Xây dựng thương hiệu hồng ăn trái Đà Lạt
Hồng ăn trái có tên khoa học là Diosspyros Kaki L. thuộc họ thị Ebéaceae, dòng cây ôn đới Á Đông hay cận nhiệt đới. Sinh trưởng với điều kiện thời tiết, khí hậu quanh năm mát mẻ của Đà Lạt, cây hồng ăn trái thường phát triển chiều cao từ 7 - 8m, dáng cây mọc thẳng, tán phủ rộng, gồm các tên gọi như hình dáng từng loại trái cây như: hồng bom (từ 110 - 120 gram/trái), hồng chén (từ 90-l00 gram/trái), hồng vuông (từ 80 - 90 gram/trái), hồng trứng (từ 70 - 80 gram/trái)...
Tất cả các loại hồng ăn trái Đà Lạt khi chín có màu vàng, hồng, đỏ, không hạt hoặc ít hạt, hương vị ngọt lịm, dẻo thơm đặc trưng riêng biệt với các loại trái cây khác. Theo Phòng Kinh tế Đà Lạt, từ những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, diện tích canh tác hồng ăn trái Đà Lạt ổn định khoảng 900ha, trong đó 85% diện tích trồng xen canh trong vườn cây cà phê và các cây trồng khác, 15% diện tích trồng thuần, đạt tổng sản lượng hàng năm khoảng 6.500 tấn trái tươi, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.
Đến giai đoạn năm 2000 - 2010, diện tích hồng ăn trái Đà Lạt giảm dần xuống còn 600ha, sản lượng trái tươi giảm xuống còn 4.500 tấn, chiếm tỷ lệ 10% sản lượng được đưa vào sấy khô bằng than đốt theo phương pháp thủ công truyền thống, 90% sản lượng bán tươi cho thị trường nội địa.
Trong năm 2010, hồng ăn trái Đà Lạt được cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tiến hành xây dựng, chuyển giao một số mô hình kỹ thuật chăm sóc tỉa cành, bón phân, lai tạo giống mới có năng suất và chất lượng cao hơn, đồng thời phổ biến công nghệ mới về chế biến hồng sấy khô đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Đến ngày 27/10/2012, hồng ăn trái Đà Lạt được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là 1 trong 50 loại trái cây đặc sản của Việt Nam. Từ đó đến nay, hồng ăn trái Đà Lạt vẫn giữ ổn định diện tích 600ha, tổng sản lượng 4.500 tấn trái tươi/năm.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm trái hồng tươi (khoảng 4.050 tấn) vẫn chiếm phần lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Còn lại 450 tấn trái tươi được đưa vào chế biến sản phẩm hồng sấy khô bằng công nghệ Nhật Bản và bằng than đốt thủ công của hộ gia đình, giá bán ra thị trường cao hơn hồng tươi khoảng từ 12 - 15 lần. Vài năm gần đây, Đà Lạt ước đạt giá trị sản xuất 2 sản phẩm hồng tươi và hồng khô trên dưới 25 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động trực tiếp và gián tiếp.
Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh sản xuất hồng ăn trái Đà Lạt hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là phổ biến diện tích vẫn sản xuất xen canh với nhiều cây trồng khác, các biện pháp canh tác chủ yếu còn dựa theo những kinh nghiệm của người nông dân, chưa được tác động sâu rộng từ những kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, dẫn đến sản phẩm bán ra thị trường không đạt độ đồng đều về hình dáng, chất lượng, từ đó gây nhiều khó khăn trong quá trình quảng bá, xúc tiến thương mại.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ hồng ăn trái Đà Lạt hầu hết thông qua các đầu mối thương lái thu mua quy mô nhỏ ở Đà Lạt, người nông dân thường chỉ được thông báo mức giá sản phẩm sau khi thương lái bán ra. Đã vậy, giá hồng ăn trái thường xuyên bấp bênh, tình trạng mất mùa nhưng lại mất giá vẫn xảy ra.
Trước đòi hỏi của thị trường về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận hồng ăn trái Đà Lạt” đang khởi động hướng đến các tiêu chí xác định cụ thể về chất lượng của loại cây ăn trái đặc sản này của Đà Lạt nói riêng, Việt Nam nói chung.
Trên cơ sở điều tra thực tế sản xuất hồng ăn trái trên từng nông hộ, Dự án sẽ hoàn chỉnh các tiêu chí được xét cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hồng ăn trái Đà Lạt” gồm: nguồn gốc, xuất xứ ươm trồng, chăm sóc và thu hoạch tại Đà Lạt; xác định các chỉ tiêu về hình dáng, kích cỡ, màu sắc của trái hồng; các thông số kỹ thuật về quy trình ươm giống, trồng và chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đóng gói... Dự án sẽ được nghiệm thu vào cuối năm 2016 để chính thức triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh được xác lập quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hồng ăn trái Đà Lạt”!
Related news
Vụ dong riềng năm nay, người dân các xã Tiền Yên, Đắc Sở, Cát Quế... (Hoài Đức, Hà Nội) trúng đậm, vì được mùa, được giá. Trung bình, mỗi sào dong thu 3 – 4 tấn. Với giá 1.700 đồng/kg, bà con thu lãi gấp đôi trồng lúa.
Với vị ngọt thơm ngon, quả to, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng lựa chọn, na dai Lục Nam (Bắc Giang) đang ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình, tiếp nối những vụ thu hoạch được mùa, được giá.
Hiện nay, việc áp dụng thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho bò sữa, bò thịt cao sản đang được nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả, có nhiều ưu điểm, góp phần nâng cao chất lượng và số lượng đàn bò nuôi…
Sau một thời gian dài nuôi heo bị thua lỗ, anh Nguyễn Văn Bé Sáu ở ấp Mỹ Nghĩa I (Mỹ Đức Tây, Cái Bè, Tiền Giang) chuyển qua nuôi rắn mối và đã thu được lợi nhuận khá hấp dẫn.
Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi cá chẽm (hay còn gọi là cá vược) ở các tỉnh miền Nam đang phát triển mạnh, nhiều mô hình nuôi cá vược trong ao đất ở một số tỉnh như Bạc Liêu, Bến Tre... phát triển rất tốt.