Phát triển cây cao su ở huyện Cam Lộ
Năm 2008, diện tích cây cao su của huyện Cam Lộ có 1.984 ha, trong đó diện tích được trồng theo chương trình 327 là 467 ha, cao su tiểu điền 351 ha, cao su đa dạng hóa 1.166 ha, trong đó diện tích đưa vào khai thác đạt khoảng 860 ha. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Đề án số 04/ĐA - UBND về phát triển cây cao su giai đoạn 2008 - 2010, có tính đến năm 2015.
Mục tiêu của đề án là từng bước khắc phục những hạn chế về tính độc canh, nhịp độ tăng trưởng thấp và không ổn định, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên nên mức độ rủi ro cao, tỷ trọng sản phẩm hàng hóa chưa nhiều và chất lượng thấp; chưa chủ động nguồn giống tại chỗ; công tác quy hoạch, kế hoạch chưa được quản lý chặt chẽ, còn chồng chéo giữa các ngành, địa phương; các chính sách, giải pháp tầm vĩ mô còn mang nặng tính hành chính, chưa giải quyết kịp thời mối quan hệ giữa quy hoạch rừng trồng với cây cao su, các chính sách hỗ trợ đầu tư...
Tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa; mở rộng diện tích cao su, tập trung trồng mới 600 ha cao su để nâng diện tích loại cây này của địa phương lên 2.500 ha.
Với những cơ chế, chính sách cụ thể của đề án và sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các ngành chức năng, chính quyền các xã và đồng thuận, tích cực hưởng ứng của nông dân, từ năm 2008 - 2010, toàn huyện đã trồng mới được hơn 870 ha cao su, vượt trên 200 ha so với chỉ tiêu đề ra của đề án.
Kết quả này đã góp phần tích cực vào việc khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai vùng gò đồi, đưa cao su trở thành sản phẩm hàng hóa có quy mô ngày càng lớn, giá trị kinh tế cao của địa phương. Thực tế này cũng cho thấy, trong điều kiện khó khăn và hạn chế về nguồn lực đầu tư nhưng nếu có cách làm tốt, bám sát thực tiễn của địa phương và nhu cầu của thị trường thì vẫn xây dựng và thực hiện thành công các chủ trương, giải pháp về phát triển kinh tế nông nghiệp.
Từ những kết quả đạt được của đề án phát triển cây cao su giai đoạn 2008 - 2010, ngày 25/11/2011, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lộ ban hành Kết luận số 28 - KL/HU về nhiệm vụ, giải pháp phát triển cây cao su giai đoạn 2011 - 2015, trong đó đề ra chủ trương kiên trì chọn hướng phát triển cao su tiểu điền theo vùng tập trung chuyên canh có quy mô, bền vững. Phát triển các vùng cao su theo quy hoạch nhằm tạo ra vùng sản phẩm hàng hóa có quy mô ngày càng lớn, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Trong thực hiện phải xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn trên cơ sở chuyển đổi hợp lý một phần diện tích rừng tự nhiên sản lượng, hiệu quả kinh tế thấp; rừng sản xuất, đất chưa sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện sang trồng cao su. Chuyển hướng đầu tư phát triển cao su từ việc hỗ trợ trực tiếp cho hộ sản xuất qua hỗ trợ phát triển vùng như quy hoạch vùng cao su có quy mô từ 100 ha trở lên; từng bước hỗ trợ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi cho toàn vùng; hỗ trợ thiết kế lô, thửa và xây dựng vành đai bảo vệ, chắn gió.
Đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và dạy nghề cho nông dân; lồng ghép các nguồn lực đầu tư, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thông qua các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cao su. Tập trung xây dựng các điểm, vùng sản xuất, cung ứng giống cây cao su trên địa bàn. Phát triển mới khoảng 1.500 ha, nâng diện tích cao su của địa phương đạt 4.300 ha vào năm 2015.
Qua hơn 4 năm thực hiện chủ trương này, toàn huyện đã phát triển mới thêm 866,5 ha cao su, đưa diện tích cao su trên địa bàn lên 4.246 ha, trong đó diện tích cao su tiểu điền là 3.401 ha, diện tích đưa vào khai thác 2.081 ha, năng suất mủ DRC bình quân đạt 12 tạ/ha, sản lượng trên 2.500 tấn/năm. Công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng được thực hiện đến các vùng tập trung trên 700 ha; phát triển cây cao su theo kế hoạch, quy hoạch tổng thể với quy mô tập trung từ 1 ha/hộ trở lên...
Với đặc điểm của một địa phương vùng trung du, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cả về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, việc chọn cao su làm cây trồng chủ đạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và tính bền vững trong sản xuất là một chủ trương, giải pháp đúng đắn, hiệu quả của huyện Cam Lộ. Thực tiễn cho thấy, từ hiệu quả kinh tế của cây cao su, rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu; nhiều diện tích đất hoang hóa, canh tác hiệu quả thấp được khai hoang phục hóa, chuyển đổi để phục vụ sản xuất; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, diện mạo nông thôn có bước chuyển biến tích cực.
Cùng với những kết quả đạt được, phát triển cây cao su ở huyện Cam Lộ thời gian qua vẫn có những hạn chế, nhất là vấn đề phát triển nhanh nhưng hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm, chưa ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, khai thác. Ở một số vùng, việc phát triển cao su thiếu quy hoạch, định hướng, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư dẫn đến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và kém hiệu quả, có nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến quy hoạch tổng thể về cơ cấu cây trồng của huyện. Ở nhiều thời điểm, người trồng cao su vẫn gặp không ít khó khăn do thị trường sản phẩm này giá cả không ổn định, biến động khó lường.
Những kết quả đạt được và hạn chế, khó khăn trong phát triển cây cao su ở huyện Cam Lộ thời gian qua đặt ra vấn đề là muốn thực hiện đạt kết quả cao việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa nếu chỉ có chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn, sát thực của cấp ủy, chính quyền là chưa đủ mà cần phải có sự đồng thuận, tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân cũng như các giải pháp ở tầm vĩ mô để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.
Related news
Nhờ được vay vốn không phải trả lãi, nhiều hộ ND ở Hải Dương đã có điều kiện mua máy cày, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp, ô tô tải nhẹ...
Với sự năng động, dám nghĩ dám làm và bằng kiến thức tích lũy được qua tìm tòi, nghiên cứu, anh Trần Văn Biên ở thôn Bình Tiến, xã Phước Minh (Bù Gia Mập - Bình Phước) đã có một trang trại nuôi ong mật quy mô lớn, đem lại nguồn thu không dưới 400 triệu đồng mỗi năm.
Ngày 4/6/2013, tại khu nuôi tôm công nghiệp 200 ha ấp Long Thạnh, xã Long Toàn, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Duyên Hải và bà con ngư dân xã Long Toàn tham dự tổng kết Mô hình trình diễn nuôi cá chẽm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp.
Ông Phạm Quang Tuyến (sinh năm 1960) ngụ ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã chuyển đổi thành công việc nuôi cá lóc và thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp. Mô hình hứa hẹn nhiều khả năng nhân rộng trong thời gian tới...
Những ngày qua ở Phú Yên tại các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, người dân đổ xô đi chặt cây sắn bán cho thương lái. Cách đây 2 năm, cảnh mua bán cây sắn cũng diễn ra rầm rộ, làm cho nhiều nơi không có sắn giống trồng dặm. Lo ngại nhất hiện nay, nếu các cấp chính quyền không kịp thời ngăn chặn tình trạng này, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên cây sắn sẽ xảy ra.