Ông Tư Và Cây Bơ Giống
Hội thi “Bình tuyển cây bơ năng suất cao, chất lượng tốt năm 2014”, do Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao cây công nghiệp và cây ăn quả (NCCG CCN CAQ) Lâm Đồng vừa tổ chức, đã chọn được cây bơ “ưu tú” nhất trong tổng số 100 cây bơ ở các vùng trọng điểm trồng bơ trong toàn tỉnh gửi về dự thi.
Đó là cây bơ của ông Phạm Hoàng Lư ở thôn 6, Lộc An (Bảo Lâm). Theo ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm NCCG CCN CAQ Lâm Đồng, qua 3 lần tổ chức hội thi, đây là cây bơ đầu dòng hội tụ những đặc tính ưu việt hơn cả trong số những cây bơ đã từng được tuyển chọn.
Cây bơ của ông Phạm Hoàng Lư không chỉ được đánh giá cao ở chất lượng cơm dày, vàng, dẻo, béo; trái đẹp, mỏng vỏ… mà còn cho năng suất cao, đều và rải vụ quanh năm. Ông Lư (còn gọi là ông Tư Lư) cho biết: “Thật ra, cây bơ giống mà ông mang đi dự thi không phải là cây bơ trong vườn nhà đang trồng, mà là cây bơ của ông Nguyễn Văn Nam (còn gọi là ông Bảy - hàng xóm của ông Tư).
Sở dĩ có chuyện như thế, là do ông Bảy chỉ có duy nhất một cây bơ được trồng từ hơn 20 năm nay, xen với cà phê và chè; hàng năm, thu trái chỉ để ăn hoặc dành tặng bà con chòm xóm và người quen. Biết ông Bảy có giống bơ ngon, ông Tư đã xin giống về nhân chồi và ghép với vườn bơ hơn 200 cây từng được ông Tư mua giống ở Trung tâm về trồng.
Do mới ghép năm 2013, nên cây chưa cho trái. Tuy nhiên, khi biết có cuộc thi tuyển chọn giống bơ, ông Tư đã thuyết phục ông Bảy làm giấy ủy quyền cho ông Tư mang cây bơ của ông Bảy đi dự thi. “Dẫu biết cây bơ của mình rất ngon, nhưng kết quả đạt được nằm ngoài mong đợi” - ông Bảy nói.
Theo ông Bảy, cây bơ này nhiều năm trước cho trái rất to và sai quả. Trung bình, trái nặng từ 1 - 1,2kg. Một năm cho đến 2 vụ, có khi đến 3 vụ trái. Khả năng đậu trái rất tốt. Sức đề kháng, chống chịu sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển cũng rất tốt.
Tuy nhiên, do nhiều năm nay không được chăm sóc nên hiện tại trái chỉ nặng từ 0,7 - 0,8kg, nhưng chất lượng trái vẫn rất ngon. Ông Tư Lư cho biết: “Đây là một nguồn giống rất quý, nếu để mai một thì rất uổng.
Bản thân tôi đã từng đi nhiều nơi để tìm giống bơ ngon về ghép cải tạo vườn bơ của mình, nhưng chưa tìm được giống nào ưng ý. Biết anh Bảy chỉ có 1 cây duy nhất, nên tôi đã mua chồi giống về vừa nhân chồi vừa ghép.
Đến nay, tôi đã ghép được 200 cây và nhân 2.000 chồi giống. Từ khi đoạt giải, nhiều nhà vườn tìm đến đặt vấn đề mua cây giống, nhưng do mới bắt đầu gieo ươm nên vẫn chưa có chồi giống để cung cấp”.
Ông Tư Lư nổi tiếng ở vùng Lộc An là một nông dân mạnh dạn trong đầu tư thâm canh cây công nghiệp và cây ăn trái. Trong 3,5ha vườn nhà, ông dành 1,5ha trồng cà phê giống mới, 1ha trồng măng cụt và 1ha chuyên canh cây bơ. “Không xen canh cây bơ vào cà phê như nhiều nông dân khác vẫn làm, tôi dành một quỹ đất riêng để bơ đủ sức sinh trưởng” - ông Tư cho biết.
Lúc chưa ghép giống bơ của ông Bảy, vườn bơ của ông mới cho trái bói, năng suất 8 tấn/ha. Tuy nhiên, do chất lượng trái không ngon, nên ông Tư đốn cành, giữ gốc để ghép. Hiện tại, gần 200 gốc bơ đã ghép sinh trưởng rất tốt, khả năng đến cuối năm 2015 sẽ cho trái bói.
Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm NCCG CCN CAQ Lâm Đồng, cho biết: “Càng về sau, những giống bơ được bình tuyển càng hội tụ những tính năng ưu việt hơn hẳn.
Hiện, chúng tôi đang phối hợp với nông dân đoạt giải để xúc tiến các thủ tục công nhận cây đầu dòng; sau đó, sẽ tiến hành nhân giống. Hiện, Trung tâm đã chuẩn bị vườn chồi để nhân giống đầu dòng. Hứa hẹn, cuối năm sau, giống bơ này sẽ được đưa ra trồng”.
Cũng theo ông Hùng, hiện tại, Trung tâm đã chọn được khoảng 10 giống bơ ghép đầu dòng. Tuy nhiên, chỉ có 3 giống trong số này (BLĐ 04, BLĐ 036, BLĐ 034) thật sự hội tụ các tính năng vượt trội và đang được nhân giống.
Cùng với 3 giống bơ đạt giải nhất, nhì, ba vừa được bình tuyển, Trung tâm sẽ bổ sung thêm những bộ giống tốt để cải tạo giống bơ của Lâm Đồng.
Related news
Ở ĐBSCL, nông dân mới nghe làm lúa GAP thấy lạ và tưởng như rất khó. Song nhiều hộ ở Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng bắt tay thử nghiệm mô hình và đạt chứng nhận. Nhưng vì sao phong trào làm lúa GolbalGAP chưa thể mở rộng ?
Sinh năm 1988 ở thôn Sen Đông, xã Sen Thủy (Lệ Thuỷ - Quảng Bình), học hết lớp 9, Lê Đăng Tây đã phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Sau nhiều năm làm thuê trong Nam
Giá gạo nội tiêu và XK của Thái Lan tăng tới 1-3%, trong khi đó lượng gạo XK theo hợp đồng với Nigeria vẫn tiếp tục được thực hiện.
Tại tỉnh Trà Vinh, nhiều diện tích nuôi tôm sú chính vụ 2011 đang trong giai đoạn từ 30 - 45 ngày tuổi bị chết vì bệnh đỏ thân. Đến nay, ở các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú đã có gần 1.110 ha tôm sú của 930 hộ dân bị thiệt hại, với số lượng gần 44 triệu con
Xà lách xoong hiện nay thu hoạch bao nhiêu thương lái đến tận ruộng thu mua hết. Hai công xà lách xoong của ông trừ hết chi phí lãi trên 60 triệu đồng/năm