Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phía Sau Những Chiếc Tàu Vỏ Thép

Phía Sau Những Chiếc Tàu Vỏ Thép
Publish date: Monday. September 15th, 2014

Kể từ ngày 25-8-2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ đã chính thức đi vào cuộc sống.

Đây được xem như một bước đi có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của ngành thủy sản, đặc biệt là với nghề đánh bắt thủy sản xa bờ với những hỗ trợ tích cực trong chính sách đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác.

Trong đó, việc hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu vỏ thép bám biển chính là một trong những điểm nổi bật của nghị định này. Tuy nhiên, phía sau mỗi con tàu vỏ thép vững chãi, vẫn còn đó nhiều mong ngóng, chờ đợi của ngư dân, từ học cách làm quen với máy móc, trang thiết bị hiện đại... cho đến đào tạo nguồn nhân lực lành nghề...

Doanh nghiệp thu mua hải sản của anh Tôn Thất Vỹ (Đức Trạch, Bố Trạch) là đơn vị đầu tiên của tỉnh ta được hỗ trợ đóng tàu vỏ thép với nguồn kinh phí 10,3 tỷ đồng từ đầu tháng 6-2014. Trong đó, nguồn vốn của anh Vỹ là 2,3 tỷ đồng, số vốn còn lại được Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho vay với lãi suất 3% trong vòng 5 năm. Bán đi chiếc tàu vỏ gỗ cũ kỹ sử dụng suốt mấy năm trời, nay chiếc tàu vỏ thép vững chãi, chắc chắn với công suất 850 CV hứa hẹn sẽ mang lại cho anh nhiều cơ hội làm giàu hơn trong lộ trình “vượt con sóng” của mình.

Trong quá trình hơn 3 tháng đóng tàu, anh được phía Tổng công ty hỗ trợ đào tạo về nghề cá, tăng cường các kỹ năng sử dụng công nghệ, thiết bị trên tàu. Anh chia sẻ, nguồn nhân lực sẽ phải tìm và thuê thêm, bởi anh hiện chỉ có hơn 7-8 thuyền viên, trong khi tàu mới cần từ 15-20 thuyền viên trong quá trình vận hành.

Bên cạnh đó, nỗi lo lắng lớn nhất của anh là việc làm quen với các công nghệ, thiết bị đánh bắt hiện đại để thay thế dần với cách thức đánh bắt truyền thống, đòi hỏi anh cùng đội ngũ ngư dân phải không ngừng học hỏi, tìm tòi, suy nghĩ và làm quen. Xã biển Đức Trạch có hơn 250 tàu cá bằng gỗ công suất từ 90-930 CV, hầu hết ngư dân đều đang “ngóng chờ” nghị định mới với các chính sách tín dụng ưu đãi để sẵn sàng lên kế hoạch cho chiếc tàu cá của mình.

Theo Nghị định 67, đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải, thiết bị phục vụ khai thác, ngư lưới cụ, trang thiết bị bảo quản hải sản. Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm.

Đối với trường hợp tàu có công suất chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Mặt khác, ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân Đức Trạch bày tỏ sự mong muốn của ngư dân về những âu thuyền rộng rãi hơn, để sau này đóng tàu vỏ thép lớn hơn rồi, sẽ có được nơi trú ngụ yên tâm, vững chãi trong mùa mưa bão khắc nghiệt. Nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu, kỹ càng cũng là vấn đề lớn của Đức Trạch, khi không ít thanh niên bỏ nghề truyền thống đi nước ngoài, hoặc học nghề cá theo hình thức “cha truyền con nối”.

Anh Nguyễn Phúc Nguyên (Mỹ Cảnh, Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) miệt mài bên công trường đóng con tàu cá vỏ gỗ công suất hơn 700 CV, trị giá hơn 2,2 tỷ đồng của gia đình mình. Hầu hết nguồn vốn đều do gia đình anh vay mượn từ ngân hàng. Vừa mới khởi công đóng tàu hơn 1 tháng thì nhận được thông tin về nghị định hỗ trợ mới của Chính phủ sắp được ban hành, anh khá ngẩn ngơ, thầm tiếc.

Nếu có cơ hội anh cũng sẽ mạnh dạn để đóng tàu vỏ thép, vừa được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, vừa có thể vững tin khai thác thủy hải sản xa bờ bền vững hơn.

Ông Nguyễn Thanh Điệu, Trưởng thôn Mỹ Cảnh cho biết, từ năm 2013 trở lại đây, thôn đã có hơn 15 tàu cá vỏ gỗ được đóng mới, giá thành xấp xỉ từ 2-3 tỷ đồng, công suất trung bình từ 450-600 CV.

Nguồn vốn của những chiếc tàu này chủ yếu cũng từ vay mượn người thân, bạn bè và phần lớn từ ngân hàng, do đó, ngư dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình trả nợ. Bà con ngư dân rất mong muốn sẽ có sự giúp sức để những ai vừa mới đóng tàu vỏ gỗ đánh bắt xa bờ công suất lớn có thể yên tâm hơn trong nỗ lực bám biển của mình.

Chính vì vậy, Nghị định 67 đã mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân đóng mới tàu vỏ gỗ, gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu hoặc nâng cấp tàu vỏ gỗ với những quy định về hỗ trợ tín dụng cụ thể, hợp lý. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, với số lượng tàu cá lớn (gần 400 chiếc), nhưng Bảo Ninh vẫn chưa có tàu dịch vụ hậu cần để trợ giúp các tàu cá xa bờ, ngư dân rất mong ngóng với sự ra đời của Nghị định 67 sẽ tạo sức bật để xã có thể xây dựng một đội tàu hậu cần nghề cá đúng nghĩa.

Theo ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngay khi nghị định mới ra đời, tàu cá vỏ thép sẽ không đóng ồ ạt mà làm từng bước, có lộ trình chọn lọc trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm từ chính thực tiễn đánh bắt xa bờ của ngư dân, và sẽ theo hình thức vừa đóng tàu vừa rút kinh nghiệm. Những khó khăn, vướng mắc của ngư dân sẽ được Chi cục phối hợp với các bên liên quan trao đổi, hỗ trợ để mang lại những giải pháp tích cực và hiệu quả nhất.

Trong tương lai, chúng ta sẽ còn nhiều việc phải làm để những chiếc tàu vỏ thép của Quảng Bình vững vàng vươn khơi, từ khâu bảo đảm vốn, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cho đến chuyển giao khoa học công nghệ đánh bắt hiện đại, xây dựng hậu cần nghề cá chất lượng cao...


Related news

Thịt Bồ Câu Thiện Nghiệp Vào Siêu Thị Co.op Mart Phan Thiết Thịt Bồ Câu Thiện Nghiệp Vào Siêu Thị Co.op Mart Phan Thiết

Tháng 7/2012, Tổ hợp tác sản xuất nuôi bồ câu ở Thiện Nghiệp đi vào hoạt động với tên gọi Tổ hợp tác sản xuất đoàn kết tại thôn Thiện Sơn (Thiện Nghiệp, Bình Thuận), có 10 tổ viên tham gia. Tổ hợp tác cung cấp bồ câu thịt, giống và thu mua, tư vấn kỹ thuật nuôi bồ câu cho các địa phương lân cận.

Tuesday. June 3rd, 2014
Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Dứa Gai Xen Cao Su Ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa) Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Dứa Gai Xen Cao Su Ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa)

Nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, những năm gần đây người dân ở một số xã như: Cao Thịnh, Lộc Thịnh, Ngọc Trung... (Ngọc Lặc - Thanh Hóa) đã đưa cây dứa gai vào trồng xen với cây cao su trên diện tích đất đồi dốc, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Tuesday. June 3rd, 2014
Thu Nhập Cao Từ Mô Hình Rau An Toàn Ở Yên Viên (Hà Nội) Thu Nhập Cao Từ Mô Hình Rau An Toàn Ở Yên Viên (Hà Nội)

Từ một xã có xuất phát điểm thấp trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap, đến nay, xã Yên Viên (huyện Gia Lâm - Hà Nội) vươn lên xếp thứ 2 trong thực hiện chương trình này của huyện với 18/19 tiêu chí đã hoàn thành.

Tuesday. June 3rd, 2014
Duy Trì Mô Hình Công Nghệ Sinh Thái Để Quản Lý Rầy Nâu Và Bệnh Do Virus Trên Cây Lúa Duy Trì Mô Hình Công Nghệ Sinh Thái Để Quản Lý Rầy Nâu Và Bệnh Do Virus Trên Cây Lúa

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị sản xuất, nhiều năm qua, nông dân huyện Chợ Gạo đã biết phát huy lợi thế, tăng cường trồng xen canh các loại cây trồng. Bà con chú trọng hiệu quả kinh tế từ cây ớt, cây hẹ, một số loại rau ngắn ngày.

Tuesday. June 3rd, 2014
Dưa Điền Công Bội Thu Dưa Điền Công Bội Thu

Về Điền Công những ngày này, ai cũng dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, phấn khởi bao trùm khắp mọi đường thôn, ngõ xóm. Dọc con đường “Nông thôn mới” kéo dài gần 6km, từ Quốc lộ 18A vào đến trung tâm xã, ô tô - xe máy chất đầy những quả dưa căng mọng nườm nượp vào ra, tạo nên một bức tranh ngày mùa vui, rộn ràng...

Tuesday. June 3rd, 2014