Ông Chủ Của 4 Trang Trại Chim Tiền Tỷ
Từng thua lỗ và tay trắng trên thương trường, anh Giáp tái khởi nghiệp với 40 triệu đồng vay mượn và khu vườn 200m2 để nuôi chim trĩ đỏ.
Chàng trai 9X làm giàu từ chim trĩ đỏ
Sinh ra tại Lý Nhân (Hà Nam), anh Trần Nhữ Giáp tốt nghiệp Đại học Thương mại khoa Quản trị Kinh doanh năm 2001. Sau khi ra trường, anh làm việc cho một số doanh nghiệp tư vấn đầu tư. Luôn ôm mộng được làm kinh doanh riêng nên năm 2005, khi tích lũy đủ kinh nghiệm và vốn liếng, anh Giáp cùng một số người bạn thành lập công ty tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp FDI.
Biến cố vài năm sau đó đã thổi bay 5 tỷ đồng anh tích cóp trong mấy năm ăn nên làm ra nhờ nghề tư vấn.
Sau một thời gian chán nản, anh Giáp tự nhủ mình phải tìm ra một hướng đi thật khác biệt để làm lại từ đầu. Anh trăn trở rất nhiều về con đường mới cho cuộc đời mình.
"Lúc đó tôi mày mò, tìm kiếm mãi nhưng những gì mình định làm thì thiên hạ lại làm hết rồi, càng ngày càng bế tắc nên đã tìm đến chim cảnh để lấy lại sự cân bằng", chủ trang trại kể lại. Anh mua 2 chú chim trĩ đỏ về để nuôi chơi nhưng một thời gian sau chúng sinh sản. Giáp tò mò lên mạng tìm kiếm thông tin về loài này và nảy ra ý tưởng nhân rộng mô hình nuôi.
Anh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của vợ và gia đình. "Những người thân của tôi đều cho rằng ăn học tử tế giờ lại quay về làm chăn nuôi, chân lấm tay bùn thì bao nhiêu năm phấn đấu sẽ thành con số không", anh Giáp cho hay. Thậm chí, vợ anh từng gây áp lực với bằng cách đòi ly hôn. Cuối cùng trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, chị đành chấp nhận để anh chọn con đường theo ý thích của mình.
Bắt đầu lại mọi việc với hai bàn tay trắng, anh Giáp biết trước mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để có nơi mở trang trại, anh về Hà Nam hỏi mượn đất của người thân. "Nhưng lúc đó, ai cũng e ngại vì cho rằng cái kế hoạch 'giời ơi đất hỡi' của tôi biết có thành công không? Cuối cùng mình cũng thuyết phục họ cho mượn khoảng 200m2 ruộng", anh cho hay.
Giáp vay khoảng 40 triệu đồng của bạn bè về để có vốn đầu tư, xây dựng chuồng trại... Đến 2008 anh về làm nông dân để lại công ty tư vấn cho người bạn điều hành. Bắt tay vào nuôi mới thấy mọi việc không dễ dàng như anh nghĩ.
Chim trĩ đỏ là loài nằm trong sách đỏ nên anh gặp không ít khó khăn trong việc xin cấp phép nuôi. Để hoàn thành thủ tục pháp lý cho trang trại, anh phải đã mất gần 2 năm chứng minh những động vật này có thể sinh sản được trong môi trường nhân tạo. Đến tháng 6/2009, anh mới có được giấy phép.
Thời gian đầu, do chưa nắm vững về đặc tính, kỹ thuật nuôi, sinh sản... nên chim bị chết khá nhiều, anh tiếp tục thua lỗ hàng trăm triệu đồng.
Cả nước khi đó lại chưa có mô hình nào về loài này để học hỏi nên anh Giáp lại dành thời gian mày mò, nghiên cứu tài liệu từ các trang nước ngoài để ứng dụng và tìm ra nguyên nhân vật nuôi bị bệnh. Thậm chí, anh còn vay cả tiền để sang nước ngoài như Malaysia, Thái Lan, Australia... cả tháng trời để học hỏi kinh nghiệm.
Cuối cùng, công sức của anh cũng được đền đáp và anh mở rộng khu vườn tại Hà Nam thành một trang trại rộng khoảng 5.000m2. Năm 2010, từ những thành công bước đầu, anh Giáp tiếp tục gom góp, vay mượn hơn 3 tỷ đồng để đầu tư trang trại 14.000m2 ở Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Gần đây, anh đang xin cấp phép thêm 2 trang trại nữa tại Láng Hòa Lạc và một tỉnh ở phía Nam.
Hiện cả 4 trang trại có khoảng 7.000 cá thể chim trĩ. Gần đây anh nuôi thử nghiệm thêm các loài gia cầm khác như chim công, ngỗng trời, gà rừng tai trắng, gà lôi vằn, sâm cầm, vịt trời, chim le le... với khoảng 1.000 cá thể. Ngoài việc nhân giống và hoàn thiện mô hình nuôi, anh còn nghiên cứu đặc tính, cách nhân giống các loài này để hoàn thiện cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi, sinh sản các loài chim, gà quý hiếm để phổ biến đến người chăn nuôi.
Mỗi tháng, trang trại của anh cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 chim trĩ các loại, 100 chim công giống và trưởng thành, 4.000 con vịt thương phẩm… Theo tính toán của anh, mỗi năm trang trại có thể thu lãi khoảng 800 triệu đến một tỷ đồng. Ngoài bán chim giống và thương phẩm, anh còn bao đầu ra cho những bà con mua giống xung quanh vùng.
Anh Giáp cho biết, sau 7-8 tháng tuổi, chim trĩ đỏ bắt đầu đẻ trứng. Trung bình mỗi năm, một con mái đẻ khoảng 100 quả trứng, có những con đẻ gấp đôi số đó. Giá mỗi quả trứng chim trĩ đỏ hiện khoảng 20.000 đồng, trĩ giống nuôi một tháng tuổi giá khoảng 80.000 đồng con, trĩ trưởng thành 450.000 đồng một con…
Chim công giống dao động từ 1-2 triệu mỗi con, loại trưởng thành đang sinh sản khoảng 9-11 triệu. Ngỗng trời giống và thương phẩm từ 500.000 đến 1,2 triệu mỗi con, sâm cầm 800.000 đồng mỗi con... Mỗi ngày, các trang trại của anh có hàng chục lượt khách đến tìm hiểu, học hỏi mô hình cùng các chuyên gia nghiên cứu về các loài chim quý hiếm.
Về lâu dài, anh Giáp dự định sẽ củng cố cơ sở vật chất của các trang trại sẵn có và mở thêm các điểm chăn nuôi khác trên cả nước. "Tôi hi vọng sẽ xây dựng hệ thống trang trại chuyên sản xuất và cung cấp các giống chim, gia cầm, thủy cầm quý hiếm hàng đầu cả nước". chủ trang trại cho hay.
Related news
Theo Sở NN- PTNT Vĩnh Long, giá khoai lang tím Nhật trong tháng 4/2015 giảm 20% so với tháng trước và giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, phá thế độc canh thông qua tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp để đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp làm giàu trong điều kiện đất hẹp, người đông là chủ trương đúng đắn được nông dân vùng dự án ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) hưởng ứng, áp dụng một cách rộng rãi với những mô hình canh tác đa dạng: lúa + màu, lúa + dưa, VAC...phù hợp với điều kiện từng tiểu vùng.
Sáng 27-4, tại cơ quan phía Nam Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (TP. Hồ Chí Minh), Hiệp hội điều Việt Nam tổ chức hội thảo về phương pháp ghép chồi cho cây điều nhằm đánh giá quá trình khảo sát của nhóm chuyên gia đến từ Hiệp hội điều Việt Nam tại vườn điều ghép của 3 hộ ở xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước).
Chùm ngây là loại cây mọc hoang phân bố ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong những năm gần đây, loại cây này được sử dụng làm thực phẩm hằng ngày và được bán với giá thành cao. Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc việc nhân rộng diện tích, bởi đầu ra cho sản phẩm nhìn chung còn "phập phù".
Lúa đông xuân đang sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là sâu bệnh đang có chiều hướng phát sinh trên diện rộng và lây lan nhanh.