Giảm Dần Lúa Ngoại, Tăng Lúa Nội
Vừa rồi, có thông tin cho rằng Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới nhưng phải nhập khẩu tới 70% lúa giống và rằng đồng ruộng Việt Nam thiếu vắng giống nội.
Điều này làm cho nhiều người hiểu lầm rằng, Việt Nam đang phải phụ thuộc vào giống lúa Trung Quốc lên tới 70%. Tuy nhiên, ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Phụ trách Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT, khẳng định chúng ta chỉ nhập khẩu lúa lai từ Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines (chủ yếu là từ Trung Quốc) nhưng hiện nay tỷ lệ lúa lai chỉ chiếm rất nhỏ, như năm 2013, tổng diện tích lúa cả nước là 7,8 triệu ha thì lúa lai chỉ có 600.000ha (chiếm khoảng 8%). Trong đó, khoảng 400.000ha đang trồng giống lúa lai “ngoại”, còn lại do doanh nghiệp và các trung tâm trong nước sản xuất, chọn tạo.
Ông Phạm Đồng Quảng cũng khẳng định: “Xu hướng chung hiện nay là tỷ lệ lúa lai đang giảm dần, mặc dù đây là giống cho năng suất cao và dễ trồng, có khả năng chống chịu bệnh, phù hợp thời tiết, khí hậu nhưng giá trị không cao bằng các giống lúa thuần. Bà con đang chuyển dần sang trồng các giống lúa Bắc Thơm 7, BC 15, nếp thơm…”.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong năm 2013, Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng 11.213 tấn lúa lai từ Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines… với khoảng 38 triệu USD.
Để tiến tới giảm dần phụ thuộc vào lúa lai “ngoại” đồng thời thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu từ đột phá từ giống lúa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN-PTNT đã có chiến lược đẩy mạnh dự án nghiên cứu và sản xuất lúa lai trong nước nói riêng và các giống lúa mới đảm bảo năng suất, chất lượng để có giá bán cao.
Bộ đã khuyến khích doanh nghiệp, các HTX, tổ chức nông dân sản xuất và cung ứng giống xác nhận. Đến nay, 80% diện tích lúa ở phía Bắc sử dụng giống lúa xác nhận hoặc có chất lượng tương đương. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, 15% diện tích sử dụng giống lúa xác nhận và khoảng 20% - 25% sử dụng giống nông hộ (do HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất giống, trao đổi nội bộ) còn lại chủ yếu nông dân tự để giống.
Đối với lúa lai, Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất giống lúa lai ngay ở trong nước. Năm 2014, cả nước sản xuất được 2.560ha giống lúa lai F1, tăng 200ha so với năm 2013 và được coi là kỷ lục, với năng suất bình quân 2,5 tấn/ha, sản lượng 6.500 tấn hạt lai F1 thì năm 2015 có thể đáp ứng khoảng 35% nhu cầu hạt giống lúa lai cho bà con.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đã yêu cầu các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cần chuyển hướng sang trồng những giống lúa chất lượng cao, được thị trường thế giới ưa chuộng để bán được giá cao như các nước trong khu vực, cụ thể là đảm bảo cho loại gạo trắng hạt dài (chất lượng khá) xuất khẩu đạt khoảng 600 USD/tấn và gạo thơm (chất lượng cao) đạt 800 USD/tấn thay vì chỉ xuất khẩu loại gạo trung bình với mức thấp 370 - 400 USD như hiện nay.
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1832FF/Giam_dan_lua_ngoai_tang_lua_noi_.aspx
Related news
Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang) mỗi ngày tiếp nhận hàng chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ trở về, với sản lượng tôm, cá cả trăm tấn. Trái hẳn với tâm trạng háo hức mang thành quả lao động từ biển về, phần lớn những ngư dân mà chúng tôi gặp tại đây đều buồn rười rượi.
Vụ nuôi tôm hùm vừa qua nhờ tôm ít bị bệnh, giá bán lại cao nên nhiều hộ dân ở TX Sông Cầu (Phú Yên) có thu nhập hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng ngư dân “mạnh tay” đầu tư vốn để phát triển lồng bè nuôi tôm một cách tự phát đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại và vỡ quy hoạch vùng nuôi.
Mới đây, tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước), Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Lộc Ninh tổ chức lễ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Hồ tiêu Lộc Ninh" cho 14 nông dân trồng tiêu tiêu biểu.
Đầu năm 2012, có 20 hộ nuôi tôm ở thôn Sơn Hải 1 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) liên kết nhau thành lập Tổ nuôi tôm an toàn bền vững (NTATBV) và đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ tham gia, đồng thời có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.
Ngay từ đầu mùa vụ, các bộ ngành hữu quan và chính quyền địa phương đã chủ động lên kế hoạch, triển khai các biện pháp để đẩy mạnh tiêu thụ cũng như XK quả vải tươi.