Phát Huy Hiệu Quả Mô Hình Dân Vận Khéo

Kết hợp các mô hình “Dân vận khéo” để huy động sức dân trong phát triển kinh tế được phường Tân Thành, TP Cà Mau, coi là chìa khoá thành công trong công tác xoá đói giảm nghèo, đưa kinh tế phát triển xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương.
Được thành lập từ năm 2009, trên cơ sở tách ra từ xã Tân Thành, với đặc thù nuôi cá, trồng lúa và làng nghề dệt chiếu đã tạo nên những nét riêng của phường Tân Thành. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển con cá chình, cá bống tượng, hiện nay địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình đa canh mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo ông Phan Minh Thuý, Chủ tịch Hội Nông dân phường, mô hình đa canh xuất hiện từ những năm 2002, thế nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao do nông dân chưa nắm bắt, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Qua 6 năm, với sự chỉ đạo của cấp uỷ, sự giúp đỡ của Hội Nông dân thành phố, sự chung tay vào cuộc của các đoàn thể, mô hình Cánh đồng 70 triệu đồng/ha/năm xuất hiện. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự thay đổi tư duy canh tác của người nông dân.
Từ 19 ha ban đầu, thu hoạch bình quân khoảng 82 triệu đồng/ha, sau 4 năm “Cánh đồng 70 triệu” của nông dân có mức thu nhập bình quân trên 115 triệu đồng/ha/năm.
Đồng chí Huỳnh Thanh Phát, Trưởng Ban Dân vận, cho biết: Phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đã được triển khai sâu rộng tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực và lực lượng làm công tác vận động quần chúng; tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.
Sau nhiều năm triển khai mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, điều quan trọng rút ra là: để kinh tế phát triển ổn định, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao thì cần quan tâm đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân.
Không phải chờ đến lúc lúa trổ bông, cá phát triển… những mô hình này mới được đưa vào áp dụng đại trà mà bắt đầu từ khi có chủ trương, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đã xuống từng nhà, vận động, giải thích cho bà con thấy được cái hay của phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học - công nghệ tạo bước chuyển rõ rệt trong thu nhập và đời sống của bà con.
Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của phường hiện nay còn 4,29%, nhà ở kiên cố, bán kiên cố chiếm gần 90%. Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; chương trình “5 không, 3 sạch”... được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực.
Ông Cao Ngọc Ngỡi, hội viên CLB “Cánh đồng 70 triệu”, chia sẻ: “Nhờ có cán bộ đến vận động, tuyên truyền cách làm khoa học, đưa giống mới, kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi mà gia đình tôi có thể duy trì cho các con được học hành đến nay.
Ngoài thế mạnh của con cá chình, cá bống tượng, gia đình còn tận dụng bờ ao trồng hoa màu. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài nên kinh tế mới ổn định”. “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế đã giúp người dân “mắt thấy, tai nghe”. Từ đó, mở ra hướng tư duy mới giúp họ chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
“Có thể khẳng định, công tác dân vận trong vận động quần chúng đã tạo sự đồng thuận cao trong nội bộ Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, tạo thêm sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra”, đồng chí Huỳnh Thanh Phát khẳng định.
Related news

7 tháng đầu năm 2014, lượng hoa quả NK từ Trung Quốc ước giảm tới 50% so với cùng kỳ nhiều năm. Thay vào đó, hoa quả NK từ các thị trường có chất lượng cao đang có xu hướng tăng mạnh.

Bình Định là tỉnh có phong trào trồng rừng SX khá mạnh, hiện trên địa bàn tỉnh này có đến 105.000 ha rừng trồng, hằng năm khai thác từ 8.000-10.000 ha.

Ngoài việc cung cấp cho thị trường nội địa thông qua hệ thống siêu thị Co.opmart, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Anh Đào Co.op) vừa đưa thành công 2 container rau xà lách Mỹ sản xuất tại Đà Lạt sang Hàn Quốc với giá trên 1 đô la Mỹ/kg, cao hơn thị trường nội địa 15%.

Với gần 24.000 ha, cây ngô đang là một trong những cây chủ lực trong kinh tế nông nghiệp của huyện Sông Mã - Sơn La, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Với đặc điểm thời tiết nắng nóng, về mùa hè, các loại rau ôn đới như su hào, cải bắp, súp lơ, các loại cải… trên thị trường Hà Nội trở nên khan hiếm, có cầu mà không có cung.