Cảnh Báo Nuôi Tôm Theo Phong Trào
Thời gian gần đây, khi giá tôm thẻ chân trắng tăng cao thì nhiều hộ dân ở các xã ven biển huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã ồ ạt đào hồ nuôi tôm, bất chấp sự khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành chức năng.
Những ngày này, đi về vùng biển Bình Hải, Bình Thuận, Bình Thạnh (Bình Sơn), dễ dàng nhận ra tình trạng người dân đua nhau đào hồ nuôi tôm phủ bạt ngày càng nhiều, thậm chí là dỡ núi, phá rừng, đào hồ trong vùng đất quy hoạch để nuôi tôm.
Phá rừng làm hồ nuôi tôm
Khu vực Gành Sâu thuộc thôn Phước Thiện, xã Bình Hải lâu nay người dân có đất ở khu vực này thường trồng cây phi lao (cây dương liễu). Tuy không đem lại giá trị kinh tế cao, nhưng những cánh rừng phi lao dọc bờ biển này có tác dụng rất lớn trong việc chắn gió, giữ đất. Vậy mà giờ đây, trước sức hút của con tôm người dân đã chặt phá hết cây, thuê xe máy đào, máy ủi bạt rừng để lấy đất đào hồ nuôi tôm.
Bà Trương Thị Vân, ngụ thôn Phước Thiện cho biết: “Trước giờ gia đình tôi chỉ làm nghề đi biển, nhưng bây giờ thấy người ta nuôi tôm nhiều quá nên tôi cũng thuê đất đào hồ nuôi tôm. May nhờ đây là đất trồng rừng của ông cậu nên tôi thuê được giá rẻ với 9 triệu đồng/năm mà được gần 4 sào đất. Tuy chưa thả nuôi nhưng chúng tôi đã đầu tư 500 triệu đồng để làm đất và đào hồ rồi. Nếu bỏ giống nữa thì chi phí tăng lên 700 - 800 triệu đồng. Cầu mong con tôm được mùa, được giá để có tiền trả nợ cho ngân hàng”.
Không có đất, người dân xã Bình Hải dỡ cả núi và vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để nuôi tôm. Do nguồn vốn bỏ ra quá lớn. Có hồ nuôi đầu tư đến cả tỷ đồng nên nhiều hộ cùng hùn vốn để làm chung. Một số người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Bình Hải cho hay: Sở dĩ năm nay bà con ở đây “đua” nhau đào hồ nuôi tôm là vì thấy có hộ trong xã năm ngoái nuôi đạt quá, chỉ có một năm nuôi tôm mà đã thu lãi cả tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hai – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: Trước đây người dân ở Bình Hải chưa từng nuôi tôm. Vậy mà thời gian gần đây bỗng xảy ra tình trạng người dân đổ xô đào hồ nuôi tôm phủ bạt. Việc phát triển nuôi tôm ồ ạt như thế này là không bền vững. Tuy có hiệu quả trước mắt, nhưng về lâu dài là nguy cơ thất bát khó lường. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần khuyến cáo, phân tích rủi ro và đưa ra những bài học về con tôm mà nhiều nơi đã vấp phải. Tuy nhiên, trước hiệu quả kinh tế mà con tôm mang lại thì người dân vẫn “mê” nuôi tôm.
Hồ tôm "chen" vùng quy hoạch
Mặc dù biết đất đang nằm trong vùng quy hoạch của Khu Kinh tế Dung Quất, nhưng một số hộ dân ở Bình Hải vẫn chấp nhận phạm luật để đào hồ nuôi tôm. Việc nuôi tôm một cách ồ ạt, theo kiểu phong trào này tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất bát, thua lỗ và phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên, nhiều nông dân chỉ vì cái lợi trước mắt mà bất chấp tất cả.
Hiện tại, toàn bộ diện tích đất chạy dọc theo bãi tắm Thanh Thủy đã biến thành các hồ nuôi tôm lớn. Một khi người dân thả tôm vào các hồ nuôi thì con đường thải nước duy nhất là ra biển. Không ai có thể đảm bảo rằng, môi trường sẽ không bị ô nhiễm…
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hai - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết thêm: “Việc người dân tự ý nuôi tôm trong vùng quy hoạch là sai quy định. Vì vậy ngay sau khi có thông tin, xã cũng đã có biện pháp xử lý, xử phạt hành chính đối với những hộ dân trên. Tuy nhiên, sau đó người dân vẫn lén lút làm, vượt “tầm kiểm soát” của địa phương. Trước tình hình phát triển nóng này, xã đã báo cáo lên UBND huyện để xin hướng giải quyết.
Giá đất tăng theo hồ tôm
Phong trào nuôi tôm diễn ra rầm rộ. Những hộ có đất rừng thì phá bỏ làm hồ nuôi tôm. Một số hộ không có đất thì cũng đua nhau thuê đất, mua đất để đào hồ thả tôm... bằng mọi hình thức, miễn sao có hồ nuôi tôm là được. Chính điều này đã làm cho giá đất tăng vọt, đồng thời chi phí đầu tư cho việc nuôi tôm của nhiều hộ tăng theo.
Theo người dân xã Bình Hải thì trước đây khu vực Gành Sâu thuộc thôn Phước Thiện là những rừng phi lao. Đất ở đây xấu, toàn đá lại nằm sát biển nên chỉ có cây phi lao là phù hợp. Chính vì thế mà trước khi có phong trào nuôi tôm diễn ra, đất ở đây chỉ có giá trị khoảng 10 triệu đồng/sào.
Còn hiện nay giá đất đã được đội lên 70 triệu đồng/sào mà nhiều người vẫn chưa muốn bán. Như vậy để có được hồ nuôi tôm khoảng 2 sào, người nuôi phải bỏ ra khoảng 150 - 200 triệu đồng để mua đất. Đó là chưa kể các khoản chi phí khác.
Ông Nguyễn Công Sáng, chuyên thu mua hải sản ở thôn Phước Thiện cho biết: “Nhà tôi có 5 sào đất nên tôi kêu thêm một số hộ nữa hùn vốn đào hồ nuôi tôm. Đất ở đây bây giờ có giá lắm !. Nếu đi mua thì 5 sào đất của tôi cũng có giá trên 400 triệu rồi !”.
Nhiều người đã vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để đầu tư cho con tôm. Nếu tôm được mùa, được giá thì chỉ cần 2 vụ thả nuôi người nuôi tôm không chỉ trả hết nợ mà còn có dư. Thế nhưng, nếu gặp rủi ro thì người dân sẽ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Hơn nữa một khi bỏ ra vài trăm triệu để mua đất rồi mà tôm nuôi không được thì giá trị của những mảnh đất đó cũng sẽ trôi theo con tôm.
Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế từ con tôm thẻ chân trắng mang lại là rất cao. Tuy nhiên, nuôi tôm theo kiểu phong trào như ở một số địa phương ở Bình Sơn thì rủi ro rất cao. Vì vậy chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần phải có những biện pháp quản lý, kiểm tra, xử phạt đối với các hộ nuôi tôm trái quy hoạch.
Related news
Chuối là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, mấy tháng trở lại đây, giá chuối giảm liên tục đã gây khó khăn cho bà con nông dân.
Lao động cật lực để kiếm được ít đất bưng nhưng lại không thuận lợi cho việc trồng hoa màu. Ông Nguyễn Văn Tỵ ở ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã tìm đến cây măng cụt, kết quả là cây măng cụt đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2014 do UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, BCĐ Tây Bắc tổ chức giữa tháng 5 vừa qua; Dự án trồng 10 nghìn ha cao su của Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang đã được trao Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn trên 1,560 tỷ đồng.
Đậu tương là một loại cây trồng quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày của người dân và một phần làm hàng hóa. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn chưa quen với việc chuyển đổi trồng đậu tương trên đất ngô kém hiệu quả trong vụ Xuân - hè bởi lẽ loại cây này chỉ được trồng vào vụ Hè - thu.
Huyện đảo Phú Quý từ lâu đã có truyền thống nuôi thủy sản bằng lồng bè, chủ yếu là các loại hải đặc sản như cá giò, tôm hùm và cá mú... Nhưng thời điểm hiện nay do tình trạng dịch bệnh cùng với sức mua giảm nên ngày càng tạo áp lực cho bà con nuôi trồng thủy sản tại vùng đảo.