Đồng Tháp Khổ Vì... Lúa Đầy Đồng

Sau khi giá lúa nhích lên được vài ngày, mấy ngày qua giá lúa đã liên tục giảm trở lại. Nhiều nông dân, dù đã nhận tiền đặt cọc của thương lái nhưng vẫn không bán được lúa.
Vợ chồng chị Lý Thị Kim Phúc ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) vừa thu hoạch 13 công lúa Jasmine, sản lượng khoảng 13 tấn. Lúa trúng mùa nhưng tâm trạng của chị Phúc chẳng vui tí nào vì vợ chồng chị đang phải vất vả lo lắng với số lúa có được.
Thấy lúa chín, thương lái đến hỏi mua, chị đồng ý bán với giá 4.800 đồng/kg lúa tươi, sau đó nhận hơn 2 triệu đồng tiền mặt và hẹn thương lái 7 ngày sau đến cân. Ngày 24/3, vợ chồng chị Phúc thu hoạch lúa, vô bao chất thành đống cho thương lái đến cân nhưng chờ hoài không thấy, liên lạc với thương lái thì thuê bao phía bên kia... ngoài vùng phủ sóng. Gia đình chị phải thay phiên nhau ra đồng ngủ giữ lúa.
Chị Lý Thị Kim Phúc cho hay: “Vợ chồng tôi phải canh giữ lúa ngoài đồng hai ngày đêm rồi. Lái hẹn sáng mai cân lúa nhưng không biết có cân không. Lúa để trên đồng giờ đã khô hết rồi. Bán lúa tươi mà thành bán lúa khô”. Thở dài rồi chị Phúc nhẫm tính: “Vụ này làm trúng mùa nhưng không có lãi. Tiền mướn đất hết 3 triệu đồng/công/năm, rồi tiền phân, thuốc nữa”.
Gần đống lúa của chị Phúc là đống lúa cao ngất ngưỡng của bà Chế Thị Thưa (74 tuổi) ngụ cùng xã Bình Thành. Gia đình bà Thưa có 4 công ruộng, trồng lúa giống OM 6976 được thương lái bỏ cọc với giá 4.600 đồng/kg lúa tươi. Làm lúa xong, đến ngày hẹn cân lúa nhưng thương lái vẫn biệt tăm.
Gia đình đơn chiếc, sợ lúa bị lấy trộm, đã hai đêm liền bà mang cơm nước ra đồng ăn để giữ lúa. Bà Thưa than thở: “Tôi làm lúa lâu rồi, chưa thấy có năm nào bán lúa cực khổ như năm nay”.
Tình cảnh của ông Lê Văn Trí ở gần đó còn khổ hơn. Làm 2 công lúa giống OM 6976, thu hoạch hơn 2 tấn lúa. Đến ngày thu hoạch, gia đình ông kêu bán nhưng thương lái không chịu mua vì chê số lượng lúa của ông quá ít, vận chuyển tốn kém. Không bán được lúa tươi, vợ chồng ông Trí đành phải chuyển lúa về nhà phơi với tâm trạng nặng trĩu.
Sau khi tăng giá trong vài ngày, từ ngày 21/3 đến nay giá lúa đã liên tục sụt giảm. Đến ngày 27/3, tại huyện Thanh Bình, giá lúa IR 50404 chỉ còn 4.300 đồng/kg; giá lúa OM 6976 chỉ còn 4.500 đồng/kg và nhiều người lo ngại có thể giá lúa sẽ tiếp tục giảm nữa.
Là một tỉnh nông nghiệp, cây lúa còn chiếm ưu thế về diện tích và sản lượng nên tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm làm sao để người trồng lúa có lãi. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều động thái để góp phần nâng cao giá lúa cho người dân, tuy nhiên do còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau nên giá lúa vẫn chưa được như mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp từng thốt lên rằng: “Đồng Tháp khổ vì lúa đầy đồng” với Đoàn công tác Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi về công tác tại tỉnh mới đây. Câu nói trên của ông Nguyễn Văn Công đã nói lên tâm trạng không riêng cá nhân ông mà còn nói thay tình cảnh người nông dân của tỉnh phải đối mặt.
Related news

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã mạnh dạn triển khai thực hiện mô hình trồng bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế cao.

Trạm Bảo vệ thực vật Tân Thành (Bà Rịa Vũng Tàu) đã thực hiện mô hình “Phòng trừ sâu đục trái bưởi bằng biện pháp bao trái” tại HTX bưởi da xanh Sông Xoài. Khi sử dụng biện pháp bao trái 30 - 45 ngày sau đậu trái thì hạn chế được những đối tượng gây hại, đồng thời làm tăng số trái loại 1 và loại 2, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế.

Theo ghi nhận tại xã chuyên canh Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), sầu riêng đang vào vụ có giá giảm mạnh gần 40% so với mùa sầu riêng năm vừa qua. Nếu giá sầu riêng vào đầu vụ khá cao (70.000 - 80.000 đồng/kg) thì hiện nay giá thương lái thu mua chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg đối với loại I và khoảng 25.000 - 30.000 đồng đối với loại II.

Dự án thành công sẽ góp phần tạo việc làm và ổn định đời sống cho trên 10.000 lao động địa phương.

Thông tin trong thời đại hiện nay không thể nói là khan hiếm và khó cập nhật. Nhưng sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản đều có tính thời vụ nhiều nên việc cập nhập không kịp thời khiến người sản xuất không nắm được tín hiệu của thị trường để chủ động điều tiết. Doanh nghiệp được trông đợi là người chắp mối giữa thị trường và sản xuất.