Phát triển kinh tế từ nuôi gà Móng Tiên Phong
Ngày trẻ do những trận sốt rét hoành hành, bác Xưởng buộc phải rời quân ngũ khi độ tuổi đôi mươi để trở về quê hương.
Tại nơi chôn rau cắt rốn, bác đã tham gia công tác tại địa phương, nhưng không chịu khuất phục với đồng lương ít ỏi, bác tích cực tham gia sản xuất như trồng dâu nuôi tằm, nuôi lợn, nuôi gà để vừa có cái cải thiện, lại vừa tăng thu nhập cho gia đình.
Trong các con nuôi, ngay từ khi còn nhỏ bác Xưởng đã thấy rất yêu quý con gà Móng. Bác kể, mỗi lần đi học về, bác thường nhìn ngắm cái tướng to khỏe với cái mảo đỏ cùng đôi chân vững chắc của chúng…
Ngay bác cũng không hiểu sao bản thân mình lại thích con vật này đến vậy, lúc ấy chỉ biết ngắm một cách thích thú.
Khi lớn lên và trưởng thành cũng là lúc giống gà Móng bản địa vang tiếng thơm xa, người tiêu dùng rất ưa chuộng bởi chất lượng thịt thơm ngon của nó, thế nên bác đã cùng gia đình quyết định chuyên nuôi và sản xuất giống gà Móng để cung cấp cho thị trường.
Bác nuôi gà theo hình thức lấy trứng ấp, vừa bán giống vừa lấy giống nuôi, khi gà trưởng thành sẽ chọn những con mái, con trống đạt tiêu chuẩn để làm giống, còn gà mái, gà trống không đạt chỉ tiêu để bán gà thịt.
Trước đây, trung bình mỗi năm bác thường nuôi khoảng 100 con gà sinh sản, lấy trứng ấp để bán giống cho các nơi có nhu cầu.
Người có kinh nghiệm thì mua trứng về tự cho ấp, người ít kinh nghiệm thì mua con giống về nuôi cho đảm bảo tỷ lệ sống. Khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, để ấp trứng được nhiều, bác đã dùng con gà Tây (gà gô) ấp và mỗi lần số lượng cũng được 100 quả/mẻ.
Đến khi con rể bác đi học và đầu tư mở lò ấp trứng bằng máy, hơn chục năm nay bác đều gửi trứng sang lò để ấp, giúp tỷ lệ ấp đạt cao mà không vất vả.
Trung bình mỗi năm gia đình bác sản xuất 1.500 con gà giống với giá bán trung bình 15.000 đồng/con.
Đặc biệt tháng 8, tháng 9 gà giống được giá lên tới 35.000 - 60.000 đồng/con 3 tuần tuổi, do nhu cầu nuôi chuẩn bị phục vụ tết Nguyên đán.
Tính đến nay, bác đã có 20 năm trong nghề nuôi và sản xuất giống gà Móng, nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Bác chia sẻ, việc chọn gà mái làm giống phải rất khắt khe, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Bác thường tự chế biến thức ăn cho gà bằng cách trộn hỗn hợp ngô nghiền, cám, cá mại, rau cỏ với men rượu.
Để tránh thời tiết bất thuận và để bán giống ở thời điểm được giá thì cần hãm đẻ trứng bằng cách cho gà ăn vừa phải, lúc này chỉ cần cung cấp dinh dưỡng để duy trì sự sống.
Để có những quả trứng cho giống chất lượng hiệu quả, bác chỉ khai thác cho gà mái đẻ gần 1 năm là loại thải bán thịt.
Nắm bắt được đặc điểm của gà Móng không được nhốt hoàn toàn nên bác đã làm chuồng cao ráo, thiết kế các sàn bằng tre, lứa, trồng cây tạo tán râm mát, tạo sân chơi thẳng ngay với cửa chuồng quây lưới chia ô cho gà chạy nhảy.
Khi gà vào đẻ, bác cho ghép 3 - 4 con trống với 20 con gà mái…
Đặc biệt chăn nuôi phải áp dụng biện pháp an toàn sinh học như vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc, bảo hộ chăn nuôi, tiêm phòng dịch bệnh đúng quy định…
Bác Xưởng (người mặc áo thun trắng dài tay) giới thiệu về gà Móng Tiên Phong của gia đình
Là người giàu kinh nghiệm và tâm huyết nuôi gà giống Móng, đồng thời tích cực, mạnh dạn đưa tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, năm 2014, gia đình bác được Viện Chăn nuôi;
Trung tâm Khuyến nông chọn làm mô hình chăn nuôi gà Móng trên nền đệm lót sinh học với quy mô trên 500 con.
Nhờ những ưu điểm của đệm lót đã giúp đàn gà của gia đình bác sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, không bệnh dịch, cải thiện đáng kể môi trường xung quanh. Bác Xưởng tâm sự:
“Anh, chị thấy đấy, chuồng nuôi gà hàng trăm con trên nền đệm lót sinh học gần ngay trước mặt mà không shề nặng mùi như chăn nuôi truyền thống, mà lại cũng không vất vả.
Trước đây thay vì hàng ngày phải lọ mọ dọn dẹp, thau rửa, thì nay với đệm lót sinh học chỉ cần dọn chuồng 6 tháng một lần, giảm công lao động cho gia đình, dành thời gian cho những việc khác”.
Năm 2014, bác Xưởng vinh dự được chọn là một trong những hộ điển hình tham gia Hội thi Người chăn nuôi gia cầm giỏi vùng Đồng bằng sông Hồng do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối kết hợp tổ chức.
Related news
Đã 10 ngày nay, tại cửa khẩu Tân Thanh, không có lô hàng hoa quả nào nhập vào Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật vùng 7 cho biết.
Trong 2 tháng qua, cơ quan chức năng 7 tỉnh miền Trung đã kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp, cá nhân hơn 350 triệu đồng vì vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón.
Nuôi rắn mối thành công, anh Thuyết tiếp tục xây chuồng nuôi rắn hổ hành bằng phương pháp khá đơn giản, nhưng có giá bán lên tới 400.000 đồng mỗi kg thịt thương phẩm.
Ngày 10/6, Chi cục thủy sản Ninh Bình đã tổ chức đoàn đi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án “Hỗ trợ sản xuất giống cua năm 2014” tại huyện Kim Sơn, cùng đi có các đồng chí lãnh đạo huyện Kim Sơn và các hộ thực hiện dự án tại các xã của huyện Kim Sơn.
Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 145 nghìn tấn, tăng 3,46% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng đạt khoảng 6,7 nghìn tấn, tăng 4,26% so cùng kỳ. Ước 6 tháng giá trị sản xuất ngư nghiệp của địa phương này đạt khoảng 1.275 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch, tăng 4,91%.