Ngư dân nóng ruột chờ tàu theo Nghị định 67
Hiện đang là mùa đánh bắt hải sản ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong khi nhiều tàu thuyền đã ra khơi cho vụ mùa thì nhiều con tàu vẫn còn đang nằm chờ để được phê duyệt vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Điều này đã khiến nhiều ngư dân đứng ngồi không yên.
Cuối tháng 5 năm nay, chiếc tàu đầu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu theo Nghị định 67 đã ra khơi.
Điều này mang lại nhiều phấn khởi và hy vọng cho ngư dân trong việc vay vốn đóng tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển.
Tuy nhiên, đây cũng là chiếc tàu duy nhất của tỉnh này được hình thành từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67.
Một trong những cảng cá tại Thành phố Vũng Tàu đang chờ những con tàu khai thác thủy sản được đóng theo Nghị định 67.
Nhiều ngư dân nóng ruột vì hồ sơ chờ phê duyệt vay vốn đã lâu nhưng vẫn chưa được giải ngân.
Trong khi đó, từ tháng 9 Âm lịch đến tháng Giêng là thời điểm có nhiều cá trong năm.
Nhiều ngư dân tiếc nuối: Lỡ một vụ mùa có khi là lỡ cả trăm triệu đồng.
Đơn cử như trường hợp ngư dân Nguyễn Đình Ngọc ở phường 2, thành phố Vũng Tàu.
Dù đã đăng kí tham gia vay vốn để đóng tàu composite khai thác hải sản có công suất 800 CV từ tháng 10 năm 2014 nhưng cho đến nay, sau hơn 1 năm, anh vẫn chưa được ngân hàng giải ngân.
Nôn nóng ra khơi xa, ngư dân này quyết định rút tiền mặt tạm ứng cho cơ sở đóng tàu dù ngân hàng vẫn đang trong thời gian thẩm định hồ sơ.
Theo anh Ngọc, “cần phải làm cho nhanh hơn chứ vậy thì quá lâu.
Riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 121 chiếc thì làm vậy biết bao giờ mới xong”.
Tương tự, chiếc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ của Công ty Phú Hưng Phát ở phường 7, thành phố Vũng Tàu dự kiến có chiều dài đến 60m, công suất 2.500 CV dù đã qua được cửa phê duyệt của Tổng cục Thủy sản được 6 tháng nhưng vẫn chưa đặt ky đóng tàu được vì ngân hàng vẫn chưa thẩm định xong.
Đây là 1 trong 2 con tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có công lớn nhất tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nếu những con tàu này được hoàn thành và đưa vào sử dụng, chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế.
Anh Nguyễn Văn Tiền, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Phú Hưng Phát cho biết: “Ngay bây giờ xuống nước là kịp vụ.
Nếu kéo dài quá thì mất hết thời gian.
Như tôi, đi ngư trường Trường Sa Lớn ngay lúc này là đúng thời điểm.
Tôi rất là nóng ruột.
Bây giờ ngoài đó cần hàng hóa rất nhiều, ra đó cung ứng vật tư cho tàu và mang cá về sản xuất cho dịp Tết này.”
Toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 121 chỉ tiêu vay vốn đóng mới hoặc nâng cấp tàu công suất lớn theo Nghị định 67.
Tuy vậy, đến nay sau hơn 1 năm triển khai, ngoài 1 tàu vỏ thép đã hoạt động, toàn tỉnh có 5 chiếc tàu nữa đã được giải ngân và đang trong giai đoạn hoàn thành.
Tuy vậy, so với tổng số 51 hồ sơ đã được phê duyệt thì đây vẫn còn là con số khiêm tốn.
Vì sao việc giải ngân những hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67 còn chậm như vậy? Một trong những nguyên nhân đó là hồ sơ, thủ tục, giấy tờ khiến nhiều ngư dân lúng túng.
Quen với việc đánh bắt trên biển hơn là quen với những bản vẽ thiết kế hay những tờ khai chứng minh tài sản, ngư dân phải mất nhiều thời gian để bổ sung hồ sơ.
Đơn cử như trong trường hợp ngư dân Nguyễn Đình Ngọc, dù tham gia từ tháng 10 năm 2014 nhưng phải 6 tháng sau thì bộ hồ sơ của anh mới được hoàn chỉnh để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Ngoài ra, do lần đầu tiên được vay một số vốn rất lớn lên đến hàng chục tỉ đồng để đóng tàu nên ngư dân gặp khó khăn trong tìm kiếm một cơ sở đóng tàu chất lượng và đúng yêu cầu.
Để gỡ khó cho ngư dân, thành phố Vũng Tàu đã chủ động tổ chức cho ngư dân tham quan các nơi đóng tàu uy tín để ngư dân yên tâm chọn lựa.
Ông Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vũng Tàu cho biết:
“Hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67 còn vướng ở chỗ: Một là, hồ sơ đã được duyệt rồi nhưng phải mất thời gian chọn mẫu tàu sao cho phù hợp.
Hai là, chọn địa điểm đóng tàu.
Ba là, chọn ngân hàng nào để vay.
Thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn dẫn luôn các ngư dân đến các nơi đóng tàu như ở Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh để ngư dân tận mắt thấy để họ lựa chọn.”
Ngoài những vấn đề trên, khó khăn của ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 còn do thời gian chờ phê duyệt bản vẽ thiết kế và thẩm định của ngân hàng rất lâu.
Trung bình một bộ hồ sơ phải mất khoảng 3 tháng để chờ phê duyệt bản vẽ thiết kế và cũng phải mất chừng ấy thời gian để ngân hàng thẩm định.
Sau khi được giải ngân, ngư dân còn phải chờ đợi ít nhất từ 6 đến 10 tháng thì mới hoàn thành được việc đóng tàu.
Như vậy, trung bình một bộ hồ sơ phải kéo dài đến cả năm trời.
Chính vì thế, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong các tỉnh có lượng hồ sơ được giải ngân rất chậm so với các tỉnh thành khác trong cả nước.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Trong quá trình triển khai Nghị định 67 do Bà Rịa – Vũng tàu ưu tiên đóng tàu vỏ thép và vật liệu mới (composite) nên số lượng và tiến độ so với các địa phương khác có chậm hơn.
Tuy vậy, nếu tính giá trị vốn đầu tư thì rất lớn.
Riêng tàu gỗ thì từ tháng 10 mới bắt đầu làm.”
Nghị định 67 ra đời và mới đây nhất là Nghị định 89 sắp có hiệu lực vào ngày 25/11 tới đây được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho ngư dân trong việc vay vốn đóng tàu công suất lớn.
Và để có những con tàu lớn vươn khơi bám biển, rất cần sự vào cuộc của các ngành có liên quan để đồng vốn của Chính phủ nhanh chóng đến tay bà con ngư dân.
Related news
Trong khi trước đó, từ đầu niên vụ ngày 1/10 đến hết tháng 11/2014 giá cà phê trong nước luôn giao động trong khoảng 40-41 triệu đồng/tấn, thậm chí trước đầu niên vụ 2014-2015 giá từng đứng vững ở mức 42 triệu đồng/tấn.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh hàng năm trên 117.000 ha, năng suất bình quân năm 2014 đạt 56,3 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha so với năm 2010; sản lượng năm 2014 ước đạt trên 660.000 tấn, tăng 21.000 tấn/ha so với năm 2013.
Sự ra đời của Hiệp hội Thủy sản (Basep) trong 3 năm qua đã thể hiện rõ vai trò cầu nối của mình đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản. Gần 50 hội viên có doanh số chiếm tỉ trọng lớn trong toàn hiệp hội, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh...
Ở Tiền Giang, khóm phụng, khóm son là loại trái cây được xem là “hàng độc” để phục vụ nhu cầu chưng nghi của người tiêu dùng cả nước trong dịp Tết. Ông Hà Văn Bảy, nông dân trồng khóm ở xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho biết, khóm phụng, khóm son là loại khóm kiểng có màu đỏ son sặc sỡ hoặc hình dáng như chim phụng nên được thị trường rất ưa chuộng. Để có các loại khóm này cung cấp cho thị trường thì các thương lái thường phải đặt hàng từ trước Tết khoảng 1-2 tháng.
Bắt đầu vận hàn7h từ năm 2010, đến nay Sàn Giao dịch Rau quả và Thực phẩm An toàn Hà Nội đã thu hút được 625 Hợp tác xã (HTX) trên 11 tỉnh, thành tham gia với 1.441 điểm phân phối. Cùng với những thành công ban đầu, mô hình này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc phát triển bền vững và tăng thu nhập cho nông dân.