Phát Triển Nghề Trồng Nấm Rơm Ở Cai Lậy (Tiền Giang)

Nghề trồng nấm rơm đang phát triển mạnh ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), tập trung ở các xã: Mỹ Long, Tân Hội, Tân Phú, Mỹ Hạnh Trung và Mỹ Hạnh Đông… Mỗi năm sản xuất hàng trăm tấn nấm phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Hàng năm, vào mùa nước nổi, nông dân tranh thủ nơi khô ráo trong vườn hoặc tuyến dân cư để trồng nấm rơm.
Gia đình anh Nguyễn Văn Cường ở ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hạnh Đông có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 công ruộng, hàng ngày vợ chồng anh phải đi làm mướn để kiếm thêm thu nhập.
Năm 1998, anh được người thân ở xã Mỹ Long hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm, từ đó đến nay anh trồng 3 vụ/năm, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Vụ hè thu chính vụ 2012, tận dụng 3 ha rơm trồng 700 m2 nấm, thu hoạch được 500 kg nấm, bán được giá từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu lãi 10 triệu đồng.
Hay như anh Võ Hữu Phơ ở ấp Mỹ Hội cũng trồng 1,2 ha rơm trên diện tích 300 m2, thu hoạch 250 kg nấm. Trừ chi phí thuê nhân công kéo rơm, chất giồng, meo giống khoảng 2 triệu đồng, anh còn lãi 5 triệu đồng.
Nhiều nông dân cho biết: Nấm rơm dễ trồng, phù hợp với nhiều đối tượng, chi phí thấp, trồng được 3 vụ/năm, chủ yếu lấy công làm lời. Sau khi thu hoạch lúa, vận chuyển rơm lên liếp chất thành lớp và tưới nước thấm đều cọng rơm, ủ từ 10 - 15 ngày, chất rơm thành giồng, ngang 25 cm, dài tùy theo khuôn viên đất rộng hay hẹp.
Dùng meo rải lên mặt rơm và phủ thêm lớp rơm thứ hai, nhằm giữ độ ấm kích thích meo phóng tơ tạo trứng cá, 10 ngày sau cho thu hoạch. Bình quân 1 bịch meo giống loại 100 gam cho 1 kg nấm thương phẩm. Sau khi thu hoạch nấm, rơm phân hủy thành phân hữu cơ, dùng bón cho cây ăn trái hoặc trồng hoa màu rất tốt. Thông qua việc trồng nấm rơm, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, Phòng NN&PTNT Cai Lậy kết hợp với Hội Nông dân các xã, thị trấn trong huyện mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm, giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo ở địa phương.
Related news

Ông Nguyễn Thành Nhơn ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên gắn bó với nghề nuôi tôm hùm gần 20 năm với bao thăng trầm, nay đã trở thành tỷ phú.

Xuất hiện ở thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn, Yên Bái) từ năm 1991, giờ đây chăn nuôi thuỷ đặc sản ba ba đang trở thành một nghề mang lại thu nhập tiền tỷ. Nhiều gia đình ở đây có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, xây dựng được nhà cửa khang trang cũng là nhờ nuôi ba ba.

Với những lợi thế về giá, khả năng kháng chịu dịch bệnh tốt, tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, mô hình nuôi heo rừng bán hoang dã ở thôn Trung Nghĩa, xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng đang giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập hàng tỷ đồng một năm.

Đến nay, 19/19 Hội ND các xã, thị trấn ở huyện Mường Tè đã hoàn thành Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017, bảo đảm thời gian, cơ cấu cán bộ Ban chấp hành hội

Mướp đắng (khổ qua) trồng được quanh năm, nhưng thích hợp nhất là mùa mưa. Nếu áp dụng màng phủ nông nghiệp sẽ cho năng suất cao, giá bán lại cao nên nông dân rất thích trồng trong vụ này.