Phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Đắk Lang (Đắk Nông)

Ông Nguyễn Xuân Thường, Trưởng thôn Đắk Lang cho biết, từ năm 2012, nhận thấy nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập khá nên một số hộ dân nơi đây đã trồng dâu nuôi tằm. Từ đó đến nay, diện tích trồng dâu trên địa bàn thôn đã tăng lên hàng chục ha.
Trước đây, các hộ này chỉ tận dụng công nhàn rỗi để nuôi tằm thì nay, bà con đã bố trí công lao động để nuôi thâm canh. Do vậy, nghề nuôi tằm đã trở thành nghề chính và mang lại thu nhập cao cho người dân trong thôn.
Là người đi đầu trong việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở thôn Đắk Lang, gia đình ông Dương Văn Bản hiện có 0,5 ha dâu kết hợp nuôi tằm.
Ông Bản cho biết: Trước đây, tôi đã từng sống bằng nghề trồng nuôi tằm trên 10 năm tại tỉnh Lâm Đồng. Khi chuyển sang huyện Đắk Glong định cư, tôi thấy đất đai, khí hậu cũng phù hợp cho nghề này nên tiếp tục theo nghề. Thời gian đầu, đây chỉ là nghề mang lại thu nhập phụ và thường mỗi lứa tôi chỉ nuôi 1 hộp giống. Giờ có giống mới, cách nuôi cũng được cải tiến nhiều, trung bình mỗi ngày chỉ cần cho ăn 4 lần, trừ giai đoạn tằm ăn rỗi phải cho ăn nhiều hơn.
Hiện nay, ông Bản đã đầu tư xây mới lại nhà nuôi tằm với quy mô trên 70 m2 và đang chuyển dần giống dâu cũ sang giống dâu cao sản để nâng cao năng suất, chất lượng. Ông Bản cũng không ngừng cải tiến cách nuôi, từ nuôi tằm bằng nong chuyển sang nuôi trên sàn xi măng. Tằm giống sau khi mang về 4 ngày đầu được nuôi trên nong và 10 ngày sau nuôi tằm dưới nền nhà.
Hàng ngày, ông cắt cành dâu đậy lên trên, tằm sẽ tự bò lên ăn lá dâu, trung bình mỗi ngày cho ăn 4 lần. Theo ông Bản, áp dụng theo phương pháp nuôi này, tằm ít bị bệnh, lớn nhanh, giảm công chăm sóc, đồng thời rút ngắn thời gian nuôi nên thu hồi vốn nhanh. Sau khi nhặt kén, việc dọn vệ sinh cũng dễ dàng hơn.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hậu, một người nuôi tằm trong thôn, muốn nuôi tằm thì phải trồng dâu trước khi nuôi 6 tháng, phải chọn giống dâu cao sản như giống tam bội để nhanh được thu hoạch và đạt năng suất cao. Nghề trồng dâu nuôi tằm, vốn đầu tư ít và có thể tận dụng được công lao động.
Với 40 m2 nhà nuôi tằm và 0,5 ha dâu, mỗi tháng, gia đình bà có thể nuôi 2 lứa tằm, mỗi ngày bà chỉ mất khoảng 1 tiếng để cắt dâu cho tằm ăn, thời gian còn lại vẫn có thể làm rẫy bình thường. Theo tính toán của bà Hậu, 1 tháng, bà nuôi 2 lứa tằm (1,5 hộp/lứa), mỗi lứa cho thu hoạch 75 kg kén, vậy 2 lứa thu được 150 kg kén.
Với giá bán trên thị trường là 120.000 đồng/kg kén thì bà thu được 18 triệu đồng/tháng, trừ chi phí bà thu lời 15 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm chỉ cần nuôi 11 tháng (đã trừ thời gian vệ sinh nhà nuôi sau mỗi lứa), bà Hậu thu về số lãi khoảng trên 150 triệu đồng/năm.
Theo bà con nơi đây thì khó khăn lớn nhất hiện nay đối với nghề nuôi tằm tại địa phương, đó là thị trường tiêu thụ kén còn nhiều khó khăn. Do đó, giá kén thường bị tư thương ép giá và tiêu thụ cũng không ổn định. Các hộ trồng dâu nuôi tằm thôn Đắk Lang hiện đang rất mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp xúc tiến ký hợp đồng tiêu thụ kén lâu dài cho nông dân trong thôn.
Related news

Kịp thời nắm bắt cơ hội, bù đắp vào sản lượng tôm sụt giảm tại nhiều nước do dịch bệnh, Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tôm và lần đầu tiên, tôm thẻ chân trắng đã “lột xác” ngoạn mục, vượt tôm sú cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Ngày 7/1, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) công bố 2 tỉnh Lạng Sơn, Phú Yên hiện có dịch lở mồm long móng (LMLM) chưa qua 21 ngày.

Hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh Bình Phước đang tích cực tái đàn, chăm sóc gia súc, gia cầm (GSGC) để phục vụ tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Điều đáng mừng với người chăn nuôi là sau thời gian dài giảm giá, hiện giá GSGC đang tăng trở lại.

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có hơn 15.000 ha cây khóm với sản lượng khoảng 250 ngàn tấn/năm và là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích cây khóm. Thời gian qua, nhờ sự cần cù lao động và áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật nên nông dân huyện Tân Phước đã trồng khóm đạt năng suất, chất lượng cao, làm thay đổi diện mạo một vùng đất "rốn lũ - rốn phèn".

Bén rễ trên miền đất đỏ cao nguyên đã mấy chục năm nay và cây dâu con tằm đã trải qua bao nhiêu thăng trầm nhưng những cư dân nơi đây vẫn duy trì nó như gìn giữ một nghề truyền thống của tổ tiên xưa.