Anh Sơn: Thâm canh cá rô phi trong lồng nhựa
Tháng 4/2017, huyện Anh Sơn đã triển khai mô hình “Thử nghiệm nuôi thâm canh cá rô phi Đường Nghiệp trong lồng nhựa chi phí thấp” theo quy trình VietGAP.
Mô hình nuôi cá rô phi Đường Nghiệp tại được triển khai tại đập 32 xã Đức Sơn. Ảnh: Thái Hiền
Mô hình nuôi cá rô phi Đường Nghiệp được huyện Anh Sơn triển khai thí điểm nuôi tại đập 32 thôn 5 xã Đức Sơn thuộc hộ gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc. Tham gia mô hình, gia đình anh Ngọc được hỗ trợ 50% lồng nhựa, 50% con giống, 40% thức ăn cho cá với tổng kinh phí được hỗ trợ là 69,2 triệu từ nguồn hỗ trợ sự nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh. Bên cạnh đó, gia đình còn được Công ty TNHH dịch vụ, công nghệ nuôi trồng thủy sản hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi theo quy trình VietGap.
Với quy mô 200m3 chia làm 4 lồng nhựa, anh Ngọc thả nuôi 4.000 con giống thuộc đời con lai F1 nguồn gốc Philipin có tỷ lệ con đực rất cao. Trọng lượng cá lúc thả 300-400 con/kg, mật độ 20 con/m2, tỷ lệ cá sống đạt 98%.
4.000 con giống thuộc đời con lai F1 nguồn gốc Philippines có tỷ lệ con đực rất cao. Ảnh: Thái Hiền
Anh Ngọc chia sẻ: Cá rô phi Đường Nghiệp có đặc điểm mình ngắn, đầu nhỏ, lưng cao, mắt lồi, thịt dày, thơm ngon, không có xương dăm và có giá trị kinh tế cao. Đây là loại dễ nuôi, khả năng chống chịu tốt với sự biến động của các yếu tố môi trường, không xảy ra dịch bệnh, lớn nhanh, có thể nuôi thâm canh.
So với các giống khác, đặc biệt biệt là cá rô phi đơn tính thì cá rô phi Đường Nghiệp lớn tương đối nhanh gấp 1,4- 1,6 lần. Sau 6 tháng chăm sóc, loại cá này đạt trọng lượng từ 0,8-0,9 kg/ con và cho gia đình anh Ngọc thu hoạch đạt sản lượng 3,5 tấn. Sau khi trừ tất cả các chi phí, anh Ngọc thu lãi trên 46 triệu đồng.
Sau 6 tháng gia đình chăm sóc loại cá này đạt trọng lượng từ 0,8-0,9 kg/ con và cho gia đình anh Ngọc thu hoạch đạt sản lượng 3,5 tấn. Ảnh: Thái Hiền
Ông Nguyễn Ánh Sáng- Phó phòng Kinh tế hạ tầng Anh Sơn cho biết: Hiện nay, cá rô phi Đường Nghiệp là đối tượng nuôi chính trên thế giới và được chọn là đối tượng số 1 cho nghề nuôi cá rô phi sạch xuất khẩu ở nước ta. Qua theo dõi mô hình thí điểm cho thấy, nuôi cá rô phi dòng Đường Nghiệp cho năng suất, sản lượng cao gấp nhiều lần so với các đối tượng nuôi truyền thống.
Đây cũng là giống có kỹ thuật nuôi không phức tạp, khả năng chống chịu cao, phù hợp với nguồn nước và điều kiện nuôi thả tại địa phương. Với hiệu quả từ mô hình này mang lại, thời gian tới huyện Anh Sơn sẽ nhân rộng thêm nhiều hộ nuôi khác trên địa bàn nhằm khai thác tối đa tiềm năng thủy sản với diện tích trên 1.000 ha ao hồ trên địa bàn huyện, giúp nông dân Anh Sơn tiếp cận với phương pháp nuôi trồng thủy sản công nghệ mới, góp phần vào chương trình xoá đói giảm nghèo của địa phương.
Related news
Quy trình này được Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện với mục đích đưa cá bống bớp trở thành đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực của từng địa phương
Trong những năm gần đây, tại những vùng mặn, lợ ở Sóc Trăng, nhiều đối tượng nuôi mới được người dân đưa vào sản xuất không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao
Là vùng nuôi tôm trọng điểm của khu vực ĐBSCL, tỉnh Sóc Trăng ưu tiên tập trung đầu tư phát triển cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến xuất khẩu.