Ông Tùng nuôi trùn quế có lãi
Sau nhiều năm trông coi trang trại nuôi trùn quế ở huyện Đông Hòa, ông Tùng đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Gần đây, ông mở trang trại nuôi trùn quế ở khu phố 1, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) với diện tích 500m2. Trang trại của ông được làm đơn giản hơn những trang trại khác, chủ yếu che bằng bạt và tôn xi măng.
Ông tận dụng những cây tre để lợp mái, rồi phủ bạt lên mái và các cạnh của ô nuôi trùn để trùn có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường ẩm ướt. Ông Tùng cho hay, lúc đầu ông mua phôi giống và ấu trùng tại Công ty TNHH Sao Xanh ở thôn Nam Bình, xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) với giá 8.000 đồng/kg phôi giống và 100.000 đồng/kg ấu trùng.
Sau thời gian cấy nuôi, trùn phát triển rất tốt. Thức ăn chính của trùn là rơm rạ, rau… và đặc biệt là phân của các loài động vật ăn cỏ như: trâu, bò, ngựa, dê, thỏ, voi... Riêng phân gà ta, do hàm lượng lân trong phân quá cao, trùn ít ăn, nên trước khi cho trùn quế ăn, phải ủ nó với các loại phân khác. Cứ cách 3 ngày thì người nuôi cho ăn, tưới nước cho trùn một lần và kiểm tra độ ẩm trong đất.
“Muốn thử đất có đủ độ ẩm hay không, người nuôi hốt một nắm phân vắt trên tay; nếu thấy nó như chén xôi in thì đủ độ ẩm, nếu rã ra thì thiếu độ ẩm, còn nếu vắt thấy chảy nước là dư độ ẩm”, ông Tùng phân tích.
Trang trại của ông Tùng hiện có 7 người trông coi với 3 ô nuôi trùn, mỗi ô rộng khoảng 150m2. Trùn quế sau khi nuôi 1 tháng có thể thu hoạch. Trong 3 ô nuôi có 1 ô nuôi thúc để lấy thành phẩm, mỗi tháng thu được hơn 300kg trùn. Đối với 2 ô còn lại, mỗi tháng lấy trùn một lần, khoảng 150kg trùn với giá là 80.000 đồng/kg trùn tươi. Trùn quế được cung cấp cho người nuôi tôm giống và tôm post ở huyện Đông Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu và một số tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Bình Định.
Ban đầu, ông Tùng bỏ ra 20 triệu đồng để mở trang trại, sau 1 năm nuôi trùn quế, trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi tháng ông thu về 12 triệu đồng (tương đương 144 triệu đồng/năm). Sắp tới, ông dự kiến mở trang trại với quy mô rộng 1.000m2 cũng tại phường Phú Đông (TP Tuy Hòa). Không chỉ có thu nhập từ trùn quế, ông Tùng còn bán phân trùn quế. Ông Tùng cho biết, phân trùn quế bán cho các hộ dân ở làng rau Ngọc Lãng (TP Tuy Hòa) để bón rau với giá 2 triệu đồng/tấn
Theo kỹ sư Huỳnh Văn Vũ, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư TP Tuy Hòa, nuôi trùn quế cần vốn đầu tư thấp, nhưng cho giá trị kinh tế cao. Nhờ nuôi trùn quế, ông Hà Xuân Tùng đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo việc làm cho một số người khác.
Related news
Mô hình nuôi rắn ri tượng quy mô nhỏ được ông Cao Văn Hùng, ấp Tân Bửu, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), áp dụng 3 năm, cho thu nhập từ 30 - 100 triệu đồng/năm. Từ cách nuôi đơn giản, hiệu quả, ông đang mở rộng quy mô nuôi đối tượng này.
Tháng 8/2012, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) triển khai mô hình “chăn nuôi gà thả vườn” với qui mô 1.000 con ở 6 xã với 20 hộ tham gia. Trong đó, xã Hàm Hiệp có 6 hộ tham gia. Mỗi hộ được cung ứng 50 con giống gà ta lai. Nhà nước hỗ trợ 100% tiền giống, tư vấn kỹ thuật và 50% thuốc thú y, thuốc sát trùng. Sau gần 3 tháng nuôi trọng lượng gà bình quân ở 20 hộ tham gia đạt 1,3 kg/con, tỉ lệ gà sống đạt 91,05%. Với giá thị trường hiện nay khoảng 82.500 đồng/kg, mỗi lứa nuôi 50 con gà, bà con lãi gần 1,6 triệu đồng.
Trong điều kiện con tôm cho thu nhập chưa thật sự ổn định, liên tục các năm qua, huyện Đầm Dơi tăng cường phát động bà con nhân dân tận dụng đất trống, cải tạo vườn tạp để trồng rau màu. Chủ trương này được người dân trong huyện đồng tình hưởng ứng khá tốt.
Sau khi thực hiện thành công dự án "Phát triển đàn cá tra bố mẹ hậu bị tốt" Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã phát tán 5.600 cá tra bố mẹ hậu bị có lý lịch rõ ràng, ngoại hình hoàn chỉnh, không đồng huyết, cận huyết cho 3 cơ sở sản xuất cá tra bột trong tỉnh và sẵn sàng cung cấp tiếp 4.000 con cho các cơ sở sản xuất cá tra bột có yêu cầu thay đổi đàn cá bố mẹ, nhằm tạo đàn cá bố mẹ hậu bị tốt để cung cấp con giống chất lượng cao cho ngư dân thả nuôi, góp phần hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm cá tra An Giang.
200/223 hộ dân ở thôn Gò Găng, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và. Những bè cá bồng bềnh trên sông nước, những cọc hàu cắm sâu vào lòng sông đã và đang đem lại cho người dân nơi đây cơ hội kiếm sống, nuôi con ăn học, xây nhà…