Phát Triển Mô Hình Nuôi Bò Theo Hộ Gia Đình
Bò là con vật dễ nuôi và mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Vì vậy, mô hình nuôi bò theo hộ gia đình tại xã Long Phước (TP.Bà Rịa) đang được coi là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi. Mô hình này là bước đột phá trong việc thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên của một xã thuần nông.
Chị Mai Thị Hương, ở tổ 5, ấp Phong Phú, xã Long Phước, người có thâm niên nuôi bò hơn 10 năm nay. Ban đầu do ít vốn, gia đình chị chỉ đầu tư nuôi một bò mẹ và một bê con theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, chị Hương đã duy trì được đàn bò 20 con; mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng từ tiền bán bê con và bò thịt.
Chị Hương cho biết: Nuôi bò nhốt chuồng không khó, chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát… đàn bò sẽ lớn nhanh. So với làm ruộng, hay chăn nuôi các loài vật khác thì nuôi bò không vất vả bằng mà lại cho thu nhập cao. Trong quá trình nuôi, người nuôi cần chủ động phòng bệnh, đồng thời tận dụng các phụ phẩm như bắp, rơm, mía… làm thức ăn cho bò. Các loại cỏ trồng chủ yếu dành cho bò đẻ, bò vỗ béo trước khi bán cho thương lái.
Còn theo anh Lê Văn Nam, ở ấp Nam, chăn nuôi bò thực sự đem lại hiệu quả kinh tế và đang trở thành ngành sản xuất của người nông dân tại đây. Ngoài trồng lúa, trồng màu, gia đình anh Nam đã đầu tư chuồng trại để nuôi nhốt bò sinh sản, bò thịt để chăn thả khi nông nhàn.
Theo những người nuôi bò tại Long Phước, ngoài tiền thu được từ bán bò thịt, bê con còn có nguồn thu khác, đó là phân chuồng. “Với 9 con bò, cứ 2 tuần tôi thu được khoảng 20 bao phân, mỗi bao giá 20.000 đồng, bán cho người trồng tiêu và cây ăn trái”- anh Lê Văn Nam cho biết.
Thời gian qua, nhằm trang bị cho nông dân thực hiện dự án chăn nuôi bò vỗ béo, Hội Nông dân xã Long Phước đã tổ chức các lớp dạy về nuôi, phòng ngừa, trị bệnh cho bò. Những lớp tập huấn này được người dân nhiệt tình tham gia. Để khuyến khích người dân phát triển và duy trì mô hình chăn nuôi bò, UBND xã Long Phước đã phối hợp với ngân hàng và các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư con giống, chuồng trại…
Vì vậy, đến thời điểm này, toàn xã Long Phước có đàn bò hơn 2.100 con, được các hộ chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng với nguồn thức ăn tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp và chăn thả khi nông nhàn. Ước tính, mỗi năm xã Long Phước cung cấp ra thị trường hàng trăm con bê và bò thịt với trị giá 25-30 triệu đồng/con. Từ việc chăn nuôi bò thịt và sinh sản, nhiều hộ dân trong xã đã có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm từ chăn nuôi.
Nói về mô hình chăn nuôi bò theo quy mô hộ gia đình, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước khẳng định: “Mô hình nuôi bò chăn thả khi nông nhàn và nuôi nhốt tận dụng thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp không chỉ giúp người nông dân Long Phước tìm được lời giải cho bài toán phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn giúp người chăn nuôi thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông, chuyển sang chăn nuôi tập trung”.
Nghề chăn nuôi bò tại xã Long Phước hiện nay là mô hình phù hợp với địa phương, là sự lựa chọn đúng của bà con nông dân tại đây. Đây cũng chính là cơ sở để ngành nông nghiệp của tỉnh xây dựng đề án phát triển chăn nuôi, trong đó nghề nuôi bò thịt là nghề sản xuất chính.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Minh, để nghề nuôi bò như mô hình mà Long Phước đang triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm tính bền vững thì ngươi chăn nuôi cần thực hiện tốt các yêu cầu về kỹ thuật. Hiệu quả chăn nuôi phụ thuộc vào các yếu tố như con giống, kỹ thuật nuôi dưỡng, tác động của môi trường, mức độ của giá mua và giá bán.
Related news
Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ đến giai đoạn chuyển mùa, gia đình ông Lê Văn Hiếu, ở thôn 12, xã Nam Dong (Chư Jút) lại sửa sang, che chắn, vệ sinh chuồng trại cho đàn trâu, bò của mình.
Theo Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh thì qua 6 năm thực hiện Nghị quyết 12/2006/NQ – HĐND của HĐND tỉnh về phát triển thủy lợi vừa và nhỏ, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào khai thác 200 công trình thủy lợi các loại, với tổng dung tích hữu ích hồ chứa trên 213 triệu m3.
Những năm gần đây, trên thị trường lương thực trong tỉnh, nhiều người tiêu dùng biết và tìm mua gạo của huyện Krông Nô; bởi sản phẩm này có ưu điểm như hạt nhỏ, cơm dẻo, hương thơm, vị đậm…
Vì vậy, sau sản phẩm có rau của Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại dịch vụ Tia Sáng (Gia Nghĩa) được cấp giấy chứng nhận VietGap vào năm 2012 thì trong năm 2013, tỉnh có thêm hai sản phẩm đạt tiêu chuẩn này. Đó là sản phẩm sầu riêng của trang trại Gia Trung ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) và quýt, sầu riêng của trang trại Lộc Hồng ở xã Quảng Khê (Đắk Glong).
Không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nông dân dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tự mình vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, cùng góp sức xây dựng quê hương.