòi phơi khô/m3 nước) Thường dùng 1 kg cành lá sòi khô (hoặc 4 kg tươi) ngâm vào 20 kg vôi sống 2% trong một đêm, sau đó đun sôi 10 phút, pH trên 12 rồi bón xuống nước.
7. Cây cỏ sữa lá nhỏ - trị bệnh viêm ruột, bệnh thối rữa mang của cá do vi khuẩn
Cây cỏ sữa lá nhỏ có phổ kháng khuẩn rộng, có tác dụng ngưng máu, trung hoà độc tố. Dùng toàn thân cây để trị bệnh viêm ruột, thoái hoá mang cá do vi khuẩn gây ra.
Trị bệnh: Dùng 50 gram cây cỏ sữa khô hoặc 200 gram cây được giã thành bột + 20 gram muối cho 10 kg trọng lượng cá ăn trong 1 ngày, ăn liên tục trong 3 ngày.
Related news
Thâm canh cá rô phi trong lồng nhựa. Thử nghiệm nuôi thâm canh cá rô phi Đường Nghiệp trong lồng nhựa chi phí thấp” theo quy trình VietGAP.
Hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng với “thẻ vàng” mà EU vừa cảnh báo.
Làm nhà kín bằng khung thép, lợp tấm nhựa trắng, hoặc phủ lưới chống nóng... là những giải pháp chống nóng cho tôm vào mùa hè đang được áp dụng tại Nghệ An