Phát Huy Hiệu Quả Sau Đầu Tư
Trong những chuyến công tác tại các xã vùng cao, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thực sự phấn khởi khi chứng kiến nhiều công trình hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho nhân dân các dân tộc. Diện mạo ấy có sự “trợ sức” không nhỏ từ chương trình mang tên 135 giai đoạn III…
Tưới mát ruộng đồng, nối liền thôn bản
Trở lại xã vùng cao Na Son (huyện Điện Biên Đông) những ngày đầu tháng 9, tiếp chúng tôi trong căn phòng khá chật chội, ông Lò Văn Khộ, Chủ tịch UBND xã say sưa nói về hiệu quả từ Chương trình 135 giai đoạn III về hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn III) được đầu tư trên địa bàn.
Ngoài các chính sách hỗ trợ về sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, thì công trình thủy lợi Na Phát A, B được đầu tư xây dựng năm 2013 như động lực giúp người dân bám đất, bám ruộng để phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Như để minh chứng cho những điều mình nói, hiệu quả công trình nhân dân được hưởng lợi, ông Khộ dẫn chúng tôi tới cánh đồng bản Na Phát cách trung tâm xã không xa. Trước mắt chúng tôi là màu xanh mướt của đồng lúa đang vào giai đoạn đứng cái, làm đòng, tuyến kênh mương được khơi thông kiên cố hóa dẫn nước về từng chân ruộng đầy ăm ắp.
Ông Khộ phấn khởi bảo: Từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn III, năm 2013, Công trình thủy lợi bản Na Phát A, B được đầu tư với trị giá 1 tỷ đồng bao gồm 1 đập đầu mối và hơn 700m kênh mương bê tông, đảm bảo nước tưới cho 3ha lúa hai vụ. Trước đây, bà con bản Na Phát A, B chỉ sản xuất 1 vụ lúa nhưng do trông vào nước trời nên năng suất bấp bênh, nhiều chân ruộng cao thường bị bỏ hoang.
Đến cuối năm 2013, việc gieo cấy toàn bộ diện tích 3ha lúa hai vụ của người dân bản Na Phát trên cánh đồng này đã trở thành hiện thực khi công trình đưa vào sử dụng. Có nước tưới đều đặn nên vụ lúa đông xuân vừa qua năng suất đạt cao và cũng nhờ có nước mà bà con không còn bỏ ruộng hoang như trước.
Cũng như công trình thủy lợi bản Na Phát A, B, công trình sửa chữa, nâng cấp thủy lợi Pá Vạt 2, 3 (xã Mường Luân); thủy lợi bản Tào La (xã Tìa Dình); thủy lợi bản Nà Nếnh C (xã Pú Hồng), thủy lợi Pú Nhi (xã Pú Nhi)… sau khi được đầu tư đã và đang dần hồi sinh những vùng đất hoang hóa, khô cằn, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng lương thực, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Còn tại Tuần Giáo - huyện có 17 xã được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn III của Chính phủ. Riêng trong năm 2013, từ nguồn vốn được phân bổ, huyện đã triển khai thực hiện 17 công trình với tổng giá trị hơn 10,6 tỷ đồng.
Để phát huy hiệu quả sau đầu tư, huyện ưu tiên lựa chọn những lĩnh vực thực sự cần thiết đầu tư trước theo nguyện vọng của nhân dân và 12 công trình đường giao thông liên thôn bản trên địa bàn được đầu tư trên tinh thần như thế.
Đi trên con đường Nà Chua - Huổi Cáy (xã Mường Mùn) gần 1km được rải cấp phối rộng rãi, ông Điêu Chính Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mùn cho biết: Việc sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này hoàn thành vào cuối năm 2013 tạo thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản, không còn phải chứng kiến đường trơn trượt, lầy lội sau mỗi trận mưa. Giờ có đường đẹp, giao thông thuận lợi, bà con phấn khởi lắm, chắc chắn cuộc sống sẽ đổi thay.
Cơ hội lớn giải quyết những vấn đề bức thiết
Chương trình 135 giai đoạn III được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 theo cơ chế rút gọn, tập trung ưu tiên đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất với các hạng mục, nội dung khá toàn diện.
Đó là ngoài hỗ trợ phát triển sản xuất, chương trình tập trung hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, công trình bảo đảm cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã, thôn, bản; duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở… Tỉnh ta hiện có 101 xã được thụ hưởng chương trình này.
Năm 2013, các xã thụ hưởng chương trình đã được đầu tư 101 công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường lớp học và các công trình phụ trợ. Với nguồn vốn trên 110 tỷ đồng được phân bổ trong năm 2014, trong đó có 83 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng 115 công trình (22 công trình tiếp chi, 93 công trình làm mới).
Ông Hoàng Quý, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Chương trình 135 giai đoạn III của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua phát huy tích cực hiệu quả sau đầu tư, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn.
Nhiều công trình hạ tầng được xây dựng giúp nhân dân các dân tộc có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Năm 2014 và năm 2015, Chương trình tăng 1,5 lần định mức vốn so với năm 2013; các năm tiếp theo được bố trí tăng phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước. Đó là cơ hội thuận lợi để triển khai thực hiện mục tiêu, ý nghĩa của chương trình.
Với nỗ lực của các sở, ngành liên quan và các cấp chính quyền trong tỉnh, sự đồng lòng, quyết tâm của nhân dân các dân tộc, tin chắc rằng phát huy thành quả của Chương trình 135 giai đoạn I, Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình 135 giai đoạn III sẽ bứt phá, để thực sự là “xương sống” của chính sách dân tộc, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh ta.
Related news
Hiện nay, mùa sầu riêng bắt đầu rộ, nhưng giá lại cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 20%, nông dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang rất phấn khởi.
Ngày 6/5, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản các tỉnh phía Bắc ngày 6-5.
Lý do bởi người ta phun nhiều quá, sâu bị nhờn thuốc không chết hoặc người bán cố tình bắt sâu thả vào rau. Còn muốn ăn rau cằn xấu ư, đơn giản thôi, chỉ cần “đánh thuốc” đậm một chút là xong.
Thời gian gần đây, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển ĐBSCL bởi thời gian nuôi ngắn, giá bán cao, thu lời nhiều... TTCT được nhiều nơi ùn ùn thả nuôi trong vụ tôm năm 2014.
Tôm mới xuống đồng chưa lâu đã bị chết trên diện rộng. Nhiều giải pháp được triển khai nhưng chưa mấy hiệu quả; nguyên nhân chính được cho là vẫn từ chất lượng con giống.