Giảm được 30% nhiệt độ khi làm mái che chống nóng cho tôm
Làm nhà kín bằng khung thép, lợp tấm nhựa trắng, hoặc phủ lưới chống nóng... là những giải pháp chống nóng cho tôm vào mùa hè đang được áp dụng tại vùng tôm Nghệ An.
Hệ thống chống nóng cho tôm của ông Ngô Xuân Đại, xóm 4, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng
Hệ thống chống nóng cho tôm của ông Ngô Xuân Đại, xóm 4, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu. Để chống gió lốc, nắng nóng, toàn bộ ao đã được phủ một lớp lưới bằng cước. Ông Đại cho biết, đầu tư chống nóng như thế này cho 1 ha khoảng gần 200 triệu đồng. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Ngô Xuân Đại ở xóm 4, xã Diễn Trung (Diễn Châu) có 5 ha ao đầm nuôi tôm. Với kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm, ông Đại cho biết: Nuôi tôm vào mùa hè khó khăn nhất là nắng nóng, khiến con tôm bị ảnh hưởng sức khỏe, nhất là những ngày nhiệt độ lên đến gần 40 độ C. Do vậy, để nuôi tôm có hiệu quả vào mùa hè, tốt nhất là chống nóng cho tôm bằng mọi cách. Tuy nhiên phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.
Với ông Đại, nhiều năm qua, ông đầu tư hàng trăm triệu đồng phủ lưới chống nóng cho tôm. Khung được hàn bởi vật liệu thép, phủ lưới chống nóng lên. Chi phí chống nóng cho 1 ha khoảng gần 200 triệu đồng. Hiệu quả cho thấy, giảm nhiệt độ được khoảng 30% cho ao tôm.
Đầu tư xây dựng hệ thống nhà kín, nên ao đầm nuôi tôm của gia đình ông Hoàng Xuân Tin, xã Quỳnh Bảng (Diễn Châu) luôn mát về mùa hè, ấm vào mùa đông. Ảnh: Xuân Hoàng
Chống nóng hiệu quả nhất là mô hình nuôi tôm trong nhà kín của ông Hoàng Xuân Tin, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Gia đình ông Tin có 7 ha mặt nước nuôi tôm, trong đó hệ thống nhà lợp mái này được xây dựng trên diện tích 1.500 m2 mặt nước, với mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng, nuôi tôm trong nhà kín không những chống nóng tốt mà còn chống rét cho tôm rất hiệu quả.
Đối với những hộ không có điều kiện thì áp dụng nhiều giải pháp đối phó. Anh Lê Minh Thắng, xóm 5 xã Diễn Trung (Diễn Châu) chia sẻ: Do kinh phí đầu tư chống nóng cho tôm nhiều nên gia đình không có điều kiện thực hiện.
Để chống nóng cho tôm vào mùa hè, bằng cách anh điều chỉnh mực nước trong ao lên 120 - 130 cm, thay cho 80 - 100 cm về mùa đông, đồng thời thay nước liên tục và tăng cường quạt nước, nhằm khuấy đảo nước, đảm bảo cân bằng nhiệt độ, độ mặn và ôxy ở lớp nước mặt và lớp nước dưới; tránh hình thành điều kiện yếm khí gây tích tụ khí độc ở tầng đáy, cũng như sự chênh lệch nhiệt độ và độ muối có thể làm tôm sốc.
Người nuôi tôm cho biết, để chống nóng cho tôm vào mùa hè, nếu không có kinh phí xây dựng hệ thống che mát thì điều chỉnh mực nước trong ao cao lên và tăng cường quạt nước trong ngày. Ảnh: Xuân Hoàng
Nghệ An hiện nuôi hơn 1.200 ha tôm thẻ chân trắng. Chi cục Chăn nuôi - Thú y khuyến cáo: Về mùa hè, nhiệt độ lên mức 39 - 40 độ C nếu không có giải pháp chống nóng thì con tôm rất dễ bị bệnh. Tuy nhiên do kinh phí cao nên diện tích ao đầm được đầu tư hệ thống chống nóng rất ít, hầu hết là chống nóng bằng cách điều chỉnh mực nước trong ao và thay đổi nước liên tục.
Related news
Là vùng nuôi tôm trọng điểm của khu vực ĐBSCL, tỉnh Sóc Trăng ưu tiên tập trung đầu tư phát triển cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến xuất khẩu.
Thâm canh cá rô phi trong lồng nhựa. Thử nghiệm nuôi thâm canh cá rô phi Đường Nghiệp trong lồng nhựa chi phí thấp” theo quy trình VietGAP.
Hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng với “thẻ vàng” mà EU vừa cảnh báo.