Phập phồng trước mùa tôm
Ông Nguyễn Thọ ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) xót xa khi rơi vào cảnh tôm nuôi đạt năng suất cao mà vẫn lỗ. “Một cú sốc mà tôi và những hộ nuôi tôm nhớ đời là bị tư thương “lừa”, ép giá một cách trắng trợn. Các lái buôn bảo ngay trong đêm phải xả nước trong hồ cho cạn để sáng sớm tiện thu mua. Nghe lời của lái buôn, bà con xả nước, sáng sớm ngủ dậy thì thấy tôm nổi bập bềnh, chết rất nhiều vì thiếu ô xi. Thế là lái buôn có cớ để ép giá vì tôm chết”, ông Nguyễn Thọ bần thần nhớ lại.
Giá bao nhiêu cũng phải bán
Vụ tôm mới đây nhất (đầu năm 2015), hộ ông Võ Thanh ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải thả 60 vạn tôm giống có giá trên 50 triệu đồng, nuôi trên diện tích khoảng 2.500m2. Chi phí thức ăn trong ba tháng khoảng 300 triệu đồng, cộng với các khoản tiền điện, thuốc men, thuê nhân công trên 50 triệu đồng và một số khoản chi phí khác; tổng cộng cũng ngót nghét 500 triệu đồng. Ông Thanh chia sẻ: “Vụ vừa rồi “may mắn” không dịch bệnh, sản lượng khá cao trên 5,5 tấn. Nhưng vì giá tôm thấp nên lãi chẳng là bao”. Ông Thanh nhẩm tính: “Bình quân mỗi kg tôm trong vụ vừa qua chỉ 100 ngàn đồng. Với chừng 5,5 tấn tôm chỉ bán được 550 triệu đồng, trừ chi phí chỉ lãi 50 triệu đồng”.
Ông Hồ Quỳnh ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải trăn trở: “Kể từ vụ nuôi đầu tiên đến nay, người nuôi tôm vẫn luẩn quẩn việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay vẫn chưa có một doanh nghiệp, công ty nào đứng ra hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân. Bà con chủ yếu tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng hầu như các lái buôn nào cũng tỏ ra “chảnh”: “Bán thì mua, không bán thì thôi”. Họ còn “chê ỏng chê eo” tôm nhỏ, chất lượng thấp để hạ giá… Đường cùng, người dân phải bán để trả nợ tiền mua thức ăn, con giống, chi phí điện nước, chấp nhận lãi thấp, thậm chí thua lỗ”. Từ khi chuyển sang nuôi tôm chân trắng cách đây vài năm, dù có vụ năng suất đạt cao gấp rưỡi, gấp đôi tôm sú nhưng lãi vẫn không đáng bao nhiêu. Giá tôm chân trắng vụ vừa rồi bình quân chỉ 90 - 100 ngàn đồng/kg. Theo ông Quỳnh, giá tôm phải từ 130 ngàn đồng/kg trở lên thì may ra mới có lãi, tương xứng với mức đầu tư lớn.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 658 ha nuôi chuyên tôm, sản lượng bình quân 7.600 tấn; gần 4.000 ha nuôi xen ghép tôm và các đối tượng thủy sản khác. Đáng chú ý là diện tích nuôi tôm chân trắng khoảng 424 ha, chủ yếu ở vùng cát huyện Phong Điền. Năng suất tôm chân trắng đạt rất cao, bình quân 10 tấn/ha, sản lượng đạt trên 6.000 tấn, chiếm khoảng 80% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh. Năng suất, sản lượng tuy cao, nhưng người nuôi thu lãi chẳng là bao. Trên địa bàn tỉnh có 3 - 4 doanh nghiệp lớn thu mua và chế biến thủy sản, nhưng không có đơn vị nào trực tiếp thu mua sản phẩm của người dân. Hầu hết, các hộ nuôi đều bán cho các lái buôn, đại lý nhỏ lẻ, qua nhiều khâu trung gian mới đến các doanh nghiệp nên giá tôm tại chỗ thường rất thấp. Tại vùng nuôi tôm chân trắng của người dân huyện Phong Điền có đến khoảng 150 ha, nhưng chỉ có một vài đại lý thu mua, riêng các xã Phong Hải, Điền Hòa… có gần 100 ha nhưng chỉ có duy nhất một đại lý thu mua. Vì “độc quyền” nên các lái buôn, đại lý thu mua hô giá bao nhiêu, người dân cũng phải bán.
Điều kiện khắt khe
Một người buôn thu mua tôm trên cát
Cứ sắp đến vụ thu hoạch, người nuôi tôm trên cát lại lo đầu ra cho sản phẩm. Ông Nguyễn Hải Đăng ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải thừa nhận: “Thua lỗ vì dịch đã đành, những vụ được mùa cũng bị lỗ, hoặc lãi rất ít vì đầu ra bấp bênh, giá tôm thấp, có thời điểm chỉ còn 70 - 80 ngàn đồng/kg. Trong khi tại một số tỉnh phía Nam, giá tôm chân trắng đầu năm 2015, bình quân 110 ngàn đồng/kg loại 80 con, còn ở Thừa Thiên Huế, các lái buôn chỉ mua 90 - 100 ngàn đồng…
“Thua lỗ triền miên, nhưng bà con chúng tôi “không có đường lùi”, quyết tâm nuôi tôm để gỡ gạc nợ nần, đành “đâm lao, theo lao”. Cách vài vụ, chỉ cần trúng một vụ, cộng thêm tôm “được giá” thì chắc chắn có lãi, trả được nợ”, ông Đăng chia sẻ.
Từ khi trên địa bàn huyện Phong Điền có Công ty CP, người nuôi tôm hy vọng đầu ra con tôm được giải quyết, nên mở rộng diện tích nuôi tôm. Đến nay, diện tích nuôi tôm trên cát của người dân ở vùng Ngũ Điền khoảng 150 ha, riêng xã Phong Hải chiếm 70 ha... Tuy nhiên, công ty có các điều kiện khắt khe, như phải mua thức ăn, con giống tại công ty, trọng lượng tôm nuôi phải đạt 60 con/kg mới được thu mua. Trong khi đó, vì nhiều lý do, người dân không mua giống, thức ăn của Công ty CP, tôm nuôi lại đạt trọng lượng không đảm bảo yêu cầu nên không được thu mua.
Ông Nguyễn Viết Từ, nguyên Chủ tịch UBND xã Phong Hải, có 5 hồ nuôi tôm trên cát cũng trăn trở về đầu ra sản phẩm, giá tôm thấp. Ông Từ cho biết, riêng tại xã Phong Hải, bình quân mỗi vụ đạt hàng ngàn tấn tôm thương phẩm, nhưng chỉ một lái buôn thu mua-người dân thường gọi là “doanh nghiệp Bé Thọ”. Nhiều hộ nuôi khác ở vùng cát Điền Hòa, Điền Lộc, Điền Môn… cũng chủ yếu bán cho lái buôn này. Theo tìm hiểu từ người dân, vì chỉ có một tư thương duy nhất nên người dân không có sự “lựa chọn”nào khác. Nhiều hộ nuôi cho biết, các vùng nuôi tôm trên cát cũng từng có một vài lái buôn ở Quảng Trị vào thu mua tôm, giá thường cao hơn “doanh nghiệp Bé Thọ”. Nhưng họ cũng chỉ thu mua được một vài vụ rồi “mất hút”. Thị trường tiêu thụ không có sự cạnh tranh lành mạnh nên quyền lợi người nuôi tôm vẫn phập phù…
“Để đảm bảo có lãi và phát triển bền vững, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần tạo mối liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa người nuôi tôm và các doanh nghiệp. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân và phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững. Làm được điều này, cần sự vào cuộc, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành cấp trên, chính quyền địa phương, trong việc liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp…”. Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh Nguyễn Minh Đức
Related news
Năm nay là năm thứ 4 nông dân ở các xã vùng ngập mặn, ven biển huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh tiếp tục thu được lợi nhuận cao từ mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cua biển. Với diện tích bình quân 1 ha nuôi tôm sú kết hợp với cua biển, nông dân có thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng.
Theo khung lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản 2015 của Sở NN & PTNT, hiện nay là vụ nuôi chính thứ 2 của năm. Tuy nhiên, tại các vùng nuôi trọng điểm người dân do lo ngại dịch bệnh trên tôm tái phát nên chỉ thả nuôi cầm chừng, nhiều nơi vẫn còn “treo” ao.
Đánh giá từ cơ quan chức năng thì nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thiếu tính bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là rủi ro về dịch bệnh. Những rủi ro này một phần nguyên nhân do nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh chưa chủ động được về nguồn giống, từ số lượng đến chất lượng giống. Trước thực trạng đó, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm, nâng cấp, mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất giống hiện có trên địa bàn tỉnh là giải pháp cho việc giải bài toán về con giống cho nghề nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Ngày 24/7/2015, tại hội trường UBND xã Ngũ Lạc - huyện Duyên Hải, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh, Hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh kết hợp Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học về kỹ thuật sản xuất lươn giống và nuôi lươn thương phẩm cho gần 50 bà con nông dân ở hai huyện, Duyên Hải và Cầu Ngang. Tham gia buổi hội thảo có ông Phạm Nam Dương, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh, Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Duyên Hải.
Cách đây 10 năm, nhận thấy heo rừng dễ nuôi, nguồn thức ăn cho chúng chủ yếu từ thiên nhiên, cựu chiến binh Chung Văn Tuấn, ngụ xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã quyết định chọn nuôi và ông đã thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi này.