Phát Triển Nuôi Gà Tập Trung Ở Lê Lợi (Quảng Ninh)

Để mở ra hướng đi mới cho sản xuất hàng hoá trong xây dựng nông thôn mới (NTM), giúp người dân nâng cao thu nhập, đảm bảo kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững, xã Lê Lợi (Hoành Bồ - Quảng Ninh) đã triển khai một cách hiệu quả mô hình nuôi gà tập trung.
Gà ri là giống gà có lâu đời ở Lê Lợi. Trước đây, loại gà này được nuôi trong các hộ gia đình, chủ yếu theo hình thức nuôi nhỏ lẻ, manh mún nằm rải rác ở các thôn, xóm trên địa bàn xã. Từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, Lê Lợi đã tập hợp và khôi phục lại giống gà này để đầu tư nhân rộng thành mô hình thương phẩm. Nhờ nguồn hỗ trợ 100% con giống của huyện, xã đã chọn 10 hộ gia đình để triển khai nuôi thí điểm.
Ông Bùi Văn Phú, thôn Đè E, hộ dân tham gia mô hình này cho biết: “Năm 2012, khi có dự án của Nhà nước về phát triển thương phẩm giống gà này tôi đăng ký tham gia ngay, năm đầu nuôi 100 con tôi được hỗ trợ 100% tiền giống và 40% tiền thức ăn lại còn được đi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh.
Do đã có kinh nghiệm lại được tập huấn kỹ thuật mới nên việc chăn nuôi của gia đình tốt hơn so với trước đây, chất lượng gà cũng cao hơn nhiều, trung bình mỗi con gà có cân nặng từ 2,5-4kg.
Giống gà ri này được mọi người đánh giá cao, thịt thơm, da vàng, nên gà có giá thành từ 180.000-200.000 đồng/kg”. Hiện nhà ông Bùi Văn Phú nuôi 300 con gà ri và tại thôn Đè E có 6 hộ nuôi giống gà này với quy mô từ 100 con trở lên.
Không chỉ tập trung phát triển nuôi gà “địa phương”, xã còn phát triển mô hình nuôi gà đẻ trứng nhằm tạo ra sản phẩm đa dạng. Anh Nguyễn Danh Thuyên, hộ dân đầu tư nuôi gà đẻ trứng quy mô lớn nhất trên địa bàn xã Lê Lợi cho biết: “Tôi đầu tư xây 2 dãy nhà để nuôi gà đẻ trứng với số lượng 10.000 con (giống gà Iraprao của Pháp).
Giống gà này rất mắn đẻ, hầu như ngày nào cũng cho trứng nên sản lượng trứng mỗi ngày đạt trên 9.000 quả. Nuôi gà đẻ trứng, cần phải áp dụng quy trình kỹ thuật khép kín và tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt bởi vậy 4.000m2 chuồng nuôi của tôi có hệ thống làm mát, nhiệt độ trung bình luôn ổn định ở mức 27 độ C”.
Anh Thuyên cho biết thêm, mô hình nuôi gà đẻ trứng của anh được Nhà nước hỗ trợ 700 triệu đồng tiền giống. Trong thời gian tới, anh tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô hơn nữa và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.
Chị Vũ Thị Oanh, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, cho biết: Qua 2 năm, mô hình nuôi gà được huyện hỗ trợ cho các hộ gia đình đã bước đầu đem lại hiệu quả khá rõ, tuy nhiên quy mô vẫn nhỏ, sản lượng ít. Theo kế hoạch, xã đang tiếp tục vận động bà con mở rộng quy mô và quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo chương trình xây dựng NTM, nhằm tạo ra sản phẩm sạch và đưa thêm giống gà 6 cựa và gà lông xước vào nuôi thí điểm trên địa bàn.
Với việc phát triển mô hình nuôi gà thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá sẽ nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân trong xã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng NTM của địa phương.
Related news

Diện tích đất trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần, do nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng khác thu được lợi nhuận cao hơn.

Để chuẩn bị con giống thả nuôi trên diện tích 1ha, ông Long sử dụng bể xi măng có diện tích khoảng 700m2 để ương dưỡng 900.000 con giống tôm thẻ chân trắng 10 ngày tuổi. Hiện nay mới vào giai đoạn giữa kỳ ương dưỡng nhưng tôm ăn mạnh, lớn nhanh.

Với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, những năm qua, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã tập trung phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của huyện, trọng tâm là phát triển lực lượng khai thác xa bờ, xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá và phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.

Sáng ngày 29-8, tại TP. Vũng Tàu, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia khai mạc hội thi “Người chăn nuôi heo giỏi vùng Đông Nam bộ năm 2013”. Tham dự hội thi có gần 300 người chăn nuôi heo tiêu biểu thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ.

UBND huyện Thoại Sơn (An Giang) vừa họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của silic đến sinh trưởng năng suất và chất lượng giống đậu phộng L14 tại Thoại Sơn, An Giang”, do Thạc sĩ Phạm Thị Kiều Oanh-Trạm Khuyến nông Thoại Sơn làm chủ nhiệm.